Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại các Trại giam trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An
có 02 Trại giam thuộc sự quản lý của Cục C10, Bộ Công an là Trại giam Số 3 (nằm
trên địa phận xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ) và Trại giam Số 6 (thuộc xã Hạnh
Lâm, huyện Thanh Chương). Hai Trại giam này hiện đang quản lý, giam giữ gần 7.000
phạm nhân. Số phạm nhân này được bố trí giam giữ tại các Phân trại và các Khu
lao động dạy nghề. Với chức năng kiểm
sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An (trực tiếp là phòng
kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự - Phòng 8) đã tiến hành
nhiều phương thức kiểm sát khác nhau, như kiểm sát hàng tháng, kiểm sát trực tiếp
theo định kỳ vào dịp 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm hoặc trực tiếp kiểm sát
đột xuất khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra. Thông qua
công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều bản kiến
nghị, kháng nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù trên địa
bàn.
Thực trạng công
tác kiểm sát thi hành án phạt tù của Viện kiểm sát tại Trại giam Số 3, Trại
giam Số 6.
Hằng năm, thực hiện Chỉ
thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hướng dẫn công tác kiểm sát việc tạm giữ,
tạm giam và thi hành án hình sự của Vụ 8; Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh Nghệ An, Phòng 8 đã xây dựng chương trình công tác và quán triệt
triển khai đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời, chủ động quản lý, theo dõi, nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật của hai Trại. Qua đó kịp thời phát hiện các vi phạm trong
hoạt động thi hành án phạt tù. Các dạng vi phạm điền hình như:
- Vi phạm về hồ sơ thi hành án phạt tù: Hồ sơ phạm nhân thiếu các tài liệu
về sức khỏe, khám chữa bệnh cho phạm nhân; Một số hồ sơ
không thể hiện có biên bản khám sức khỏe sau khi tiếp nhận.
- Vi phạm trong
phân loại, tổ chức giam giữ: Trại đang bố trí giam giữ
quá số lượng người quy định trong một buồng giam.
- Vi phạm trong công tác quản lý phạm nhân: Công tác quản lý, giám sát phạm nhân của cán bộ, chiến sỹ có lúc, có nơi
còn sơ hở, chưa đảm bảo chặt chẽ nên còn để xảy ra việc phạm nhân vi phạm Nội
quy giam giữ như trốn, chết do tự sát.
- Vi phạm về việc
thực hiện chế độ đối với phạm nhân: Chưa
đảm bảo diện tích chỗ nằm tối thiểu cho phạm nhân theo quy định; Một số đơn thuốc thân nhân gửi vào cho phạm nhân
không phải do bác sỹ của Trại cũng không phải bác sỹ tại cơ sở khám, chữa bệnh
của Nhà nước nơi phạm nhân đã được khám và điều trị bệnh kê đơn thuốc.
- Vi phạm về công tác cảnh sát quản giáo:
Công
tác giáo dục phạm nhân của Cảnh sát quản giáo tại một số đội phạm nhân còn
chung chung, việc xây dựng kế hoạch thời gian tiếp theo còn chưa cụ thể, công
tác giáo dục riêng của một số Cảnh sát quản giáo còn mang tình hình thức, chưa
có nội dung, phương pháp giáo dục đối với từng phạm nhân, chưa gắn với tính chất
tội phạm, đặc điểm nhân thân, kết quả chấp hành án của từng phạm nhân.
-
Vi phạm về khai thác, sử dụng hệ thống kiểm soát an ninh:
Trại
không phối hợp với đơn vị phụ trách về công nghệ thông tin tại đơn vị, địa
phương mình để kiểm tra, sửa chữa, xác định hư hỏng, dự trù kinh phí, báo cáo đề
xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo duy
trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả của hệ thống kiểm soát an ninh.
Trên cơ sở các vi phạm được phát hiện, Viện kiểm sát tỉnh đã ban hành các
kháng nghị, kiến nghị được Ban Giám thị Trại nghiêm túc tiếp thu, khắc phục,
sửa chữa vi phạm.
Bên cạnh kết quả đạt
được hoạt động kiểm sát thi hành án phạt tù trong thời gian qua vẫn còn để sai
sót:
- Một số chỉ tiêu công tác kiểm
sát như kiểm sát hàng tháng chưa được tiến hành một cách thường xuyên.
- Một số vi phạm mặc dù Viện kiểm
sát đã kiến nghị, kháng nghị nhiều lần nhưng Trại vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu
để khắc phục vi phạm.
- Chưa kiên quyết áp dụng các biện
pháp để loại trừ vi phạm, hoặc phát hiện được vi phạm nhưng còn nể nang, né
tránh, chưa áp dụng biện pháp phù hợp nên hiệu quả công tác chưa cao.
Những tồn tại trên do
nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Nguyên
nhân khách quan.
- Trại giam Số 3, Trại giam
Số 6 hiện đang quản lý nhiều phạm nhân có mức án cao, có nhiều
tiền án, tiền sự, một số đối tượng không chịu tiếp thu sự giáo dục nên gây khó
khăn cho công tác giáo dục phạm nhân.
- Cơ sở vật chất, công trình giam giữ, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ
công tác quản lý, giáo dục phạm nhân chưa đáp ứng với yêu cầu quy mô quản
lý giam giữ. Có phân
trại xây dựng từ lâu, đã cũ, xuống cấp cần được sửa chữa.
Nguyên nhân chủ quan.
- Do các văn bản liên quan đến công tác thi hành án hình sự nhiều, trong
khi đó các văn bản phần lớn là văn bản "Mật" nên việc nghiên cứu và
tiếp cận các văn bản pháp lý về công tác thi hành án hình sự để áp dụng vào
thực tiễn công tác kiểm sát còn gặp nhiều khó khăn.
- Một số cán bộ khi tiến hành trực tiếp kiểm sát phát hiện ra vi phạm còn
nể nang, né tránh, ngại va chạm, không kiên quyết.
Từ thực tiễn hoạt
động công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại Trại giam Số 3, Trại giam Số
6 để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án phạt tù cần thực hiện tốt
các giải pháp sau:
Giải
pháp về quản lý, chỉ đạo, điều hành.
- Trước hết, Lãnh đạo Phòng phải
bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, Viện kiểm
sát nhân dân tỉnh để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch cần thực hiện.
- Lãnh đạo Viện và Lãnh đạo phòng
phải bố trí đủ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm làm công tác kiểm sát việc thi
hành án hình sự. Lãnh đạo Phòng phải biết phát huy năng lực, sở trường công tác
của từng cán bộ, Kiểm sát viên. Từ đó, có sự sắp xếp phân công công việc hợp
lý. Bên cạnh đó, cần có phương pháp để khích lệ sự cống hiến, sự nhiệt huyết của
các thành viên trong phòng, để họ có sự cống hiến, cố gắng hết mình trong công
việc.
- Phải nắm đầy đủ tình hình chấp
hành pháp luật trong công tác thi hành án phạt tù của Trại. Qua đó xác định mục
tiêu, kế hoạch và phương pháp tiến hành kiểm sát một cách đúng đắn, chính xác
và đạt hiệu quả. Sau khi nắm được tình hình, phải nghiên cứu và kịp thời chỉ đạo
xử lý.
- Lãnh đạo cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và xây dựng phương pháp, lề
lối làm việc khoa học, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, Kiểm
sát viên để từ đó nâng cao trách nhiệm pháp lý, ý thức kỷ luật nghiệp vụ.
- Hàng tháng trên cơ sở đặc điểm tình hình của công tác
chuyên môn, Lãnh đạo Phòng tiến hành sinh hoạt xác định những nhiệm vụ trọng
tâm để lãnh đạo thực hiện. Trong mỗi kỳ sinh hoạt đều có sự thảo luận, đánh giá
về nhiệm vụ này, nêu cụ thể từng việc đã làm được, những việc còn tồn tại,
nguyên nhân của tồn tại, những việc cần triển khai thực hiện tiếp theo.
Các giải pháp về nghiệp vụ.
- Lãnh đạo cần xây dựng kế hoạch, phương thức
để tiến hành một cuộc kiểm sát được đầy đủ và hiệu quả. Cụ thể:
+
Trước khi tiến hành kiểm sát phải ban hành một kế hoạch công tác kiểm sát chi
tiết, hợp lý, đúng mẫu để trên cơ sở Kế hoạch của Viện kiểm sát Trại giam có
báo cáo đầy đủ, từ báo cáo của Trại Viện kiểm sát có thể nắm bắt được quá trình
hoạt động của Trại để từ đó đưa ra những yêu cầu kiểm sát đúng đắn và có chất
lượng.
+
Khi tiến hành kiểm sát có sự phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, Kiểm
sát viên và định hướng các nội dung cần kiểm sát trong từng việc được giao.
+
Sau khi kết thúc cuộc kiểm sát phải phân công Kiểm sát viên tổng hợp vi phạm và
xây dựng dự thảo kết luận; kết luận đánh giá đầy đủ những ưu điểm, tồn tại (nếu
có), xác định nguyên nhân đề xảy ra vi phạm; yêu cầu Giám thị Trại giam nơi đã
kiểm sát có biện pháp chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm.
+
Đồng thời, dự kiến thời gian tiến hành tọa đàm kết luận, buổi tọa đàm có sự
tham gia đầy đủ các bộ phận chỉ huy của Trại giam. Tại buổi tọa đàm hai bên thảo
luận, thống nhất trên tinh thần thoải mái, cởi mở nêu ra các ý kiến.
- Khi tiến hành kiểm sát cần phải nắm vững
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng, phạm vi, nội dung và các phương thức
hoạt động thực tế của đơn vị được kiểm sát.
Cụ thể, cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ phải nhận thức đầy đủ về
tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù để từ đó tạo ra
các kỹ năng nhằm phát hiện ra các vi phạm, yêu cầu cơ quan bị kiến nghị, kháng
nghị phải chấn chỉnh, khắc phục vi phạm và đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo
việc thi hành án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; các
chế độ về thi hành án hình sự được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; tính
mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người chấp hành án và các quyền khác của
họ được tôn trọng.
- Tăng cường kiểm sát định kỳ, đột xuất và
kiểm sát hàng tháng nhằm kịp thời phát hiện vi phạm. Từ việc kiểm sát
thường xuyên như vậy nó đã tác động không nhỏ đến công tác quản lý phạm nhân
ngày một chắc chắn, đảm bảo đầy đủ mọi chính sách pháp luật, hạn chế được việc
vi phạm pháp luật. Nhất là trong công tác kiểm sát hàng tháng, vì việc kiểm sát
hàng tháng thường đi bất ngờ, không cần ban hành quyết định, kế hoạch, do đó
các đơn vị không có sự chuẩn bị để đối phó nên việc phát hiện vi phạm thường dễ
dàng hơn. Khi kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm cần tiến hành lập biên bản, xác
định nguyên nhân và hậu quả (nếu có) do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
- Phải chú trọng đến công tác kiểm sát
việc thực hiện các kiến nghị, kháng nghị đã ban hành. Vì qua kiểm tra việc thực
hiện các kiến nghị, kháng nghị để thấy được Trại giam có đưa ra các giải pháp
và khắc phục các tồn tại, hạn chế không? Nội dung nào Trại giam đã khắc phục,
nội dung nào chưa khắc phục, từ đó hai bên cùng nhau trao đổi đưa ra phương án
giải quyết tối ưu nhất.
Về quan hệ phối hợp.
- Xây dựng tốt mối quan
hệ phối hợp giữa kiểm sát thi hành án phạt tù với công tác kiểm sát khác trong
ngành kiểm sát, như trong lĩnh vực thi hành án dân sự về việc nộp tiền bồi thường,
án phí dân sự... của phạm nhân. Từ đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả các khâu
công tác kiểm sát thi hành án phạt tù trong ngành KSND.
- Duy trì mối quan hệ phối
hợp tốt giữa Viện kiểm sát, đặc biệt là bộ phận làm công tác kiểm sát việc tạm
giữ, tạm giam và thi hành hành án hình sự với Trại giam:
+ Xây dựng và sử dụng có hiệu quả
Quy chế phối hợp về công tác thi hành án phạt tù giữa Viện kiểm sát với Trại
giam Số 3, Trại giam Số 6. Trong đó cần chú ý, phần việc thuộc phạm vi chức
năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao; việc phối hợp phải mang tính thường xuyên,
chặt chẽ nhằm kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu cũng như tình hình chấp
hành pháp luật; đồng thời phối hợp cung cấp những văn bản quy phạm pháp luật,
văn bản chỉ đạo nghiệp vụ có liên quan đến công tác thi hành án phạt tù.
+ Hàng tháng thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo Quy chế. Khi xảy ra sự
việc đột xuất, nghiêm trọng cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong
thực hiện nhiệm vụ phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho Viện kiểm sát
để tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn kịp thời.
Giải pháp nâng cao
tinh thần trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên.
-
Cán bộ, Kiểm sát viên cần đổi mới tư duy công tác, đổi mới cách nghĩ, cách làm,
kiên quyết, trung thực trong việc đấu tranh với những vi phạm, không có tư tưởng
nể nang, ngại va chạm và luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
-
Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật về công tác
giam giữ, phải chịu khó học hỏi, nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm, những
giải đáp khó khăn, vướng mắc về kiểm sát thi hành án phạt tù của Viện kiểm sát
nhân dân tối cao. Mặt khác, sưu tầm các bản dự thảo kết luận của các đơn vị
khác để biết được các dạng vi phạm. Từ đó nhằm tạo ra cho bản thân kỹ năng kiểm
sát khi thực hiện nhiệm vụ.
-
Tích cực tham gia các lớp tập huấn về công tác kiểm sát việc thi hành án phạt
tù, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ.
Nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại các Trại giam có
vai trò rất quan trọng đối với việc quản lý, giáo dục phạm nhân, góp phần đảm bảo tuyệt đối an toàn cơ sở giam
giữ, không để xảy ra các vụ việc đột xuất, phức tạp. Từ đó góp phần cùng Viện
kiểm sát hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần khẳng định vị thế của
Viện kiểm sát, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội
chủ nghĩa.
Tổ tuyên
truyền - Phòng 8
VKSND
tỉnh Nghệ An