image banner
Một số kết quả đạt được trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại Viện kiểm sát nhân dân thị xã Thái Hòa - Đề xuất một số kỹ năng và giải pháp nhằm thực hiện tốt khâu đột phá ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số.

Trên cơ sở Nghị quyết 129-NQ/BCSĐ ngày 10/4/2024 của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao về chuyển đổi số của ngành KSND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 431/KH-VKS ngày 03 tháng 03 năm 2025 của Viện KSND tỉnh Nghệ An về Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Kế hoạch số 22/KH-VKS ngày 08/01/2025 Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2025 của Viện KSND thị xã Thái Hòa; Năm 2025, đơn vị tiếp tục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong các khâu công tác đột phá của đơn vị. Theo đó, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ, Kiểm sát viên, đề ra tiến độ, thời gian thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu Tổ CNTT tìm tòi các giải pháp, cách làm hay nhằm thực hiện tốt khâu đột phá, để từ đó từng bước sử dụng, áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu công tác đạt hiệu quả nhất. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo đơn vị, trong thời gian qua Viện KSND thị xã Thái Hoà đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đạt được một số kết quả như sau:

+ Đơn vị đã lập ra các nhóm trên ứng dụng Zalo, các nhóm cụ thể như: Tổ CNTT và chuyển đổi số, Tổ tuyên truyền, Nhóm Dân sự; Nhóm Hình sự....Các nhóm này được lập ra có nhiệm vụ báo cáo những việc đã làm trong tuần, lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuần tới, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc để Lãnh đạo đơn vị nắm được tình hình, quá trình thực hiện, trên cơ sở đó, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc, nhắc nhở các thành viên nhằm thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả.

+ Đơn vị đã ứng dụng tốt chữ ký số trong việc phát hành văn bản đi. Các văn bản ký số đều được văn phòng rà soát, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư; Quy chế về công tác văn thư, lưu trữ trong ngành kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/QĐ-VKSTC ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

+ Tại các cuộc họp, đơn vị đã sử dụng phần mềm Powpoint, phần mềm Canva để trình chiếu các nội dung liên quan đến cuộc họp nhằm đảm bảo các nội dung được truyền tải dễ theo dõi, dễ tiếp thu. Để từ đó, đơn vị hướng đến xây dựng mô hình “Phòng họp không giấy”, không sử dụng văn bản, tài liệu giấy mà chuyển sang sử dụng văn bản, tài liệu điện tử, làm việc trực tuyến trên môi trường máy tính. Qua đó, giảm tải các văn bản giấy tờ, rút ngắn thời gian chuẩn bị, tiết kiệm chi phí.

Anh-tin-bai

Sử dụng phần mềm Powpoint để trình chiếu nội dung

 
Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Sổ “Công văn đến” và “Công văn đi” của VKSND thị xã Thái Hòa

+ Để việc lưu trữ một cách khoa học, logic, đồng thời thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm văn bản phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Văn phòng sử dụng các phần mềm như small pdf (đổi định dạng file), phần mềm  Ultra PDF Merger (ghép các file PDF), sử dụng Google drive, sử dụng USB để lưu trữ các tài liệu theo sơ đồ cây, giảm tải các tài liệu lưu trên máy, giải phóng dung lượng lưu trữ.

+ Việc thống kê, cập nhật các số liệu vào các biểu thống kê hình sự đôi lúc đơn vị còn bị sai, bị thiếu số liệu và bộ phận làm công tác thống kê hình sự phải mất rất nhiều thời gian để trích xuất dữ liệu. Do đó, để khắc phục các tồn tại trên, bộ phận hình sự đã nghiên cứu, sử dụng phần mềm Microsoft Excel tạo ra các Sổ theo dõi như: “Sổ theo dõi giải quyết án hình sự trong các giai đoạn tin báo, điều tra, truy tố, xét xử”; “Sổ theo dõi thi hành án hình sự”; “Sổ theo dõi thời gian tạm giam”. Việc tạo ra các Sổ theo dõi đã giúp cho công việc thống kê được diễn ra nhanh chóng, chính xác, việc tìm kiếm, tra cứu và truy xuất dữ liệu trở nên đơn giản, nhanh, gọn lẹ hơn.

+ Công tác báo cáo án bằng sơ đồ tư duy sử dụng phần mềm X-mind được đơn vị chú trọng triển khai. Theo đó, ngay từ khi tiếp cận vụ án, lãnh đạo đơn vị đã yêu cầu Kiểm sát viên, Chuyên viên khi trích cứu hồ sơ, báo cáo án phải sử dụng sơ đồ tư duy. Để thông qua sơ đồ tư duy, toàn bộ thủ tục tố tụng, các tài liệu, chứng cứ được hệ thống hóa một cách rõ ràng, logic, dễ hiểu, dễ tiếp cận, đồng thời, dễ tìm ra các điểm mâu thuẫn, các sai phạm, vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra, phát huy quyền năng của Viện kiểm sát.

+ Trong 03 tháng đầu năm, bộ phận kiểm sát án hình sự phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức 06 phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm.

Anh-tin-bai

Viện kiểm sát phối hợp Tòa án xét xử phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm.

+ Nhận thấy tính năng ứng dụng Mail merge trong MS WORD, bộ phận kiểm sát án dân sự đã nghiên cứu, sử dụng tính năng ứng dụng Mail merge trong MS WORD trộn văn bản “Start Mail Merge” để lập các phiếu kiểm sát (phiếu kiểm sát thông báo thụ lý, phiếu kiểm sát công nhận thỏa thuận của các đương sự, phiếu kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án...). Do đó, trong thời gian qua, công tác kiểm sát đã tiết kiệm thời gian nhưng lại nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát.

Anh-tin-bai
 

Sử dụng tính năng trộn thư để lập phiếu kiểm sát

+ Việc báo cáo án dân sự, hôn nhân gia đình bằng sơ đồ tư duy được đơn vị triển khai. Qua thời gian triển khai, bên cạnh những lợi ích như dễ dàng tiếp cận nội dụng mà việc sử dụng sơ đồ tư duy mang lại, đơn vị còn thấy rằng, việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy giúp cho các Kiểm sát viên, Chuyên viên làm nhiệm vụ ở các bộ phận khác có thể dễ dàng trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ đối với một loại án “khó” này.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, đơn vị nhận thấy để việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt hiệu quả, trong thời gian tới, cán bộ, Kiểm sát viên cần trau đồi một số kỹ năng sau:

- Một là, kỹ năng soạn thảo văn bản. Đây là kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất, để một văn bản có hiệu lực và thi hành trên thực tiễn, trước hết văn bản phải đảm bảo thể thức văn bản, trình bày lôgic và đúng mục đích ban hành. Đồng thời, kỹ năng soạn thảo văn bản là cơ sở, là tiền đề để hình thành nên các kỹ năng khác.

- Hai là, kỹ năng ngoại ngữ. Các máy tính, lap top mặc dù giao diện được sử dụng bằng tiếng việt nhưng một số lệnh, câu lệnh phần mềm vẫn sử dụng bằng tiếng Anh. Do đó, để việc ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả, cán bộ, KSV cần trau dồi, tìm hiểu, học ngôn ngữ tiếng Anh, đặc biệt là các câu lệnh liên quan đến máy tính.

- Ba là, kỹ năng tư duy sáng tạo. Hiện nay, việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy là một trong các phương pháp làm việc mới, khoa học, hiệu quả, giúp lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác. Vì vậy, để xây dựng sơ đồ tư duy, cán bộ, KSV cần trau dồi kỹ năng sáng tạo để việc báo cáo án tránh rập khuôn, tạo sự mới mẻ trong việc tiếp nhận thông tin.

Mặc dù, những kết quả đạt được trên giúp cho đơn vị dần chuyển mình từ môi trường làm việc “giấy tờ” sang môi trường làm việc “công nghệ số” , nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì việc ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị còn mang tính chất cơ bản, có sự vận dụng CNTT nhưng không thực sự sâu sắc. Vì vậy, nhằm tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong đơn vị, đơn vị đưa ra một số giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong khâu công tác này. Một số giải pháp cụ thể như sau:

- Thứ nhất, các tính năng trong phần mềm Excel mà các bộ phận nghiệp vụ đang sử dụng chưa khai thác triệt để. Ví dụ như tính năng Conditional Formating (“tự động đổi màu”, các hàm tính thời gian như DATE, YEAR, EDATE... , tính năng  Filter Lọc các thông tin cần thiết... Đây là một số tính năng trong Excel cần được vận dụng để giảm thời gian nhập dữ liệu, tăng khả năng theo dõi, quản lý án.

- Thứ hai, đối với việc xây dựng báo cáo bằng sơ đồ tư duy vụ án hình sự: cần nghiên cứu, tiếp cận việc báo cáo án hình sự ngoài việc sử dụng phần mềm X-Mind, phần mềm Microsoft PowerPoint còn kết hợp, xây dựng các hình ảnh, video vụ án thể hiện bằng các phần mềm có tính chuyên nghiệp hơn như mô phỏng hiện trường 3D; xây dựng các video mô phỏng việc thựchiện hành vi phạm tội của các đối tượng một cách sinh động, dễ theo dõi.

- Thứ ba, đối với các cuộc họp sử dụng slide để truyền tải thông tin: cần nghiên cứu sử dụng, kết hợp thêm tính năng Al giọng nói bằng cách sử dụng phần mềm Vbee Al Voice để lồng tiếng.

- Thứ tư, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tăng cường việc công bố các tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh để tăng tính thuyết phục trong quá trình tranh luận, đối đáp, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm tính khách quan trong việc kiểm chứng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

- Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng phần mềm “Trợ lý ảo” để hỗ trợ cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình tìm kiếm, nghiên cứu văn bản pháp luật, đồng thời phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, trên tinh thần học hỏi, tự nghiên cứu, trau dồi các kỹ năng cần thiết để ứng dụng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ, Kiểm sát viên Viện KSND thị xã Thái Hòa tiếp tục phát huy, đề ra những giải pháp, cách làm hay để từng bước xây dựng môi trường số hiện đại tại đơn vị, có tính ứng dụng, hiệu quả cao, đáp ứng các yêu cầu của Ngành Kiểm sát đặt ra, phù hợp với xu thế và yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Nguyễn Thị Thắm

Viện KSND thị xã Thái Hòa

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1