image banner
Trao đổi về bất cập trong xét miễn, giảm nghĩa vụ Thi hành án Dân sự

Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 là căn cứ pháp lý cho các hoạt động tổ chức thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự và hoạt động tham gia thi hành án dân sự của các chủ thể khác, từ đó bảo đảm cho hoạt động tổ chức và tham gia thi hành án dân sự của các chủ thể được thuận lợi góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phải thi hành án, được triển khai thực hiện cơ bản theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện thấy còn có vài bất cập dẫn đến hiệu quả trong việc miễn, giảm nghĩa vụ hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước chưa cao, việc thi hành án còn tồn đọng, kéo dài.

Tại điểm b khoản 2 Điều 61 Luật thi hành án dân sự, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định việc xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại: "Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng".

Tại điểm a khoản 3 Điều 61 Luật thi hành án dân sự, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án: "Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án".

Qua thực tiễn áp dụng pháp luật, chúng tôi thấy rằng, quy định trên chưa dự kiến hết những trường hợp xảy ra trên thực tiễn, dẫn đến không công bằng, chưa đảm bảo quyền lợi cho người phải thi hành án.

Ví dụ: Đương sự A và B đều phải thi hành án số tiền phạt 20.000.000 đồng và tiền án phí 50.000 đồng. Tổng số tiền phải thi hành án là 20.050.000 đồng. Ngày 01/6/2015, Cơ quan Thi hành án dân sự huyện ra Quyết định thi hành án đối với hai đương sự trên. Quá trình thi hành án, đương sự A đã tích cực thi hành án số tiền 11.350.000 đồng, gồm tiền án phí và tiền phạt, số tiền còn lại phải thi hành là 8.700.000 đồng; đương sự B đã thi hành số tiền án phí và tiền phạt 10.000.000 đồng, số tiền còn lại phải thi hành án 10.050.000 đồng. Sau đó, người phải thi hành án không có tài sản, không có thu nhập ổn định. Năm 2023, Cơ quan thi hành án dân sự xây dựng hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với hai trường hợp nêu trên. Căn cứ quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, nếu xét giảm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 61 thì chỉ có đương sự B được xét giảm số tiền còn lại phải thi hành án là 10.050.000 đồng, còn đương sự A không được xét giảm số tiền 8.700.000 đồng vì không thỏa mãn điều kiện về số tiền còn lại phải từ 10 triệu đồng trở lên, cũng không đủ điều kiện để xét miễn theo điểm b khoản 2 Điều 61 Luật thi hành án dân sự vì số tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng thì thời hạn xét miễn phải là 10 năm.

Như vậy, đương sự A thi hành án tích cực hơn, số tiền phải thi hành án còn lại ít hơn (dưới 10.000.000 đồng), các điều kiện khác… đều đáp ứng đầy đủ. Đối chiếu quy định tại Luật thi hành án dân sự vẫn không đủ điều kiện xét miễn giảm, vì nếu xét miễn theo điểm b khoản 2 Điều 61 Luật thi hành án dân sự thì đương sự chưa đủ điều kiện về số năm được xét; Còn nếu xét giảm theo điểm a khoản 3 Điều 61 Luật thi hành án dân sự thì đương sự không đủ điều kiện về số tiền được xét giảm (từ 10 triệu đồng).

Từ ví dụ trên cho thấy, có những trường hợp với số tiền phải thi hành án như nhau, số thời gian kể từ khi ra quyết định thi hành án như nhau, nhưng người thi hành tích cực hơn, số tiền còn phải thi hành ít hơn (dưới 10.000.000 đồng), các điều kiện về số tiền đã thi hành, thời gian điều kiện về tài sản… đều đáp ứng đầy đủ nhưng không được xét miễn, giảm như người thi hành được số tiền ít hơn và số tiền còn lại phải thi hành nhiều hơn. Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, người phải thi hành án số tiền còn lại ít hơn, tích cực thực hiện nghĩa vụ thi hành án hơn thì phải được ưu tiên xét miễn, giảm hơn.

Từ bất cập như trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 61 Luật thi hành án dân sự theo hướng:  Đối với phần nghĩa vụ còn lại không quy định mức khởi điểm của việc xét giảm là 10 triệu đồng như hiện hành, chỉ nêu  phần nghĩa vụ còn lại có giá trị đến 100.000.000 đồng, như vậy sẽ khắc phục được bất cập nêu trên./.

 

                      KSV Nguyễn Thị Hải

                               Viện KSND huyện Hưng Nguyên

 

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 77
  • Trong tuần: 12 140
  • Tất cả: 421090