image banner
Trao đổi nghiệp vụ: Nguyễn Văn H bị áp dụng 01 tình tiết hay 02 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là các tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, là căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội so với các trường hợp phạm tội khác. Do đó, việc xác định đúng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là vô cùng quan trọng trong giải quyết các vụ án hình sự nhưng trong thực tiễn xét xử cho thấy không phải trường hợp nào cũng đơn thuần để xác định mà trong nhiều vụ án các tình tiết này đan xen lẫn nhau dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá chưa thống nhất.

Ví dụ: Nguyễn Mạnh H là người đang có tiền án về tội “Hủy hoại tài sản”. Ngày 28/7/2021, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân Nguyễn Mạnh Hưng dùng con dao đăn chém làm hỏng hoàn toàn 01(một) tấm gương tại kiốt cắt tóc của anh Nguyễn Văn K (Em trai của H). Ngày 29/7/2021, Nguyễn Mạnh H tiếp tục sử dụng con dao nói trên chém 03 nhát làm hư hỏng hoàn toàn 01 (một) chiếc ti vi nhãn hiệu LG của ông Nguyễn Ngọc T (Là bố đẻ của H), Sau đó, ông T và anh K trình báo sự việc đến Công an huyện để điều tra làm rõ. Bản kết luận định giá tài sản xác định: 01 (một) tấm gương có giá trị: 670.000 đồng (Sáu trăm bảy mươi nghìn đồng); 01(một) chiếc tivi có giá trị: 3.200.000 đồng (Ba triệu hai trăm nghìn đồng). Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn H về tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 178 BLHS.

Quá trình giải quyết vụ án có nhiều quan điểm về việc xác định tình tiết tăng nặng đối với Nguyễn Văn H.

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn H bị áp dụng 01 (một) tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”. Bởi vì, hành vi ngày 28/7/2021 của H không đủ định lượng giá trị (dưới 2 triệu) nhưng H có tiền án về hành vi hủy hoại tài sản nên đã phạm tội “Hủy hoại tài sản” và hành vi ngày 29/7/2021, Nguyễn Văn H hủy hoại tài sản có giá trị trên 2.000.000 đồng đã phạm tội “Hủy hoại tài sản”, vì H thực hiện 02 hành vi phạm tội hủy hoại tài sản ở 02 thời điểm khác nhau nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”. Đối với tiền án của H đã được sử dụng để định tội ở  hành vi thứ nhất nên theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Do vậy, không áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm” đối với H.

Quang điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả: Nguyễn Văn H bị áp dụng 02 (hai) tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Tái phạm”. Bởi lẽ, do H có tiền án về hành vi hủy hoại tài sản nên hành vi thứ nhất của H đã cấu thành tội phạm. Đến ngày 29/7/2021, Nguyễn Văn H tiếp tục thực hiện hành vi hủy hoại có giá trị tài sản trên 2.000.000 đồng đã phạm tội “Hủy hoại tài sản”. Do H thực hiện 02 hành vi phạm tội cùng một tội danh ở 02 thời điểm khác nhau nên H bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”. Nguyễn Văn H là người có tiền án, tuy tiền án này được sử dụng trong việc định tội ở hành vi thứ nhất nhưng tái  phạm là tình tiết phản ánh nhân thân của người phạm tội, Nguyễn Văn H là người đã bị kết án về hành vi hủy hoại tài sản nhưng vẫn tiếp tục thực hiện nhiều hành vi hủy hoại cho thấy đối tượng là người rất xem thường pháp luật, do đó việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm” đối với H là cần thiết, hơn nữa nếu lần phạm tội này H không bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm” thì sau khi H chấp hành xong hình phạt của lần phạm tội này, chưa được xóa án tích mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội “Hủy hoại tài sản” thì sẽ không có căn cứ áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” đối với H. Như vậy, sẽ không đúng với nhân thân của H, vì xét đến thời điểm lần phạm tội thứ ba thì H vẫn còn nguyên 02 tiền án, về tội “Hủy hoại tài sản’. Vì các lẽ trên, lần phạm tội này, H phải bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm”.

Ngoài ra, việc xác định H có 02 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên’ và “Tái phạm” cũng phù hợp với mục 43 phần I tài liệu giải đáp khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2020 của Vụ 7 và Vụ 14 Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao: "B đang có 01 tiền án về hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 27/12/2019 trộm cắp tài sản giá trị: 2.900.000 đồng; Ngày 09/01/2020, trộm cắp có giá trị 500.000 đồng. Quan điểm thứ nhất: B chỉ bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần”, vì tiền án đã định tội thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Quan điểm thứ hai: B bị áp dụng 02 tình tiết tăng nặng là “Tái phạm” và “Phạm tội nhiều lần”, vì tình tiết “Tái phạm” áp dụng đối với lần phạm tội 2.900.000 đồng, tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” tính cả lần trộm 500.000 đồng đã cấu thành tội do bị cáo đã có tiền án.

Trả lời: B bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản’ và bị áp dụng 02 tình tiết tăng nặng “Tái phạm” và “Phạm tội 02 lần trở lên”.

Tuy giải đáp trên là về hành vi trộm cắp tài sản và thứ tự thực hiện hành vi phạm tội có sự đảo ngược so với ví dụ mà tác giả đưa ra, khi hành vi thứ nhất đủ định lượng khởi tố, còn hành vi thứ 02 định lượng không đủ khởi tố nhưng cả 02 tội “Hủy hoại tài sản” và “Trộm cắp tài sản” đều lấy tiền án để khởi tố, nếu giá trị chiếm đoạt hoặc hủy hoại chưa đủ 2.000.000 đồng và việc thay đổi thứ tự các hành vi không làm thay đổi bản chất của sự việc nên trường hợp ví dụ mà tác giả đưa ra có thể áp dụng giải đáp nêu trên để xác định H phạm tội “Hủy hoại tài sản”, với 02 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Tái phạm”.

Thực tiễn có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Hiện tại chưa có văn bản của liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn thống nhất việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Đây là một tình huống thường xảy ra trong quá trình kiểm sát, mong bạn đọc trao đổi thảo luận để áp dụng.

Nguyễn Văn Dân

VKSND H. Tân Kỳ

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1