image banner
Trao đổi nghiệp vụ: Trần Văn A có phạm tội "Sản xuất, tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy" hay không?

Nội dung hành vi:


Vào ngày 10/3/2021 Cơ quan CSĐT Công an Thị xã X tiến hành khám xét nơi ở của Trần Văn A (do A bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy). Quá trình khám xét, Cơ quan CSĐT Công an Thị xã X thu giữ: 06 (sáu) bộ khò; 43 (bốn mươi ba) thanh thủy tinh trong suốt, hình trụ tròn rỗng, mỗi thanh có đường kính 0,5cm, dài 40cm; 05 (năm) bình ga mini; 02 (hai) túi ống hút dạng nhựa, nhiều màu sắc, mỗi ống hút có đường kính 0,5cm, dài 20cm; (mười hai) ống bật lửa các loại, màu sắc khác nhau; 159 (một trăm năm mươi chín) ống thủy tinh trong suốt được uốn cong hình chữ "S", một đầu ống được thổi phình to, thường gọi là "cóng" để sử dụng ma túy.


Quá trình điều tra, xác minh ban đầu đối tượng Trần Văn A khai nhận: Thông qua mạng xã hội Trần Văn A học hỏi cách chế tạo "cóng" (dụng cụ dùng để sử dụng chất ma túy) nên Trần Văn A đã liên hệ đặt mua các thanh thủy tinh trong suốt, hình trụ tròn, rỗng; Trần Văn A sử dụng bộ khò gắn vào bình ga mini, dùng bật lửa tạo lửa phát ra từ bộ khò rồi lấy thanh thủy tinh đã mua được trước đó nung trên ngọn lửa cho tới khi thanh thủy tinh chín có thể tạo hình; Trần Văn A dùng miệng thổi vào một đầu thanh thủy tinh để tạo bụng (cóng) - là nơi chứa chất ma túy trong quá trình sử dụng. Bằng cách đó Trần Văn A đã tạo ra 159 chiếc "cóng".


Trần Văn A khai nhận: do là người nghiện chất ma túy nên Trần Văn A học hỏi làm ra các chiếc "cóng" nhằm mục đích để bản thân mình sử dụng chất ma túy.


Nội dung cần trao đổi:


+ 159 chiếc "cóng" có được xác định là 159 "đơn vị dụng cụ, phương tiện" hay không?


+ Hành vi của Trần Văn A có đủ yếu tố cấu thành tội "Sản xuất, tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy" hay không?


Quan điểm thứ nhất:


Xác định 01 chiếc "cóng" là 01 "đơn vị dụng cụ, phương tiện"


Hành vi của Trần Văn A phạm tội "Sản xuất, tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy".


Tại Điều 254 BLHS quy định:


"1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.


...


b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;


..."


Trần Văn A đã mua các thanh thủy tinh, kết hợp sử dụng bình ga, bộ khò, bật lửa để sản xuất hoàn chỉnh 159 chiếc "cóng". Mục đích Trần Văn A sản xuất ra những chiếc "cóng" là để dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy. Chiếc "cóng" là bộ phận không thể thiếu khi muốn sử dụng ma túy, bụng "cóng" (nơi được thổi phình to) là nơi để chứa chất ma túy. Thực tế đối tượng Trần Văn A đã sử dụng chiếc "cóng" do mình tạo ra để sử dụng ma túy đá.
"Đơn vị" được hiểu là "yếu tố mà tập hợp làm thành một chỉnh thể, nói trong mối quan hệ với chỉnh thể ấy" (Trích từ điển tiếng việt, trang 443, Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2008).


Theo Công văn số 5887/VKSTC - V14 ngày 05/12/2019 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định BLHS, BLTTHS năm 2015 và THAHS; tại mục 14 Phần I nêu vướng mắc với nội dung: "Đơn vị dụng cụ, phương tiện" quy định tại Điều 254 BLHS 2015 được xác định như thế nào? Vụ 14 - VKSND tối cao giải đáp: So với BLHS 1999, Điều 254 BLHS 2015 đã quy định cụ thể "vật phạm pháp" đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng là "đơn vị dụng vụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại" chứ không quy định theo hướng "bộ dụng cụ, phương tiện" như hướng dẫn của Thông tư 17/2007/TTLT - BCA - VKSNDTC - TANDTC - BTP ngày 24/12/2007, nhằm xử lý người thực hiện hành vi này một cách hiệu quả, khả thi và nghiêm khắc hơn. Theo đó, hành vi tàng trữ x (đơn vị) - một bộ phận dùng để sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, phải được hiểu là x đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Ví dụ: hành vi tàng trữ 30 nỏ thủy tinh - một bộ phận dùng để sử dụng ma túy đá phải được hiểu là hành vi tàng trữ 30 đơn vị dụng cụ cùng loại sử dụng trái phép chất ma túy.


Mặt khác, Thông tư 17/2007/TTLT - BCA - VKSNDTC - TANDTC - BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999 (gọi tắt là thông tư 17). Tuy nhiên Bộ luật hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã thay thế Bộ luật hình sự năm 1999 (sủa đổi, bổ sung). Do đó nội dung hướng dẫn của Thông tư 17 chỉ có ý nghĩa tham khảo, vận dụng.


Nhu vậy, với hành vi sản xuất ra 159 chiếc "cóng" dùng để sử dụng trái phép chất ma túy, Trần Văn A đã thỏa mãn các dấu hiệu về mặt khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể của tội phạm. Đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn A về tội "Sản xuất phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy", quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 254 BLHS.


(Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất)


Quan điểm thứ hai:


Chiếc "cóng" không phải là "đơn vị phương tiện, dụng cụ"

.
Hành vi của Trần Văn A chưa đủ yếu tố cấu thành tội "Sản xuất, tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy".


Lý do:


Tại Điều 196 BLHS 1999 về mặt cấu thành tội phạm điều luật quy định: "1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.


2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:


....


đ) Vật phạm pháp có số lượng lớn;


..."


Căn cứ Thông tư 17; tại tiểu mục 1.3, mục 1 phần I hướng dẫn: "phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy" là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.


Tại điểm c tiểu mục 5.5, mục 5 phần II Thông tư 17 hướng dẫn: "đối với trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ năm bộ dụng cụ, phương tiện (có thể cùng loại, có thể khác loại) trở xuống thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để không truy cứu TNHS, nhưng phải bị xử lý hành chính.


Như vậy nếu đối tượng có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ sáu bộ dụng cụ, phương tiện trở lên là phải chịu trách nhiệm hình sự.


Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tại Điều 254 BLHS quy định:


"1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.


...


b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;


..."


Cho đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản nào thay thế Thông tư 17 hướng dẫn áp dụng các tội phạm về ma túy. Thông tư 17 hướng dẫn xác định là "bộ dụng cụ, phương tiện"; Điều 254 BLHS 2015 xác định là "đơn vị dụng cụ, phương tiện". Vậy "cóng" được xác định là "đơn vị dụng cụ, phương tiện" hay không?


Thông thường, để có thể sử dụng được chất ma túy, người sử dụng ma túy thường sử dụng 1 chai nhựa đựng nước có nắp kín, trên nắp có khoan 02 lỗ nhỏ để bỏ 01 "cóng" và 01 ống hút nhựa. Nếu chỉ riêng chiếc "cóng" thì người sử dụng ma túy chưa thể dùng để sử dụng chất ma túy mà cần phải kết hợp với một số vật dụng khác tạo nên "bộ dụng cụ". Điều 254 BLHS 2015 xác định là "đơn vị dụng cụ, phương tiện", cần hiểu 01 "đơn vị" tương tương "01 bộ dụng cụ". Như vậy, từng chiếc "cóng" riêng lẻ chưa được xác định là " 01 đơn vị dụng cụ, phương tiện".


Mặt khác, tại điểm b, tiểu mục 5.5 phần II Thông tư 17 hướng dẫn: "Người lần đầu sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy và chỉ dùng các phương tiện, dụng cụ này để cho bản thân họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính..."


Quá trình điều tra, xác minh xác định: Trần Văn A chưa từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi tương tự. Bản thân Trần Văn A khai nhận A chỉ sản xuất ra "cóng" là để cho bản thân sử dụng chất ma túy; Trần Văn A chưa bán cho ai và cũng không có ý định bán cho người khác.


Hiện tại Thông tư 17 chưa có văn bản khác thay thế nên vẫn còn hiệu lực áp dụng. Như vậy, hành vi của Trần Văn A chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy", quy định tại Điều 254 BLHS.


Trên đây là nội dung và quan điểm nhận thức khác nhau về hướng giải quyết vụ việc để xác định Trần Văn A có tội hay không có tội. Rất mong nhận được sự trao đổi nghiệp vụ của các đồng chí./.


Nguyễn Thị Hậu
Viện KSND thị xã Thái Hòa





THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1