image banner
Một số vướng mắc về xác định chủ thể bị thiệt hại và xác định thời điểm thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ.

          Trong thời gian qua, trên cả nước nói chung và địa bàn huyện Quỳnh Lưu nói riêng, tội phạm về tham nhũng, chức vụ, tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm tài sản Nhà nước có chiều hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất, hành vi, thủ đoạn phạm tội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước ngày càng có nhiều tội phạm bị phát hiện, điều tra và xử lý, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững.

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, đồng thời xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại chính xác nhằm xử lý, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm cũng không làm oan người vô tội, để  có hướng thu hồi tài sản triệt để;           ngày 30/12/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. Trong đó, tại Điều 10, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP nêu rõ:

1. Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.

2. Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a) Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

b) Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

c) Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

3. Việc xem xét trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Hướng dẫn đã xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về hoàn thiện pháp luật trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, chức vụ thời gian qua, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều quan điểm khác nhau về xác định chủ thể bị thiệt hại và thời điểm bị thiệt hại. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến một vài vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong một vụ án cụ thể như vụ án H.S.B cùng đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã QB, huyện Q, tỉnh NA, như sau:

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong thời gian từ đầu năm 2019 đến năm 2021, vì động cơ vụ lợi và nể nang cùng với sự giúp sức của bị cáo P.Đ.S, Bị cáo H.S.B đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình (là cán bộ địa chính xã QB) làm trái công vụ để dịch chuyển 277 m2 đất nông nghiệp tại thửa 461, tờ bản đồ số 1 (bản đồ 299) (địa chỉ: xóm TG, xã QB, huyện Q, tỉnh NA) thuộc quyền quản lý, sử dụng của hộ gia đình ông H.Đ.V và hộ gia đình ông P.V.T sang cho hộ gia đình bị cáo P.Đ.S. Sau đó, bị cáo H.S.B đã giúp bị cáo P.Đ.S làm các thủ tục tách thửa để làm thủ tục chuyển nhượng cho cá nhân khác.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 40/KL-HĐĐG ngày 15/01/2023 của Hội đồng định giá tài sản của UBND huyện Q, kết luận:

- Diện tích 413,4m2  đất vườn liền kề với đất ở tại nông thôn thuộc thửa đất 01, tờ bản đồ số 32 của ông P.Đ.S tại xóm TG, xã QB, huyện Q tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vào ngày 21/6/2019 có giá trị 413.400.000đ (Bằng chữ: Bốn trăm mười ba triệu bốn trăm nghìn đồng chẵn).

- Diện tích 397,8m2  đất ở tại nông thôn thuộc thửa đất 590, tờ bản đồ số 32 tại xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu của ông P.Đ.S tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vào ngày 27/4/2021 (đất ở) có giá trị 994.500.000đ (Bằng chữ: Chín trăm chín mươi bốn triệu năm trăm nghìn đồng chẵn).

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 472/KL-HĐĐG ngày 28/8/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng UBND huyện Q, kết luận:

- 127m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) thuộc thửa đất 461 tờ bản đồ số 1 (BĐ 299) của ông P.V.T tại xóm TG, xã QB, huyện QL có giá trị 6.985.000 đồng (Sáu triệu chín trăm tám mươi lăm nghìn đồng) (Định giá tại thời điểm từ ngày 28/3/2019 đến ngày 20/6/2019).

- 150m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) thuộc thửa đất 461 tờ bản đồ số 1 (BĐ 299) của ông H.Đ.V tại xóm TG, xã QB, huyện Q có giá trị 8.250.000 đồng (Tám triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) (Định giá tại thời điểm từ ngày 28/3/2019 đến ngày 20/6/2019).

Trong vụ án này, có nhiều quan điểm trong việc xác định chủ thể bị thiêt hại và thời điểm xác định thiệt hại.

1. Về xác định chủ thể bị thiệt hại

Quan điểm thứ nhất: chủ thể bị thiệt hại là Nhà nước. Việc bị cáo H.S.B đã làm các thủ tục dịch chuyển từ giá trị đất nông nghiệp nhập vào đất vườn liền kề với đất ở của hộ gia đình bị cáo P.Đ.S rồi chuyển đổi mục đích từ đất vườn sang đất ở, sau đó làm thủ tục tách thửa và chuyển nhượng cho người khác đã làm mất đi quyền quản lý về đất đai của Nhà nước (Nhà nước không quản lý đúng mục đích sử dụng đất).

Quan điểm thứ hai: Chủ thể bị thiệt hại chính là những người được giao đất (hộ gia đình ông H.Đ.V và hộ gia đình ông P.V.T).

Ở đây tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì: Hộ gia đình ông H.Đ.V và hộ gia đình ông P.V.T đã được nhà nước giao diện tích đất nông nghiệp nói trên để sử dụng, sau khi được giao những người này đã canh tác trên mảnh đất trên một thời gian, mặc dù chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất 461 nhưng ông V và ông T chưa chuyển nhượng cho ai, chưa làm các thủ tục trả lại cho Nhà nước và cũng chưa bị Nhà nước thu hồi theo quy định. Vì vậy, ông V và ông T có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Khi diện tích đất này bị bị cáo S và bị cáo B làm các thủ tục dịch chuyển sang cho hộ bị cáo P.Đ.S (mà ông V và ông T không biết, không cho phép) thì người bị thiệt hại chính là những người được Nhà nước giao đất. Điều này, phù hợp với những quy định tại chương 11 Luật đất đai năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Đối với quan điểm thứ nhất, theo tác giả quan điểm này còn nhiều điểm chưa hợp lý, bởi các lý do sau: theo quy định tại Điều 4 Luật đất đai năm 2013 “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Mặc dù, các bị cáo đã làm các thủ tục để dịch chuyển và chuyển mục đích sử dụng đất từ giá trị đất nông nghiệp thành đất ở và đã bị chuyển nhượng cho người khác (người thứ ba ngay tình). Tuy nhiên, khi bị chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng cho người khác thì diện tích đất này không bị mất đi, Nhà nước vẫn có quyền quản lý đối với phần diện tích đất này nên không bị thiệt hại về giá trị đất. Có chăng, Nhà nước chỉ bị thiệt hại về tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

2. Về việc xác định thời điểm bị thiệt hại

          Quan điểm thứ nhất: Thiệt hại phải được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

          Thiệt hại được tính khi bị cáo H.S.B đã hoàn thành việc dịch chuyển thửa đất nông nghiệp tại thửa 461 của hộ gia đình ông H.Đ.V và hộ gia đình ông P.V.T vào thửa số 1 của hộ bị cáo P.Đ.S và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/6/2019. Lúc này, quyền sử dụng đất nông nghiệp của thửa 461 đã bị đổi thành quyền sử dụng đất vườn của thửa số 1, nên giá trị tài sản bị thiệt hại thời điểm này là giá trị đất nông nghiệp, là 15.235.000đ  (Mười lăm triệu hai trăm ba mươi lăm nghìn đồng).

          Quan điểm thứ hai: Thiệt hại phải được xác định tại thời điểm kết thúc và bị phát hiện.

          Do việc dịch chuyển đất nông nghiệp được bắt đầu từ đầu năm 2019 đến ngày 21/6/2019 thì việc dịch chuyển hoàn thành (lúc này mới chuyển từ đất nông nghiệp thành đất vườn). Sau đó, các đối tượng tiếp tục làm thủ tục chuyển vị trí của phần diện tích đất ở đã có nhà (ở thửa số 1 của bị cáo P.Đ.S có trước đó thành đất vườn và chuyển phần diện tích đất nông nghiệp tại thửa 461 đã được nhập chung thành đất ở), đến ngày 27/7/2021 thì thực hiện xong việc tách thửa này. Do vậy, cần xác định đây là tội phạm được thực hiện liên tục, kéo dài nên thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm kết thúc. Và giá trị tài sản bị thiệt hại là giá trị đất ở (phần diện tích sau khi bị cấp nhập đã bị chuyển đổi mục đích là đất ở và thực tế đã chuyển nhượng cho người khác để thu lợi từ việc chuyển nhượng này theo giá trị đất ở).

          Liên quan đến việc xác định thiệt hại trong vụ án này, tác giả ủng hộ quan điểm thứ nhất: thiệt hại phải được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

          Bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 52 Luật đất đai năm 2013 Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:

1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”.

          Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 57 Luật đất đai năm 2013 Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

          Tại điểm a khoản 2 Điều 59 Luật đất đai năm 2013 2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định”

          Tuy nhiên, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bị cáo P.Đ.S thì quy hoạch sử dụng đất của huyện Q được UBND tỉnh NA phê duyệt thì vị trí thửa 461, tờ bản đồ số 1 (Bản đồ 299) chưa được quy hoạch đất ở nông thôn. Kế hoạch sử dụng đất huyện Q năm 2019 được UBND tỉnh NA phê duyệt thì vị trí thửa 461, tờ bản đồ số 1 (Bản đồ 299) không có trong kế hoạch chuyển mục đích từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở.

          Do vậy, tại thời điểm thửa đất này bị cấp nhập vào phần diện tích đất của hộ bị cáo P.Đ.S thì quyền sử dụng đất của hộ ông P.V.T và ông H.Đ.V chỉ được sử dụng với mục đích đất sản xuất nông nghiệp. Như vậy, phần diện tích đất bị thiệt hại chỉ được tính là phần diện tích đất nông nghiệp. Điều này phù hợp với hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP.

          Đối với quan điểm thứ hai, theo tác giả quan điểm này còn nhiều điểm chưa hợp lý, bởi các lý do sau:

          Thứ nhất, tại thời điểm kết thúc (ngày 27/7/2021, khi hộ của bị cáo P.Đ.S đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện toàn bộ phần đất sản xuất nông nghiệp của thửa 461 đã được tách thửa và chuyển mục đích thành đất ở một cách trái pháp luật), giá trị tài sản (là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) đã tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nếu lấy giá đất tại thời điểm này để áp dụng cho hành vi phạm tội đã thực hiện thời gian trước đó (ngày 21/6/2019) thì có phần không hợp lý, vì các bị cáo không thể lường trước được thiệt hại của “tương lai”, hơn nữa thiệt hại theo cách xác định ở quan điểm này còn được quyết định bởi một phần là do cơ chế thị trường đã đẩy giá đất lên thì càng lại không có cơ sở để các bị cáo biết trước được.

          Giả sử sau khi bị cáo chuyển dịch từ đất nông nghiệp của người khác thành của mình rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở và đã đầu tư, phát triển làm nâng giá trị tài sản lên nhiều lần, thì theo cách tính thiệt hại ở quan điểm thứ hai thì khi các bị cáo làm phần diện tích đất có giá trị càng cao thì khung hình phạt các bị cáo phải chịu càng nặng, trách nhiệm bồi thường của bị cáo càng nhiều. Ngược lại, nếu bị cáo làm giảm sút giá trị của tài sản thì khung hình phạt lại càng nhẹ, như vậy là không hợp lý. Trách nhiệm hình sự không thể xác định lên hay xuống theo giá trị thị trường tại thời điểm phát hiện.

          Thứ hai, trong trường hợp pháp luật không có quy định về một vấn đề hoặc quy định không rõ ràng thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Việc xác định thiệt hại ở quan điểm thứ hai làm tăng thêm trách nhiệm của người phạm tội là không hợp lý.

          Trên đây là một số ý kiến, bình luận của tác giả liên quan đến vấn đề xác định thiệt hại trong các vụ án về tội phạm về chức vụ, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các độc giả.

 

Vũ Thị Kiều

Ban tuyên truyền – Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Lưu

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1