image banner
Thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự

Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể:“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã tiếp thu những tư tưởng pháp lý tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án. Suy đoán vô tội, được hiểu một người nào đó bị nghi ngờ là phạm tội chưa bị coi là có tội cho đến khi chứng minh được theo trình tự luật định xác định rằng người đó có tội. Nội dung nguyên tắc được hiểu như sau:

 Thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

 Thứ hai, việc chứng minh tội phạm của người bị buộc tội là trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Họ có quyền từ chối đưa ra những lời khai có thể không có lợi cho mình (quyền im lặng).

 Thứ ba, việc chứng minh tội phạm của người bị buộc tội phải đúng thẩm quyền và tuân theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Việc chứng minh tội phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trải qua các trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và theo những thời hạn nhất định.

 Thứ tư, trường hợp không đủ căn cứ để buộc tội hoặc không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội và kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội là không có tội và phải trả tự do cho họ, đồng thời phải ra quyết định đình chỉ điều tra (trong giai đoạn điều tra), đình chỉ vụ án (trong giai đoạn truy tố hoặc xét xử) hoặc tuyên bố bị cáo vô tội (tại phiên tòa xét xử của Tòa án).

 Thứ năm, mọi nghi ngờ về tính xác thực của những chứng cứ dùng để chứng minh sự thật vụ án, nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự luật định, mặc dù cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, thì phải được áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

 Nguyên tắc “Trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm”:

 Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo, kiểm sát điều tra, truy tố; Thực hiện nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm yêu cầu Kiểm sát viên phải phối hợp Điều tra viên chú trọng thu thập tài liệu, chứng cứ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội ngay từ đầu; Trong đó, chứng cứ vật chất là yếu tố quyết định trong quá trình giải quyết vụ án, lời khai của người bị nghi thực hiện tội phạm, bị can, bị cáo phải phù hợp với các tài liệu, chứng cứ vật chất đã thu thập được.Việc chuyển hóa chứng cứ phải đảm bảo tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp. Lời nhận tội của bị can chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án (Khoản 2 Điều 98 BLTTHS). Không được dùng lời nhận tội của bị can làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Thực tiễn, quá trình giải quyết các vụ án hình sự, để thực hiện đúng tinh thần của nguyên tắc Kiểm sát viên cần phải:

Kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đảm bảo tính căn cứ và hợp pháp. Khi áp dụng biện pháp tạm giữ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp Viện kiểm sát phê chuẩn phải đảm bảo đủ căn cứ để khởi tố vụ án bị can, không để xẩy ra việc gia hạn tạm giữ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp Viện kiểm sát đã phê chuẩn nhưng sau đó phải trả tự do vì hành vi không cấu thành tội phạm. Khi các tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra thu thập không đủ yếu tố chứng minh một người thực hiện hành vi tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, Viện kiểm sát kiên quyết không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra và yêu cầu trả tự do cho người bị bắt, tạm giữ.

Việc chứng minh một người có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự được thực hiện cho đến khi các yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự không còn, các tình tiết “ngoại phạm” đã được chứng minh cụ thể, rõ ràng. Trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người bị nghi thực hiện tội phạm được đặt ra khi các tài liệu, chứng cứ thu thập xác định rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm, thể hiện tính liên quan, tính có căn cứ và tính hợp pháp. Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự các đơn vị đã áp dụng tốt nguyên tắc này.

Bảo đảm việc chứng minh tội phạm được thực hiện theo trình tự, thủ tục do BLTHS quy định. Việc thu thập các tài liệu, chứng cứ đảm bảo khách quan và đúng pháp luật. Kiểm sát viên tăng cường kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can, tăng cường phúc cung bị can để phòng tránh bức cung, nhục hình, “mớm cung”, đồng thời kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu trước khi quyết định phê chuẩn, truy tố... 100% các vụ án KSV tham gia hỏi cung hoặc trực tiếp phúc cung bị can. 100% các trường hợp phê chuẩn giữ người trong trường hợp khẩn cấp, KSV đều tham gia hỏi người bị giữ trước khi quyết định phê chuẩn.

 Ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên đã phối hợp với Điều tra viên lập kế hoạch kiểm tra, xác minh nguồn tin; tham gia lấy lời khai những người liên quan, kiểm sát chặt chẽ việc thu thập tài liệu, chứng cứ; 100% các vụ việc Kiểm sát viên đều ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh, ngoài việc ghi lời khai, đã yêu cầu Điều tra viên thu thập toàn bộ tài liệu có liên quan (nếu có). Chậm nhất 10 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của BLTTHS, Kiểm sát viên và Điều tra viên thống nhất đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được, báo cáo quan điểm để Lãnh đạo 02 Ngành cho ý kiến chỉ đạo, đặc biệt đối với những vụ việc có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Đối với những vụ việc, qua quá trình kiểm tra, xác minh thấy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì yêu cầu CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án.

Trong quá trình chứng minh hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ thu thập được  để ra các quyết định tố tụng đảm bảo có căn cứ. Các chứng cứ này phải được thu thập, đánh giá, phân tích theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát viên phải tiến hành kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp trước khi phê chuẩn các quyết định tố tụng nói trên. Coi trọng việc thu thập chứng cứ ngay từ đầu, tăng cường thực nghiệm điều tra để chuyển hóa chứng cứ (nhất là chứng cứ là lời khai). Lời khai của bị can, bị cáo chỉ có ý nghĩa khi phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Tòa án phải dựa trên cơ sở những chứng cứ được trình bày trước Tòa để đưa ra phán quyết. Bản án kết tội dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, chứng minh bị cáo có tội. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự thời gian qua có bị can chối tội hoặc bị can lúc nhận tội lúc chối tội gây khó khăn cho Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm nhưng do quá trình điều tra VKS đã yêu cầu CQĐT thu thập các tài liệu, chứng cứ khách quan, hợp pháp đã chứng minh hành vi phạm tội của bị can, các vụ án này đều được điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật thể hiện nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung.

Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát 07 hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS. Trong quá trình kiểm sát, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan.

Trong suốt quá trình điều tra vụ án, Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu Điều tra viên thu thập chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Đối với những vụ án cần phải mở rộng điều tra thì tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Không buộc bị can phải tăng nặng trách nhiệm hình sự khi chưa đủ cơ sở chứng minh, không buộc những người liên quan khác phải chịu trách nhiệm hình sự khi chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của họ. Khi tài liệu chứng cứ đã xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì kiên quyết yêu cầu khởi tố điều tra, xử lý tránh bỏ lọt tội phạm.

Đối với những tài liệu thu thập trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên phải chuyển đầy đủ, thực hiện nghiêm quy định tại điều 88 BLTTHS. Kiểm sát chặt chẽ việc mở niêm phong tài liệu, chuyển hóa chứng cứ, đặc biệt chứng cứ là dữ liệu điện tử (dữ liệu trên điện thoại, máy tính…).

          Luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người bị buộc tội trong việc đưa ra chứng cứ, yêu cầu và tranh luận trước Tòa án để chứng minh họ không có tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mọi hoạt động chứng minh trong vụ án được thực hiện đúng quy định pháp luật, theo trình tự thủ tục nhất định nhằm loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội.

          Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo VKS hai cấp trong kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự thường xuyên coi trọng nguyên tắc này, thể hiện tinh thần chỉ đạo xuyên suốt trong các giai đoạn tố tụng hình sự đảm bảo mục tiêu cao nhất đó là không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; Không để xẩy ra vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS, đảm bảo hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tuân thủ đúng các quy định của và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

          Trách nhiệm của Kiểm sát viên, kiểm tra viên, cán bộ khi được phân công, giao nhiệm vụ kiểm sát giải quyết vụ án hình sự được nâng lên, kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Viện đối với đề xuất, tham mưu quan điểm xử lý vụ án nếu để ra sai sót, vi phạm.

          Không có vụ án nào phải đình chỉ điều tra trong giai đoạn điều tra, truy tố do hành vi không cấu thành tội phạm; Không để xẩy ra việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ; Không để xẩy ra việc Viện kiểm sát truy tố, tòa án tuyên không phạm tội; Không có vụ án bị Tòa án cấp trên hủy án có lỗi của VKS.

Một số hạn chế, tồn tại khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ, chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự;

Một là, việc nhận định, đánh giá chứng cứ, tài liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số vụ án còn khác nhau, một phần là do quan điểm về đánh giá chứng cứ, nhận thức pháp luật, một phần do việc áp dụng một số văn bản hướng dẫn của cấp trên còn chưa thống nhất dẫn đến việc giải quyết một số vụ án chưa kịp thời.

Hai là, quá trình thực hiện nhiệm vụ, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn chú trọng vào các tình tiết buộc tội, không đứng trên phương diện của người bị buộc tội nên việc thu thập tài liệu và chứng cứ gỡ tội còn chưa khách quan, toàn diện. Quá trình thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố và xét có lúc chưa thực hiện hết các nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội dẫn đến việc giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong các giai đoạn tố tụng, thiếu thống nhất về nhận thức dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ba là, việc chuyển hóa tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm còn gặp khó khăn, nhất là chứng cứ là dữ liệu điện tử, quá trình chờ kết luận giám định mất nhiều thời gian, dẫn đến việc vụ án kéo dài, có vụ án phải gia hạn thời hạn điều tra.

Bốn là, mặc dù đã ghi nhận “Quyền im lặng” của người bị buộc tội song khoản 3, Điều 466 BLTTHS 2015 lại quy định người bị buộc tội có thể bị xử lý về hành vi từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật. Quy định này mâu thuẫn với quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Năm là, Hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can. Cơ quan điều tra chưa được trang bị thiết bị kỹ thuật (thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, máy chủ...) đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, bảo mật để thực hiện nhiệm vụ.

Một số giải pháp thực hiện các nguyên tắc nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự:

  Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hiện nguyên tắc của BLTTHS nói chung, nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ tài liệu trong giải quyết các vụ án hình sự nói riêng. Xác định đây là nguyên tắc chủ đạo xuyên suốt trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

 Thứ hai: Việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.

Thứ ba: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.

 Thứ tư: Việc đánh giá, sử dụng các tài liệu chứng cứ phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, các tài liệu chứng cứ thu thập phải đảm bảo tính khách quan, đầy đủ, toàn diện. Tuyệt đối không thực hiện các hình thức bức cung, nhục hình, “mớm cung”,... và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật để ép bị can, bị cáo phải nhận tội.

 Thứ năm: Không sử dụng chứng cứ chưa được nghiên cứu, kiểm tra, xác minh để làm căn cứ chứng minh hành vi phạm tội. Khi sử dụng chứng cứ không được chủ quan duy ý chí, coi trọng chứng cứ này hơn chứng cứ khác, không chỉ sử dụng chứng cứ buộc tội mà cần sử dụng chứng cứ gỡ tội, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Đồng thời phải đánh giá thuộc tính liên quan của chứng cứ và nguồn gốc chứng cứ một cách khách quan.

Thứ sáu: Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong quá trình thu thập, đánh giá tài liệu chứng cứ. Trường hợp có vướng mắc về đánh giá chứng cứ, tội danh cần thỉnh thị liên ngành cấp trên... đảm bảo việc điều tra, truy tố và xét xử có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

 

                      Tổ tuyên truyền Phòng 1

Viện KSND tỉnh Nghệ An

 

 

 

 

 

                 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1