image banner
Phòng 2 Viện KSND tỉnh Nghệ An kiểm sát điều tra 03 vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.

       Từ năm đầu 2022, các đối tượng người Đài Loan đã thành lập các công ty có trụ sở tại Campuchia với mục đích hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân Việt Nam bằng hình thức giả danh Tổng đài Viễn thông, công ty điện lực, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước đe dọa người dân có liên quan đến vụ án lớn để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản nhằm chiếm đoạt. Các đối tượng này đã móc nối với một số đối tượng người Việt Nam để cùng nhau quản lý công ty. Để thực hiện hoạt động lừa đảo, các đối tượng liên tục tuyển người từ Việt Nam qua để đào tạo, hướng dẫn và cấp phát các thiết bị, máy móc, kịch bản thực hiện hoạt động lừa đảo. Công ty được chia làm 03 nhóm là D1, D2, D3:

Anh-tin-bai

Nhóm D1: Là nhóm đông nhất, ngồi tập trung vào các phòng, mỗi người ngồi ở một ô làm việc riêng được ngăn bằng vách gỗ công nghiệp ba phía để tránh ảnh hưởng với người khác. Trong mỗi phòng làm việc, nhân viên được bố trí ngồi thành hai dãy bàn đều quay mặt vào tường, quay lưng vào nhau. Mỗi người được cấp một điện thoại di động iPhone 8 đã cài đặt ứng dụng gọi điện Bria Mobile VoIP Softphone, một tập tài liệu là danh sách những người dân Việt Nam với đầy đủ thông tin cá nhân cơ bản: họ tên, ngày sinh, số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ. D1 có nhiệm vụ gọi điện cho người dân Việt Nam trong danh sách theo kịch bản soạn sẵn. Gồm có 3 kịch bản như sau:

Kịch bản 1: Gọi điện giả danh Công an thì sẽ nói với bị hại: Anh/chị có phải là Nguyễn Văn A, số căn cước công dân ... không? (thông tin trong danh sách được cấp). Sau khi bị hại xác nhận đúng thì nói tiếp: Tôi là Trung úy B (tự nghĩ ra) của Công an huyện, thành thị C (nơi bị hại cư trú), vừa rồi có tiếp nhận một bộ hồ sơ kiện của TAND thành phố Hà Nội gửi về. Anh/chị có nhờ bên phía tòa án xử lý vấn đề gì không. Bị hại chắc chắn sẽ trả lời Không. D1 xác nhận lại thông tin cá nhân của bị hại, đọc nội dung thông báo về việc thông tin cá nhân của bị hại bị kẻ xấu lợi dụng đăng ký sim thuê bao khác và sử dụng để vi phạm pháp luật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Bị hại chắc chắn trình bày không liên quan vụ việc. D1 hướng dẫn rằng nếu anh/chị không liên quan đến vụ việc thì không loại trừ khả năng thông tin cá nhân của anh/chị bị rò rỉ và bị đối tượng xấu lợi dụng, đề nghị anh/chị trình báo sự việc đến cơ quan chức năng. Nếu bị hại đồng ý trình báo thì D1 sẽ chuyển thông tin cuộc gọi cho D2.

Kịch bản 2: Gọi điện giả Tổng đài Viễn thông thì sẽ nói với bị hại: Anh/chị có phải là Nguyễn Văn A, số căn cước công dân ... không? (thông tin trong danh sách được cấp). Sau khi bị hại xác nhận đúng thì nói tiếp: Tôi là nhân viên tổng đài Viettel/Vinaphone... (tùy thuê bao của bị hại), số thuê bao của anh/chị sẽ bị khóa trong hai giờ tới. Bị hại hỏi lý do thì D1 nói rằng thông tin của anh/chị còn đăng ký một tài khoản facebook để chống phá Đảng, Nhà nước. Khi bị hại thanh minh thì D1 nói khả năng thông tin cá nhân của anh/chị đã bị rò rỉ để đối tượng khác lợi dụng làm việc đó. Tiếp theo, D1 hỏi anh/chị có muốn kết nối điện thoại đến Tổng bộ Cảnh sát Bộ Công an để trình báo sự việc không. Khi bị hại đồng ý, D1 bấm ## trên bàn phím điện thoại, kết nối đến đối tượng D2 để tiếp tục đe dọa, thao túng tâm lý bị hại.

Kịch bản 3: Hệ thống tự động gọi điện ngẫu nhiên đến các số thuê bao của người dân Việt Nam trong danh sách. Khi người dân bắt máy, hệ thống tự động phát đoạn thu âm sẵn có nội dung thông báo “Hợp đồng điện lực của quý khách sẽ bị ngưng sau hai giờ nữa, để gặp nhân viên hỗ trợ biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 6”. Bị hại tò mò bấm phím 6 thì một điện thoại trong số D1 đổ chuông và người đó nghe máy. D1 nghe máy sẽ nói “Tổng Công ty Điện lực xin nghe”, D1 hỏi anh/chị có vấn đề gì cần hỗ trợ. Khi bị hại hỏi lý do cắt điện thì D1 yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân để tra cứu trên hệ thống. D1 nói thông tin cá nhân của anh/chị còn đăng ký hợp đồng điện ba pha ở thành phố Hà Nội, gây thất thoát của Nhà nước 22.000 kWh điện tương đương 86.860.000 đồng. Bị hại thanh minh là không phải thì D1 tiếp tục nói: Có thể thông tin của anh/chị bị rò rỉ để đối tượng xấu lợi dụng. Để tránh oan sai thì chúng tôi kết nối anh đến đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội để trình báo. Khi bị hại đồng ý, D1 bấm ## trên bàn phím điện thoại để kết nối đến đối tượng D2.

Anh-tin-bai

 Ảnh: Kiểm sát viên tham gia lấy lời khai đối tượng

Nhóm D2: gồm những người có kinh nghiệm và thời gian làm việc lừa đảo lâu hơn, nói năng lưu loát hơn, thường là con trai.

Sau khi D1 nói chuyện với bị hại và chuyển máy đến D2, D2 xưng là Cán bộ trực ban Công an tỉnh/thành phố (tuỳ vào địa chỉ của bị hại), yêu cầu bị hại trình báo sự việc qua điện thoại. Sau khi bị hại trình báo (theo như D1 đã hướng dẫn), D2 nói cần lập hồ sơ báo án để mở cuộc điều tra, yêu cầu bị hại lấy giấy tờ cá nhân để làm việc. Khi được tin tưởng, D2 chuyển kết nối cuộc gọi cho D3 để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của bị hại.

Nhóm D3: gồm những người đã làm thời gian lâu, là những D2 có kinh nghiệm được nâng lên D3. D3 sẽ thực hiện các hành vi để chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại đến tài khoản ngân hàng của công ty. Ngoài ra, D3 còn giúp chủ công ty quản lý toàn bộ những người D1, D2.

Những đối tượng làm việc trong công ty đều thực hiện công việc theo nhiệm vụ được phân công, đồng thời phối hợp với những người khác nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân để được nhận lương hàng tháng và tiền thưởng (được chia theo tỷ lệ phần trăm tùy theo từng vị trí) từ số tiền do lừa đảo mà có.

Đây là vụ án phạm tội có tổ chức chặt chẽ, trụ sở đặt tại nước ngoài, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam trong một thời gian dài. Bước đầu, Cơ quan điều tra đã chứng minh được các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của 08 bị hại với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 03 vụ án, khởi tố bị can đối với 46 đối tượng về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự  đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Tổ tuyên truyền

Phòng 2 – Viện KSND tỉnh Nghệ An

 

 

 

 

 

 

 

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1