Viện kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn kiến nghị phòng ngừa tội phạm về tham nhũng, chức vụ
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng
VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 và Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 17/01/2024
về Chiến lược
Quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 của tỉnh Nghệ An. Viện KSND huyện Kỳ Sơn đã
tích cực tham mưu cho đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo và triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh phòng
chống tội phạm về tham nhũng, chức vụ, đạt được những kết quả quan trọng góp
phần giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm cho kinh tế - xã hội của huyện phát
triển.
Theo số liệu thống kê từ ngày
01/12/2022 đến ngày 30/6/2024, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xảy ra 04 vụ/10 bị can
phạm tội tham nhũng, chức vụ, chiếm tỷ lệ 4% trong tổng số vụ án đã được khởi
tố. Tập trung ở các tội “Tham ô tài
sản” Điều 353 Bộ luật hình sự, tội “Lợi dụng chức vụ quyền
hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự, tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” tội quy định tại Điều 357 Bộ
luật hình sự và tội “Thiếu trách nhiệm
gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự. Tội phạm
thường diễn ra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát,
lãng phí. Các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình (là Chủ tịch
UBND xã, kế toán xã, hiệu trưởng các trường học) thực hiện hành vi làm khống
hóa đơn chứng từ để rút tiền ngân sách Nhà nước, từ nguồn kinh phí tự chủ của
đơn vị, rồi chiếm đoạt hưởng lợi cho cá nhân (điển hình: vụ án Xồng Bá Dênh,
Xồng Bá Tô - Chủ tịch và cán bộ kế toán xã Na Ngoi, Hà Thắm Cảnh –Hiệu trưởng
trường PTDTBT THCS Tà Cạ phạm tội
“Tham ô tài sản”); Hoặc dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công
vụ gây thiệt hại tài sản của Nhà nước (vụ án Phạm Thị Tuyết – Hiệu trưởng
trường tiểu học Bảo Nam phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi
hành công vụ”); Hoặc vì động cơ vụ lợi mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái
công vụ gây thiệt hại tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước (vụ án Xồng Bá Tô – kế toán xã Na Ngoi
phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; Hoặc có những bị can đã buông
lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát các hoạt động tài
chính, kế toán của đơn vị nên đã dẫn đến để cho một số cá nhân khác lạm dụng chức
vụ và quyền hạn chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước trong một thời gian dài để
tiêu xài cá nhân nhưng không được phát hiện, gây thiệt hại nghiêm trọng ngân
sách Nhà nước (Bị can Xồng Bá Dênh, Mùa Bá Giờ- Chủ tịch UBND xã Na Ngoi phạm tội
“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”).
Để xảy ra những tội phạm nêu trên nguyên nhân là do tư
tưởng sai lệch của một số cá nhân muốn làm giàu bằng mọi giá, bất chấp pháp
luật, đạo đức, vì lợi ích cá nhân, vụ lợi. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thanh
tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, việc sử dụng tiền từ nguồn
ngân sách Nhà nước còn sơ hở và thiếu sót (kể cả công tác thanh quyết toán
nguồn ngân sách Nhà nước) là lý do mà các đối tượng lợi dụng để vụ lợi, chiếm
đoạt. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết pháp luật về lĩnh vực tài chính, kế toán và
sự buôn lỏng quản lý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng là cơ hội, điều
kiện làm phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, chức vụ.
Hậu quả của các vụ án tham nhũng, chức vụ gây thiệt hại
lớn về tài sản, làm mất niềm tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước, gây
bất ổn xã hội.
Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về
tham nhũng, chức vụ, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế -
xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin
của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quản lý, điều hành của
chính quyền. Viện trưởng VKSND huyện Kỳ Sơn đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Kỳ
Sơn Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm công vụ được
giao theo quy định tại Điều 28, 29, 35, 36 Luật tổ chức chính quyền địa phương
2015 và Luật Ngân sách Nhà nước 2015 nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và sự
tuân thủ pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về tài chính, kế toán.
- Rà soát cụ thể quy trình thực hiện các chế độ, chính
sách, việc quản lý và sử dụng các nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước, thủ tục
thanh quyết toán, nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập dễ bị các cá nhân
lợi dụng để tham nhũng, trục lợi.
- Thực hiện cơ chế công khai, minh bạch về tài chính
trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo đúng quy định tại Nghị
Định 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính Phủ.
- Chỉ đạo phòng Thanh tra tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra công tác thu, chi tài chính tại UBND các xã và đơn
vị trường học. Khi thực
hiện chức năng thanh tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, chức vụ
thì kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến Cơ quan Điều tra
có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án hình sự.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên trách như
phòng Tư pháp trực tiếp áp dụng các biện pháp phòng ngừa thông qua tổ chức các
đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, đấu tranh, tố
giác các hành vi tham nhũng như: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ
quyền hạn, trong khi thi hành công vụ...
- Đề nghị các cơ quan Công an, Viện
kiểm sát, Tòa án tích cực phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham
nhũng, chức vụ đảm bảo đúng người, đúng tội, công bằng, nghiêm minh, góp phần
giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Sau khi
nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã
tiếp thu và có văn bản chỉ đạo các phòng, ban tiến hành tự kiểm tra, siết chặt
kỷ luật, kỷ cương trong nội bộ các đơn vị. Đồng thời, có biện pháp khắc phục, chấn
chỉnh các sai phạm, nhằm làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham
nhũng, tiêu cực trên địa bàn trong thời gian tới./.
|
|
Vương Quốc Khánh - Phó Viện trưởng
Viện KSND huyện Kỳ Sơn
|