image banner
Nhận diện một số vi phạm phổ biến của Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác Thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn huyện Quế Phong

Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng là một công tác rất phức tạp, khó khăn, có phạm vi rộng, đồng thời giữ vai trò rất quan trọng trong bảo đảm thi hành nghiêm minh bản án, quyết định của Toà án, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong thời gian vừa qua, sau khi thực hiện đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, công tác Thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn huyện Quế Phong ngày càng được chú trọng, Công an xã tham mưu cho UBND xã về việc quản lý, giám sát, giáo dục các bị án đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Một số hình ảnh Viện KSND huyện Quế Phong tiến trực tiếp kiểm sát công tác Thi hành án hình sự tại cộng đồng

Tuy nhiên, công tác quản lý các đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng là việc khó, cần sự vào cuộc phối hợp tích cực giữa các cơ quan và chính quyền cơ sở Lãnh đạo Viện KSND huyện Quế Phong quán triệt, yêu cầu các Kiểm sát viên được phân công thực hiện nhiệm vụ trong khâu công tác này phải tiếp tục bám sát việc quản lý, giám sát, giáo dục của UBND xã, Công an xã, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, thông qua trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng ở các UBND xã có người chấp hành án trên địa bàn huyện, Viện KSND huyện Quế Phong phát hiện một số vi phạm có tính phổ biến, đơn vị đã ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu UBND các xã kịp thời khắc phục vi phạm.

 

Một số dạng vi phạm phổ biến của UBND xã trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng như sau:

1.   Vi phạm về thời gian nhận xét hàng tháng đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng:

Sau khi UBND cấp xã nhận hồ sơ thì bản nhận xét của UBND cấp xã đối với tháng đầu tiên không nhận xét từ thời điểm nhận hồ sơ mà nhận xét từ thời điểm ngày đầu tiên (ngày 01) của tháng đến ngày cuối cùng của tháng đó hoặc có tháng có 31 ngày nhưng UBND xấp xã chỉ nhận xét 30 ngày (ngày 31 cuối tháng không nhận xét) dẫn đến làm ảnh hưởng đến quyền lời của người chấp hành án tại cộng đồng.

Đây có thể coi là vi phạm phổ biến nhất trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án của UBND xã, nguyên nhân là do Công an xã tham mưu chưa đầy đủ cho UBND xã, cán bộ Công an được phân công quản lý, giám sát, giáo dục bị án chưa nghiên cứu đầy đủ các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản, hướng dẫn của Bộ Công an.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 thì: Đối với nhận xét, báo cáo định kỳ hàng tháng: Thời gian nhận xét từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng nhận xét, báo cáo. Đối với tháng đầu tiên, tính từ ngày bắt đầu thi hành án đến ngày cuối cùng của tháng nhận xét, báo cáo. Đối với tháng cuối cùng, tính từ ngày đầu tiên của tháng đến ngày bàn giao hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.”

2.   Vi phạm về chưa yêu cầu các bị án thực hiện việc tự nhận xét trong thời gian tại ngoại trước khi chấp hành án

Đối với các trường hợp người được hưởng án treo được tại ngoại trước khi bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi được triệu tập đến UBND xã để làm thủ tục chấp hành án, thì trước khi bản án có hiệu lực pháp luật, Công an cấp xã phải yêu cầu người chấp hành án treo viết bản tự nhận xét về việc chấp hành các quy định của pháp luật nơi cư trú trong thời gian tại ngoại, có xác nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố (Hướng dẫn số 03/HD-CQQLTHAHS (C11) để  làm cơ sở, căn cứ nhận xét đánh giá quá trình chấp hành án treo. Tuy nhiên, đa số các UBND cấp xã không yêu cầu người chấp hành án treo tự nhận xét về thời gian tại ngoại này và không có sự xác nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố đã vi phạm quy định tại Mục 3, Công văn số 1244/C11-P6 ngày 01/10/2021 của Cục C11 Bộ Công an hướng dẫn như sau:

3. Về nhận xét chấp hành án treo trước thời điểm nhận được quyết định thi hành án.

- Trường hợp người được hưởng án treo được tại ngoại trước khi bản án có hiệu lực pháp luật: Công an cấp xã yêu cầu người được hưởng án treo viết bản tự nhận xét về việc chấp hành quy định của pháp luật nơi cư trú trong thời gian tại ngoại, có xác nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố (áp dụng Mẫu 06 kèm theo Hướng dẫn số 03/HD-CQQLTHAHS (C11)) để làm cơ sở, căn cứ nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành án treo và lưu hồ sơ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. 

3.   Vi phạm về việc đánh giá xếp loại hàng tháng cho người chấp hành án.

Tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả chấp hành án theo loại Tốt; Khá; Trung bình; Kém đã được quy định tại Mục 5 Hướng dẫn số 01/HD-C11-P9 ngày 07/01/2020 của Cục C11 Bộ Công an và Mục 2, Công văn số 1244/C11-P6 ngày 01/10/2021 của Cục C11 Bộ Công an.

Tuy nhiên qua công tác trực tiếp kiểm sát Thi hàn án hình sự tại cộng đồng của UBND cấp xã trên địa bàn huyện Quế Phong thấy rằng có một số UBND cấp xã nhận xét đối với quá trình chấp hành án của các bị án hàng tháng đều nhận xét chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú, nghĩa vụ của người chấp hành án treo, có cố gắng học tập, lao động rèn luyện và chấp hành tốt theo sự quản lý, giám sát của Công an xã, không có vi phạm, kỷ luật gì nhưng vẫn bị xếp loại “Trung bình” là trái với hướng dẫn nêu trên của Bộ Công an

4.   Vi phạm về ra quyết định phân công cán bộ Công an xã thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Thông tư 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 thì: Trưởng Công an xã có trách nhiệm:Phân công cán bộ Công an hoặc Công an viên thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án theo địa bàn hoặc theo loại đối tượng.

Tuy nhiên, qua công tác trực tiếp Thi hàn án hình sự tại UBND cấp xã thì hầu như tất cả các quyết định của Trưởng Công an xã phân công cán bộ Công an xã thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo đều áp dụng căn cứ tại Điều 5 Thông tư 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 (quy định áp dụng đối với Cơ quan Thi hàn án hình sự Công an cấp huyện) là chưa chính xác.

Trên đây là một số vi phạm phổ biến thông qua công tác trực tiếp kiểm sát thi hành án hình sự tại cộng đồng mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong đã phát hiện được. Đơn vị tổng hợp lại nhằm giúp các Kiểm sát viên theo dõi, tham khảo, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và ban hành kiến nghị, kháng nghị trong thực hiện nhiệm vụ công tác này.

 

Tổ truyên truyền

Viện KSND huyện Quế Phong

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1