image banner
Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quyền yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết án hành chính

Trong những năm gần đây các khiếu kiện về hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, nhất là các khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trước tình hình đó, Lãnh đạo đơn vị đã xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng. Qua thực tiễn thấy rằng, quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ là một trong những hoạt động rất quan trọng. Quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của VKSND trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án án hành chính được quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Ngoài ra, còn được cụ thể hóa tại Thông tư liên tịch số 03/ 2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016.

1. Thực trạng thực hiện quyền yêu cầu:

1.1. Những kết quả đạt được:

Xác định được tầm quan trọng của việc thực hiện quyền yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các Kiểm sát viên thực hiện triệt để, nghiêm túc quyền này trước khi Tòa án xét xử cũng như tại phiên tòa. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên đã tập trung nghiên cứu để kiểm sát hoạt động tố tụng và nội dung, đánh giá toàn diện chứng cứ để đưa ra quan điểm giải quyết vụ án. Khi phát hiện thấy việc thu thập, xác minh chứng cứ của Tòa án chưa đầy đủ, cần phải bổ sung để làm căn cứ giải quyết vụ án đúng pháp luật thì KSV chủ động đề ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ gửi kèm hồ sơ chuyển cho Tòa án ngay để Thẩm phán kịp thời thực hiện, tránh việc phải hoãn phiên tòa. Tại phiên tòa, khi phát hiện thấy qua thẩm vấn công khai còn có những nội dung phát sinh có liên quan đến việc giải quyết vụ án nhưng không thể bổ sung ngay tại phiên tòa, KSV đã chủ động yêu cầu HĐXX tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung chứng cứ.

Thể hiện về số liệu: Thời điểm từ ngày 01/12/2018 đến ngày 30/11/2019, KSV Viện kiểm sát tỉnh đã ban hành 52 văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; tại phiên tòa KSV Viện kiểm sát tỉnh đã đề nghị tạm ngừng phiên tòa, yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ 18 vụ án, chủ yếu là các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất.

Các yêu cầu của Viện kiểm sát đều đảm bảo có chất lượng, nội dung yêu cầu cụ thể, rõ ràng, giúp cho Tòa án củng cố thêm tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện. Phần lớn các yêu cầu của VKS đều được Tòa án nhân dân thực hiện nghiêm túc (đạt tỷ lệ khoảng 90%).

1.2. Những thiếu sót, tồn tại:

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quyền yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ tại Viện KSND tỉnh Nghệ An vẫn còn những thiếu sót, hạn chế, đó là: một số yêu cầu của Viện kiểm sát chưa được Tòa án thực hiện đầy đủ, chủ yếu là do quan điểm, nhận thức của Kiểm sát viên và Thẩm phán không thống nhất khi Kiểm sát viên cho rằng chứng cứ để giải quyết vụ án chưa đầy đủ còn Thẩm phán cho rằng đã đủ chứng cứ hoặc không cần thiết; Mặc dù đã quan tâm đến việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng so với số lượng án giải quyết thì việc thực hiện quyền yêu cầu chưa đáp ứng được thực tiễn nhiệm vụ công tác kiểm sát; vẫn còn có những vụ án việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ chưa đầy đủ nhưng quá trình nghiên cứu, Kiểm sát viên không phát hiện để có yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ dẫn đến Tòa án vẫn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Việc thực hiện quyền yêu cầu còn nhiều trường hợp thực hiện bằng hình thức trao đổi trực tiếp với Thẩm phán mà chưa ban hành bằng văn bản yêu cầu dẫn đến hiệu quả thực hiện nội dung yêu cầu của Tòa án không đầy đủ, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.

1.3. Những khó khăn, vướng mắc:

Quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác, thấy rằng: mặc dù Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã có quy định cụ thể, đặc biệt là Thông tư 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính đã quy định cụ thể, đầy đủ hơn về quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng của của Viện kiểm sát; Tuy nhiên, quá trình thực hiện những quy định này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:

- Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát. Tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02 và số 03 ngày 31/8/2016 đã quy định trách nhiệm của Tòa án khi thực hiện quyền yêu cầu, đó là: “Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Tuy nhiên trên thực tế, một số yêu cầu của Viện kiểm sát không được thực hiện hoặc thực hiện không triệt để nhưng Tòa án cũng không có văn bản phản hồi ý kiến, lý do của việc không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát, dẫn đến Kiểm sát viên bị động trong quá trình nghiên cứu hồ sơ để đề xuất hướng giải quyết, báo cáo án với Lãnh đạo, tham gia phiên tòa.

- Theo quy định tại Điều 147 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng với việc gửi Quyết định đưa vụ án ra xét cho VKS cùng cấp nghiên cứu, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, VKS phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án. Như vậy, trong thời hạn 15 ngày, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra đánh giá tính hợp pháp, tính có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp hoặc do Thẩm phán thu thậpcũng như toàn bộ nội dung vụ việc. Do đó, thường thì văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ sẽ gửi cho Tòa án khi gần hoặc đã hết thời hạn 15 ngày và gửi kèm theo hồ sơ trả cho Tòa án, thời điểm đó đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nên việc tiến hành thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, nhất là những vụ việc phức tạp đối với Tòa án lại càng khó khăn và nhiều trường hợp không thể thực hiện kịp. Nếu thẩm phán thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát thì sẽ không đưa vụ án ra xét xử đúng lịch đã ban hành, nếu vẫn đưa vụ án ra xét xử thì các nội dung Viện kiểm sát yêu cầu thu thập chưa được làm rõ.

- Về công tác phối hợp với Tòa án trong thực hiện quy định pháp luật tố tụng hành chính về quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ: Do số lượng vụ việc thụ lý nhiều, áp lực công việc lớn, một số Thẩm phán khi Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ có thái độ không bằng lòng, cho rằng Viện kiểm sát không phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

- “Quyền yêu cầu” nói chung và yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nói riêng là một quyền năng quan trọng của Viện kiểm sát khi thực hiện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, VKSND Tối cao chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, chưa xây dựng các chuyên đề hoặc tổ chức tập huấn chuyên sâu về thực hiện “quyền yêu cầu” nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng và nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc.

2. Những kinh nghiệm, kỹ năng công tác:

2.1 Việc xây dựng bản yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ:

Có thể thấy rằng, bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ là sản phẩm, là kết quả của quá trình nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá, so sánh, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tính chất, đặc điểm của mỗi một vụ án sẽ có những nội dung yêu cầu khác nhau. Do đó vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta phải nhận thức được đầy đủ những cơ sở chung nhất, khái quát nhất để đề ra yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ có chất lượng, giúp cho Thẩm phán thực hiện những nội dung yêu cầu được kịp thời, làm căn cứ giải quyết vụ án. Từ thực tiễn công tác, KSV trao đổi một số kỹ năng, kinh nghiệm như sau:

- Thứ nhất, để bản yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ có chất lượng, cần phải lưu ý đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Về hình thức: Bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải thực hiện đúng quy định theo Mẫu số 05/HC ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp; Quyết định số 393/QĐ-VKSTC ngày 01/7/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân.

+ Về nội dung: Bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải được diễn đạt mạch lạc, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần xác minh, các chứng cứ, tài liệu cần thu thập; có phương pháp trình bày bảo đảm thứ tự vấn đề và lô gích về nội dung. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Kiểm sát viên phải có kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu nhiều lĩnh vực, ngành liên quan đến giải quyết vụ án hành chính; nắm chắc hồ sơ thông qua nghiên cứu đầy đủ toàn bộ tài liệu, chứng cứ được người khởi kiện cung cấp cũng như tòa án thu thập được.

- Thứ hai, để có một bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chất lượng, Kiểm sát viên phải lưu ý một số nội dung khi nghiên cứu hồ sơ để xây dựng yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ:

+ Kỹ năng kiểm tra thủ tục tố tụng trong hồ sơ vụ án: Khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải kiểm sát về tư cách tham gia tố tụng của các đương sự; Việc lập hồ sơ vụ án hành chính của Thẩm phán. Quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính thường hay phát hiện một số dạng vi phạm như: Việc thu thập chứng cứ không đúng theo các qui định tại Điều 82 Luật tố tụng hành chính (các đương sự thường giao nộp tài liệu là các bản phô tô chưa được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực, việc thu thập không hợp lệ, tài liệu chứng cứ không rõ nguồn gốc hoặc không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…); Xác định thiếu tư cách tham gia tố tụng trong vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình hoặc trong vụ án có liên quan đến việc thửa kế quyền sử dụng đất; Chưa yêu cầu UBND cấp huyện cung cấp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa lấy ý kiến của UBND cấp huyện về quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những vụ án về yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Không lấy ý kiến của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương trong trường hợp kết quả thẩm định tại chỗ không phù hợp với diện tích đất được cấp giấy chứng nhận...Quá trình nghiên cứu hồ sơ phát hiện việc thu thập tài liệu chứng cứ của cơ quan Tòa án còn chưa đầy đủ Kiểm sát viên cần ban hành văn bản yêu cầu cơ quan Tòa án bổ sung khắc phục ngay, hạn chế việc đã mở phiên tòa, phải nhiều lần tạm ngừng phiên tòa.

+ Kỹ năng nghiên cứu về nội dung quan hệ tranh chấp: Nội dung quan hệ tranh chấp của Luật tố tụng hành chính điều chỉnh là rất rộng, đa dạng các mối quan hệ và được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực…. Do vậy, Kiểm sát viên phải xác định rõ mối quan hệ tranh chấp của vụ án hành chính thuộc lĩnh vực quan hệ pháp luật nào điều chỉnh, từ đó vận dụng chính xác các căn cứ pháp luật vào giải quyết nội dung quan hệ tranh chấp. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên phải đối chiếu với các qui định pháp lý có liên quan (kể cả các hệ thống văn bản của ngành hoặc nội bộ đã hướng dẫn quy trình, thủ tục ban hành các quyết định hành chính bị khiếu kiện). Để kiểm tra kỹ về trình tự thủ tục mà các chủ thể đã ban hành các quyết định, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện đã được các chủ thể (người bị kiện) thực hiện có đúng pháp luật hay không, phải xác định đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hình thức, nội dung và căn cứ pháp lý để ban hành quyết định hành chính. Trên cơ sở đó mới tổng hợp, phân tích, nhận xét, đánh giá về các căn cứ, tính hợp pháp của các đối tượng bị khởi kiện, từ đó yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh tài liệu chứng cứ (nếu thấy chưa đầy đủ) để có căn cứ chấp nhận hay không chấp nhận nội dung khởi kiện của đương sự.

- Thứ ba, sau khi hoàn thiện bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ gửi cho Tòa án, Kiểm sát viên cần làm việc với Thẩm phán về từng nội dung yêu cầu để có sự thống nhất. Những nội dung nào Thẩm phán chưa rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ thì cần giải thích. Quá trình Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung, Kiểm sát viên cần thường xuyên trao đổi với Thẩm phán để nắm bắt kịp thời nội dung vụ việc.

2.2. Việc thực hiện quyền yêu cầu tại phiên tòa:

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, Kiểm sát viên không chỉ yêu cầu thu thập chứng cứ trước khi xét xử mà còn tiếp tục yêu cầu thu thập chứng cứ tại phiên tòa. Luật tố tụng hành chính cho phép các đương sự xuất trình chứng cứ ở bất kỳ thời điểm nào, kể cả ở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên nghe lời trình bày của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình Hội đồng xét xử hỏi, quá trình phát biểu quan điểm tranh luận, đối đáp của đương sự; đồng thời, Kiểm sát viên hỏi đương sự những vấn đề còn mâu thuẫn, chưa được làm rõ. Đó cũng là quá trình Hội đồng xét xử kiểm tra chứng cứ và tiếp tục thu thập chứng cứ. Trong quá trình đó, có thể xuất hiện lời khai mới của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Do đó, tại phiên tòa, Kiểm sát viên có thể phát hiện được những những tình tiết, những vấn đề mới phát sinh; đòi hỏi Kiểm sát viên phải nắm chắc chứng cứ để xác định có cần phải yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hay không. Nếu có thì khi đưa ra yêu cầu cần cụ thể, có tính thuyết phục để Tòa án chấp nhận tạm ngừng phiên tòa, tiếp tục thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ vụ án, đảm bảo đầy đủ chứng cứ giải quyết vụ án.

3. Giải pháp, kiến nghị

3.1. Giải pháp

Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính nói chung và chất lượng các bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính nói riêng, từ kinh nghiệm của cá nhân KSV đề xuất thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

- Thứ nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên

Trước nhu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, việc nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên là đòi hỏi khách quan và cấp thiết; một mặt đòi hỏi phải chuẩn hóa các tiêu chuẩn của đội ngũ KSV, mặt khác, đòi hỏi đội ngũ KSV cần phải được nâng cao hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ. Cán bộ, Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát giải quyết án hành chính phải thật sự nhiệt tình với công việc, có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, chịu khó nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công tác. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải lập hồ sơ kiểm sát theo đúng Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần có phương pháp nghiên cứu khoa học để tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách khách quan, toàn diện. Đặc biệt, KSV cần tăng cường trích cứu hồ sơ vì chỉ có trích cứu mới giúp KSV nắm bắt kỹ được nội dung của từng tài liệu, xác định được những tài liệu nào là tài liệu làm căn cứ chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện; mới phát hiện chính xác được hồ sơ Tòa án thu thập đã đầy đủ chưa, còn thiếu những tài liệu gì, trên cơ sở đó để đề ra yêu cầu thu thập, bổ sung chứng cứ chính xác, đầy đủ.

- Thứ hai, KSV cần tăng cường tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng công tác: hiện nay, Viện KSND cấp cao và Viện KSND tối cao rất chú trọng công tác thông báo rút kinh nghiệm đối với các vụ án hành chính bị hủy hoặc sửa cơ bản. Những thông báo rút kinh nghiệm này là những tài liệu quý giá, là cẩm nang cho mỗi KSV trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, khi cấp trên có văn bản rút kinh nghiệm thì Kiểm sát viên cần tập hợp lại, nghiên cứu kỹ, rút ra những dạng vi phạm của Tòa án, những thiếu sót của VKS ... để nâng cao khả năng nhận diện vi phạm trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa nhằm thực hiện tốt hơn quyền yêu cầu nói riêng và thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính nói chung.

- Thứ ba, nắm chắc các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan: Do việc giải quyết các vụ án hành chính có liên quan đến nhiều loại văn bản pháp luật: trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, liên quan đến BLDS...Những văn bản có liên quan đến QSD đất, QSH tài sản thì đa dạng, tồn tại trong thời gian dài... Chính vì vây, mỗi KSV để cần thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật; có phương pháp nghiên cứu, hệ thống, lưu giữ các văn bản pháp luật có liên quan để nắm vững và tra cứu, vận dụng trong công tác.

- Thứ tư, chú trọng chất lượng bản yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ: Khi thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải đảm bảo 2 yếu tố: Cần và đủ (cần thiết cho việc giải quyết vụ án; đủ để đánh giá chứng cứ).

Bản yêu cầu phải chặt chẽ, ngắn gọn, cụ thế, dễ hiểu để thuận lợi cho Thẩm phán trong việc thực hiện yêu cầu của VKS.

- Thứ năm, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát - Tòa án

Để phát huy được hiệu quả của yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, thì vai trò của Thẩm phán là hết sức quan trọng. Do vậy, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát, mà trực tiếp là giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán, để có nhận thức chung đúng đắn về hoạt động yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật. Khi Tòa án không thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này, Kiểm sát viên cần có sự trao đổi, nhắc nhở, trong trường hợp cần thiết thì tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

3.2. Kiến nghị

- Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, không ngừng kiện toàn công tác tổ chức cán bộ

Đây là khâu công tác khó, phức tạp nên cần có sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, bố trí cán bộ làm công tác kiểm sát giải quyết án hành chính. Lãnh đạo đơn vị cần chú trọng việc đề xuất, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục, sửa sai các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, kịp thời khôi phục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân để họ rút đơn khởi kiện, vụ án được đình chỉ mà không phải đưa ra xét xử, vừa nâng cao uy tín chính quyền, vừa góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương. Mặt khác, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, gắn kết quả thực hiện chuyên môn nghiệp vụ với kết quả bình xét thi đua, đánh giá cán bộ cuối năm cũng như thực hiện việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên khi để xảy ra việc bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng nhưng không phát hiện được để tham mưu cho lãnh đạo ban hành kháng nghị.

Bên cạnh đó, cần sắp xếp, bố trí cán bộ cho các phòng nghiệp vụ, các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện đảm bảo hợp lý trên cơ sở rà soát về chức năng, nhiệm vụ, đánh giá khối lượng công việc. Tăng cường nhân lực cho khâu công tác dân sự, hành chính; Bố trí Kiểm sát viên có năng lực chuyên môn nhằm phát huy hết vai trò, khả năng của họ trong lĩnh vực này. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải trên cơ sở đánh giá, tuyển chọn, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng khả năng, sở trường. Giao việc phải tương xứng với năng lực của cán bộ. Cần mạnh dạn bố trí, giao việc cho cán bộ trẻ để thử thách, rèn luyện trong thực tế, đảm bảo tính kế thừa.

- Tăng cường thông báo rút kinh nghiệm, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ về giải quyết các vụ án hành chính, tập hợp những vướng mắc trong thực hiện Luật tố tụng hành chính nói chung và trong thực hiện "quyền yêu cầu" của Viện kiểm sát nói riêng để các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu, rút kinh nghiệm, phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết án hành chính. Tăng cường tổ chức hội nghị tập huấn, trong đó mở rộng đối tượng tập huấn; tổ chức hội thảo, tọa đàm hoặc tập huấn chuyên sâu, qua đó rút kinh nghiệm thực tiễn để tổng kết lý luận đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật.

- Hoàn thiện các quy định của pháp luật

+ Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Thông tư liên tịch số 03/2016 ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao không quy định cụ thể về thời gian Viện kiểm sát được tiếp nhận, nghiên cứu tài liệu, hồ sơ ban đầu cũng như việc sao chụp các tài liệu để nghiên cứu khi cần thiết để thực hiện quyền yêu cầu xác minh thu thập tài liệu chứng cứ. Trong khi đó thời hạn để Viện kiểm sát vừa sao chụp vừa nghiên cứu hồ sơ chỉ có 15 ngày là chưa hợp lý. Vì vậy đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện quyền yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát. Do đó cần sửa đổi, bổ sung kịp thời một số quy định trên để đảm bảo cho Viện kiểm sát thực hiện tốt quyền năng yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật.

+ Cần nghiên cứu bổ sung một số quy định đảm bảo việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong suốt quá trình giải quyết vụ án nhằm tạo điều kiện thực hiện tốt chức năng của ngành cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn như:quy định Viện kiểm sát trực tiếp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp đã yêu cầu nhưng Tòa án không thực hiện … Bổ sung vào thông tư liên ngành giữa Viện kiểm sát - Tòa án quy định về việc trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong quá trình thụ lý, giải quyết, định kỳ hàng tháng Tòa án phải chuyển tài liệu, hồ sơ phát sinh để Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu nhằm giải quyết vụ án được kịp thời đúng quy đinh pháp luật.


Trần Thúy Hằng - KSV phòng 10

Viện KSND tỉnh Nghệ An

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1