Viện KSND huyện Quế Phong tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Bảo vệ quyền dân sự của nhóm người dễ bị tổn thương - Góc nhìn pháp luật và vai trò của ngành KSND”
Nhằm nâng cao nhận thức,
trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của công dân - đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội - chiều
ngày 15/4/2025, Viện KSND huyện Quế Phong đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề
với nội dung: “Bảo vệ quyền dân sự của
nhóm người dễ bị tổn thương dưới góc nhìn pháp luật và vai trò của ngành Kiểm
sát nhân dân”. Buổi sinh hoạt có sự tham gia đầy đủ của tập thể lãnh đạo, cùng
toàn thể công chức trong đơn vị. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên
nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp lý chuyên sâu, thực hiện tốt phương châm “Đoàn
kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới - vì ngành Kiểm sát nhân dân vững mạnh”.
Slide tiêu đề chuyên đề được trình chiếu tại buổi sinh hoạt ngày 15/4/2025
Mở đầu buổi sinh hoạt,
đồng chí Hồ Trà My - chuyên viên - đã trình bày chuyên đề về việc nhận diện các nhóm người dễ
bị tổn thương trong xã hội, bao gồm: trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ, người
cao tuổi, cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng người đồng tính, người nghèo,
người vô gia cư, người nghiện ma túy, người di cư, nạn nhân mua bán người… Đây
là những nhóm đối tượng thường gặp khó khăn trong việc thực hiện và bảo vệ
quyền dân sự do điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ, hoàn cảnh sống. Theo các
quy định pháp luật liên quan như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015,
Luật Trẻ em năm 2016, Luật Người khuyết tật năm 2010,… có thể thấy rằng việc
bảo vệ quyền dân sự của nhóm người dễ bị tổn thương không chỉ thể hiện tính
nhân văn sâu sắc, mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của Nhà nước và các cơ
quan bảo vệ pháp luật.
Đồng chí Hồ Trà My báo cáo chuyên đề về nhận diện các
nhóm người dễ bị tổn thương
Tiếp theo, đồng chí
Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện KSND huyện Quế Phong - đã trình bày nội dung
trọng tâm của chuyên đề: Vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ
quyền dân sự của nhóm người dễ bị tổn thương. Với chức năng thực hành quyền
công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát giữ vai trò then chốt trong
việc bảo đảm pháp luật được áp dụng công bằng, kịp thời và hiệu quả. Ngành Kiểm
sát đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền lợi của những nhóm yếu thế, đảm bảo không để
họ bị xâm hại mà không được bảo vệ. Đồng thời, Viện Kiểm sát có thể chủ động
phát hiện vi phạm, kiến nghị khắc phục sai sót và phối hợp cùng các cơ quan bảo
vệ pháp luật để hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương tiếp cận công lý một cách
hiệu quả.
Trong khuôn khổ thực hiện
nhiệm vụ theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch
số 11-KH/TW của Bộ Chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì xây
dựng và hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi
kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn
thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra
khởi kiện”, đây là bước đi mang tính chiến lược, nhằm tạo ra một cơ chế pháp lý
rõ ràng và chặt chẽ, cho phép Viện kiểm sát chủ động hơn trong việc bảo vệ
quyền lợi hợp pháp của nhóm người yếu thế trong xã hội. Đề án không chỉ là sự
cụ thể hóa các định hướng lớn của Đảng mà còn thể hiện quyết tâm của ngành Kiểm
sát trong việc đổi mới, cải cách tư pháp theo hướng dân chủ, hiện đại và nhân
văn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện KSND huyện Quế Phong trình bày
vai trò của ngành KSND trong bảo vệ người dễ bị tổn thương
Kết luận buổi sinh hoạt,
đồng chí Viện trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng
nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, kiểm
sát viên. Đây chính là thời điểm để tất cả nhận thức rõ trách nhiệm trong việc
thực hiện cải cách tư pháp, góp phần xây dựng một nền tư pháp vững mạnh, phục
vụ nhân dân và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi công dân.
|
Tổ tuyên truyền
Viện KSND huyện Quế
Phong
|