Trao đổi quan điểm về thời hiệu chia di sản thừa kế đối với trường hợp có tài sản trên đất theo pháp luật dân sự
Cùng với sự phát triển của xã hội, những vấn
đề xoay quanh quan hệ thừa kế như pháp luật thừa kế, tranh chấp thừa kế và giải
quyết tranh chấp thừa kế đang có sự thay đổi để phù hợp với tình hình chung của
đất nước. Tranh chấp thừa kế ở Việt Nam có tính chất phức tạp, bởi có rất nhiều
văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh như Bộ luật Dân sự, Luật đất đai, Luật
Hôn nhân gia đình…Việc giải quyết tranh chấp thừa kế luôn là mối quan tâm của
xã hội, nhiều vụ án giải quyết kéo dài, qua nhiều cấp xét xử do khiếu kiện gay
gắt. Quá trình giải quyết các vụ án này thường gặp những khó khăn, vướng mắc nhất
định, đặc biệt là trong việc áp dụng thời hiệu khởi kiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn trao đổi một
số quan điểm về xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp chia di sản thừa kế trong
trường hợp di sản thừa kế có tài sản trên đất. Cụ thể như sau:
Về
nội dung vụ án:
Tại đơn khởi kiện ngày 20/6/2022 và
các lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn bà Phạm Thị T trình bày: Bố mẹ
bà là cụ Phạm Văn M (chết ngày 14/4/1989) và cụ Trần Thị Ch (chết ngày
04/4/1990) sinh được 04 người con gồm: Ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị Th, ông Phạm
Văn K, bà Phạm Thị T. Bố mẹ bà không có con riêng, không có con nuôi. Hai cụ
chết không để lại di chúc. Khi còn sống, cụ M và cụ Ch có tài sản chung là thửa
đất số 248, tờ bản đồ số 11, diện tích 450m2 (gồm đất ONT 200m2,
đất CLN 250m2) tại xóm H, xã V, huyện X, tỉnh NA. Nguồn gốc đất do
cụ M và cụ Ch được Nhà nước cấp theo đúng quy định của pháp luật. Trên đất có 01
căn nhà cấp 4 hai gian, 01 nhà cấp 4 làm nhà ăn, nhà vệ sinh và 01 chuồng chăn
nuôi của bố mẹ bà xây dựng. Bố mẹ bà chết không có khoản nợ nào để lại.
Sau khi cụ Ch chết, đến ngày 28/10/1995
anh chị em trong gia đình (trừ bà Phạm Thị T vắng mặt, do lấy chồng đi làm ăn
xa) tiếp tục họp bàn thực hiện phân chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại. Theo
đó, nhất trí chia cho ông Phạm Văn K toàn bộ tài sản chung của bố mẹ để lại,
ông Phạm Văn K đưa lại cho ông Phạm Văn H và bà Phạm Thị Th mỗi người 12.000.00
(mười hai triệu đồng). Ngày 20/6/2022 sau khi bà Phạm Thị T trở về, không đồng
ý với việc chia di sản thừa kế bà Phạm Thị T khởi kiện ra tòa án, yêu cầu: Hủy
văn bản phân chia di sản thừa kế ngày 28/10/1995. Hủy giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất số 4331895 cấp ngày 31/12/2005 cho ông Phạm Văn K đối với thửa số 248,
tờ bản đồ số 11, diện tích 450m2 tại xóm H, xã V, huyện X, tỉnh NA. Chia
di sản thừa kế của cụ M, cụ Ch theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được thông báo thụ lý, cho rằng thời hiệu khởi kiện
chia di sản thừa kế đã hết, ông Phạm Văn K có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời
hiệu vụ án dân sự đối với vụ án trên.
Trong vụ án này, qua nghiên cứu hồ sơ thì
hiện nay còn có quan điểm khác nhau về áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Quan điểm thứ nhất: Cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ án tranh
chấp di sản thừa kế vụ án trên đã hết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự
năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối
với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể thừa thời điểm mở thừa kế”.
Đối với các di sản mà thời điểm mở thừa kế trước khi BLDS 2015 có hiệu lực thì
áp dụng theo điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Căn cứ tại Án lệ số 26/2018/AL về xác định
thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là
bất động sản; Giải đáp nghiệp vụ số 01/GĐ – TANDTC, ngày 05 tháng 01 năm 2018
của TANDTC tại Mục I. Dân sự “ Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi
hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm
2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định
của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành
Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc
hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017. Tòa án áp
dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để
thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30
năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.
Cụ
Phạm Văn M (chết ngày 14/4/1989) và cụ Trần Thị Ch (chết ngày 04/4/1990). Đối
với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di
sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp
lệnh Thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của
Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế
được tính từ ngày 10/9/1990. Như vậy, thời điểm mở thừa kế của cụ Phạm Văn M và
cụ Trần Thị Ch được tính từ ngày 10/9/1990.
Đối
với di sản thừa kế là 01 căn nhà cấp 4 hai gian, 01 nhà cấp 4 làm nhà ăn, các
đương sự có trong vụ án đều thống nhất: Quá trình quản lý tài sản sau khi bố mẹ
mất, ông Phạm Văn K đã phá dỡ ngôi nhà cấp 4 để xây dựng ngôi nhà mái bằng giữa
thửa đất cùng công trình phụ trên đất. Có quan điểm cho rằng di sản thừa kế là
căn nhà cấp 4 hiện không còn trên đất, được đập bỏ và xây mới từ lâu nên không
thể áp dụng căn cứ khoản 2 Điều 17, Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 của Ủy
ban thường vụ quốc hội ngày 20 tháng 8 năm 1998 về giao dịch dân sự về nhà ở
được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 để giải quyết vụ án.
Qua
các phân tích trên thấy rằng, ngày 20/6/2022, bà Phạm Thị T làm đơn khởi kiện ra
tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế đã quá thời thời hiệu khởi kiện (quá 01 năm,
09 tháng, 10 ngày). Do đó, trong trường hợp này, xác định thời hiệu khởi
kiện của vụ án đã hết. Tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị T về
việc chia di sản thừa kế do cụ Phạm Văn M và cụ Trần Thị Ch để lại.
Quan điểm thứ hai: Cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ án tranh
chấp di sản thừa kế vụ án trên vẫn còn. (Đây là quan điểm mà tác giả đồng tình).
Theo hồ sơ có trong vụ án và lời khai của các
đương sự thừa nhận: Di sản thừa kế mà cụ Phạm Văn M và cụ Trần Thị Ch để lại là
thửa đất số 248, tờ bản đồ số 11, diện tích 450m2 (gồm đất ONT 200m2,
đất CLN 250m2). Trên đất có tài sản bao gồm: 01 căn nhà cấp 4 hai
gian, 01 nhà cấp 4 làm nhà ăn, nhà vệ sinh và 01 chuồng chăn nuôi. Mặc dù di
sản thừa kế là căn nhà cấp 4 do bố mẹ để lại không còn trên đất (do ông Phạm
Văn K tự ý phá bỏ và xây mới) nhưng phải xác định di sản thừa kế là quyền sử
dụng đất và nhà ở gắn liền với đất do cụ M và cụ Ch để lại nằm trong khối tài sản
không thể tách rời làm căn cứ xác định thời hiệu thừa kế.
Quy định về thời hiệu khởi kiện tại
Điều 184 BLTTDS, Điều 149 và Điều 623 BLDS 2015, Điều 4 Nghị quyết số
02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,
Án lệ số 26/2018/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tham khảo
mục 1, 2 Phần III Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 và Phần I
Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao,
Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 12 tháng 5 năm
2021. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với
bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với
trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản
thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh
Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của
Pháp lệnh Thừa kế, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính từ
ngày 10/9/1990.
Đối với trường hợp tranh chấp thừa kế
có tài sản là nhà ở trên đất, trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà
không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà
ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại khoản 2, Điều 17, Nghị
quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày
20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Thời
gian từ ngày 1 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính
vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân
sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.”
Cụ Phạm Văn M (chết ngày 14/4/1989) và cụ Trần Thị Ch
(chết ngày 04/4/1990), thời
hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990. Thời
gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 (ngày Nghị quyết số 58/1998 có hiệu
lực), không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số
58/1998). Theo quy định trên thì
thời hiệu chia thừa kế đối với di sản có nhà trên đất phải cộng thêm 2 năm 6
tháng. Ngày 20/6/2022, bà Phạm Thị T làm
đơn khởi kiện ra tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế.
Do đó có căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản
thừa kế đối với vụ án trên vẫn còn. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án để bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Trên đây là một số ý kiến, quan điểm của
tác giả liên quan đến thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi của các độc giả.
Lưu
Văn Công
Viện KSND huyện Kỳ Sơn