image banner
Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật xử lý tội đánh bạc

Tội phạm nói chung và tội đánh bạc nói riêng luôn được nhà nước triệt để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh. Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án được phát hiện, cho thấy tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, số người tham gia nhiều, số tiền sử dụng để đánh bạc ngày một lớn. Đánh bạc được xem là tội phạm nguồn của các loại tội phạm khác, gây nên nhiều hệ lụy, nhiều yếu tố tiềm ẩn đến an ninh trật tự và đời sống bình thường của nhân dân.

Để đấu tranh với tội phạm đánh bạc, nhà làm luật không quy định liệt kê cụ thể được các hành vi đánh bạc, hình thức đánh bạc, do đó chỉ quy định mang tính chất quy nạp, chung nhất, làm cơ sở để xử lý hành vi đánh bạc, từ đó các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng để đấu tranh phòng chống tội phạm này.

Việc nhà nước ban hành các văn bản pháp luật đầy đủ, kịp thời có tác dụng rất lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này, nhất là khi đang có những vướng mắc thực tiễn đòi hỏi giải quyết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một vài vướng mắc trong quá trình áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 để xử lý tội Đánh bạc.

1. Vướng mắc về quan điểm giải quyết đối với một số hình thức đánh bạc cụ thể.

Thực tiễn cho thấy, hình thức đánh bạc vô cùng đa dạng, không thể nêu ra được các hình thức cụ thể, bởi càng cụ thể, càng dễ bỏ lọt hành vi phạm tội, vì vậy Bộ luật hình sự năm 1999  quy định về cấu thành cơ bản của tội phạm này như sau:

 “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

          Trong quá trình áp dụng pháp luật, nhiều hình thức đánh bạc được phát hiện, nhưng quy định như điều luật trên đã có không ít vướng mắc trong việc xác định cấu thành của tội đánh bạc, xác định số tiền đánh bạc phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hình sự khi các thể hóa hình phạt đối với người phạm tội, như thế nào là phạm tội ở định khung tăng nặng thuộc khoản 2 điều 248, nhất là đối với các hình thức các cược đua chó, đua ngựa, cá độ bóng đá, số lô, số đề, đá gà....Trước yêu cầu thực tiễn đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao đã ban hành Nghị Quyết số 01/2010 ngày 22/10/2010 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại điều 248 và điều 249 của Bộ luật hình sự. Tại Nghị quyết này, HĐTP đã hướng dẫn rõ cấu thành cơ bản về tội đánh bạc, về trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc, số tiền để xác định trách nhiệm hình sự, số lần thực hiện tội phạm, đồng thời hướng dẫn cụ thể về hành vi cá độ bóng đá, các cược đua ngựa, đánh số lô, số đề.

          Năm 2015 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung. Tội phạm đánh bạc được quy định tại điều 321. Cụ thể như sau:

1.Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Qua đó, về cấu thành cơ bản của BLHS 1999 và BLHS 2015 không có thay đổi. Nhà làm luật vẫn giữ nguyên cấu trúc quy nạp, không phân tích diễn giải, liệt kê những hành vi nào là hành vi Đánh bạc. Bất ky hành vi cá cược trái phép nào mang tính được thua bằng tiền từ 5.000.000 đồng trở lên, đều cấu thành cơ bản tội Đánh bạc.

          Quá trình triển khai thực hiện Bộ luật hình sự 2015, tại Quyết định số 355 ngày 08/10/2021 của TANDTC về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân Tối cao, đã bãi bỏ Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự, với lý do Nghị quyết này hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đến nay, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực.

Như vậy, nhìn chung hiện nay, dưới góc độ áp dụng pháp luật về tội Đánh bạc, những người làm công tác này không có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý đối với tội phạm này, đa số về mặt nhận thức, khi xử lý đều ngầm hiểu vẫn dựa trên nền tảng hướng dẫn của Nghị quyết 01/2010 của HĐTP trên đây xử lý tội đánh bạc, mặc dù đã bị bãi bỏ. Từ đó cho thấy không thỏa mãn được yếu tố áp dụng pháp luật có căn cứ, bởi dù sao về mặt chính danh, nhà nước cũng đã hủy bỏ Nghị quyết nêu trên, với lý do được nêu rõ “Nghị quyết này hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đến nay, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực.

          Nghị quyết này hết hiệu lực, nhưng trên thực tế, tinh thần cơ bản của Nghị quyết này vẫn được áp dụng, nhưng không ai nhắc đến căn cứ pháp lý để áp dụng nó khi xử lý tội đánh bạc theo quy định của BLHS 2015, cơ bản vẫn được các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng và các người tham gia tố tụng thừa nhận để xử lý người đánh bạc dưới các hình thức đua ngựa, đánh số lô, số đề... vẫn được mặc nhiên thừa nhận là không có vướng mắc, vì dù sao vẫn có cái để tháo gỡ khi cần phải xử lý đến hành vi đánh bạc dưới các hình thức này.

          Nhưng việc đánh bạc dưới hình thức đá gà thì còn nhiều tranh cãi, nhận thức còn rất khác nhau, nhất là cấu thành tội phạm, số tiền đánh bạc để xác định trách nhiệm hình sự, không có căn cứ để thống nhất việc áp dụng pháp luật. Xin lấy một ví dụ từ thực tế để cùng trao đổi như sau:

Ví dụ 1: A có làm một xới tại vườn nhà để chơi đá gà. Hàng ngày những người chơi có cùng đam mê mang gà đến nhà A ghép đôi đá gà, nhưng A không thu tiền phí. Ngày 19.9.2022,  B, C, D, E mang gà đến nhà A chơi và ghép cặp đá gà. B và C ghép cặp cược nhau 1 trận 2 triệu đồng . D và E ghép cặp chọi gà cược 3 triệu đồng.   Khi B, C, D , E khi đang đá gà thì bị công an phát hiện bắt giữ người phạm tội quả tang.

Việc B, C, D, E đá gà có cá cược không trao đổi với A. A không thu tiền vào xới gà của những người này.

          Khi xử lý vụ việc trên có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1: A,B,C,D, E không phải chịu TNHS về tội đánh bạc, vì B và C dùng 2 triệu đồng để đánh bạc; D và E dùng 3 triệu đồng để đánh bạc. Những người này cá cược độc lập với nhau về hành vi. Số tiền trên không đủ 5 triệu đồng để cấu thành tội phạm Đánh bạc. Do đó A cũng không phạm tội Đánh bạc.

Quan điểm 2: A,B,C,D,E phải chịu TNHS về tội đánh bạc, vì B và C dùng 2 triệu đồng để đánh bạc; D và E dùng 3 triệu đồng để đánh bạc, như vậy số tiền đánh bạc 5 triệu đồng, những người này cá cược trên một xới gà, trong cùng một thời gian, địa điểm, do đó cấu thành tội phạm Đánh bạc. A phạm tội Đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức, lỗi cố ý gián tiếp.

Quan điểm 3: A,B,C,D,E phải chịu TNHS về tội đánh bạc, vì B và C dùng 2 triệu đồng để các cược đánh bạc, như vậy B và C phải bỏ ra mỗi người 2 triệu đồng, số tiền đánh bạc của B và C là  4 triệu đồng; D và E dùng 3 triệu đồng để các cược đá gà, như vậy số tiền đánh bạc cả 2 người này bỏ ra là 6 triệu đồng. Những người này cá cược trên một xới gà trong một thời gian, địa điểm, do đó xác định số tiền dùng để đánh bạc là (4 + 6 = 10 Triệu đồng) đủ điều kiện cấu thành tội phạm Đánh bạc. A phạm tội Đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức, lỗi cố ý gián tiếp.

Quan điểm 4:

+ D,E phải chịu TNHS về tội đánh bạc, còn lại A, B, C không phạm tội đánh bạc; vì B và C dùng 2 triệu đồng để các cược đánh bạc, như vậy B và C phải bỏ ra mỗi người 2 triệu đồng. Số tiền đánh bạc của B và C là  4 triệu đồng không đủ số tiền để cấu thành cơ bản tội Đánh bạc;

+ D và E dùng 3 triệu đồng để các cược đá gà, như vậy cả 2 người này bỏ ra là 6 triệu đồng dùng vào việc đánh bạc. Việc đánh bạc giữa B với C, giữa D với E không có sự bàn bạc với nhau, tham gia độc lập về hành vi cá cược của mỗi bên, nên chỉ D và E phải chịu TNHS về tội đánh bạc.

 + A không phạm tội Đánh bạc với D và E, vì A chỉ xây xới gà chơi vì đam mê với nhiều người, không thu tiền phí, không biết việc có cá cược từ đá gà, nên A không phải chịu TNHS.

Như vậy, tuy cùng một nội dung sự việc cá cược từ đá gà, nhưng có nhiều quan điểm khác nhau về số tiền dùng vào việc đánh bạc, diện phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Về việc tịch thu tiền là tang vật, phương tiện dùng vào việc đánh bạc trong vụ án hình sự.

Ví dụ 2: Năm 2022, CQĐT phát hiện một nhóm người đánh bạc trên mạng internet, trong đó đối tượng A có hơn 100 lần đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên bằng hình thức cá độ bóng đá. Sau khi bị khởi tố, quá trình điều tra xác định được tổng số tiền A phải chịu TNHS về tội đánh bạc là 18 tỷ 400 triệu đồng.  

          Quá trình đánh bạc, A dùng số tiền thực có của mình 150 triệu đồng đánh bạc. A nhiều lần đánh bạc, nhưng những lần đánh không thua (Hòa) thì được nhà cái hoàn tiền. Số tiền này A tiếp tục dùng đánh bạc và đến thời điểm bị phát hiện A thắng bạc 400 triệu đồng.

          Việc xử lý số tiền đánh bạc, hiện tại căn cứ vào các quy định của pháp luật sau đây:

Một là: Căn cứ điều 47 BLHS về Biện pháp tư pháp, việc Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau:

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Hai là: Căn cứ điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, việc xử lý vật chứng như sau:

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

          Căn cứ các quy đinh trên đây, việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

          Các quy định trên đây đã cơ bản giúp cho các cơ quan tố tụng có căn cứ khi áp dụng biện pháp tư pháp, để xử lý vật chứng nói chung, tội phạm Đánh bạc nói riêng. Việc áp dụng biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng trong thực tiễn tội Đánh bạc, hiện đang còn có nhiều cách xử lý khác nhau, nhưng đều đang được chấp nhận, ít nhiều gây ảnh hưởng có lợi hoặc bất lợi đối với người phạm tội và khó khăn cho hoạt động thi hành án hình sự về sau.

          Quay trở lại với ví dụ 2 trên đây, thực tiễn cho thấy hiện nay có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau:

Quan điểm 1:  Bị cáo A sử dụng 18 tỷ 400 trăm triệu đồng vào việc đánh bạc, trong đó có thu lợi bất chính 400 triệu đồng, do đó cần quyết định truy thu bị cáo A số tiền dùng vào việc đánh bạc, cộng với tiền thu lợi bất chính là 18 tỷ 400 triệu đồng.

Quan điểm 2:  bị cáo A nhiều lần đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên mạng viễn thông. Số tiền A phải chịu trách nhiệm hình sự là 18 tỷ 400 trăm triệu đồng (gồm số tiền đánh bạc 18 tỷ đồng, số tiền thắng bạc bị cáo thu lợi bất chính là 400 triệu đồng). Bị cáo sử dụng số tiền 150 triệu đồng làm phương tiện đánh bạc, do đó đã truy thu số tiền bị cáo dùng để đánh bạc 150 triệu đồng, 400 triệu đồng tiền thu lợi bất chính. Tổng cộng truy thu từ bị cáo A 550 triệu đồng.

          Các quan điểm trên đây có điểm chung chưa có sự phân biệt rõ ràng về số tiền số tiền đánh bạc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, với việc số tiền thực tế bị cáo sử dụng làm phương tiện vào việc đánh bạc, nên dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Nếu xác định số tiền đánh bạc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, thì số tiền đó là 18 tỷ 400 triệu đồng. Nếu xác định số tiền bị cáo dùng làm phương tiện đánh bạc thì đó là số tiền 150 triệu đồng. Số tiền thu lợi bất chính được xác định là 400 triệu đồng.

          Nếu như quan điểm 1 trên đây, việc thi hành Bản án, truy thu dựa trên số tiền A chịu Trách nhiệm hình sự là 18 tỷ 400 triệu đồng trên thực tế không khả thi, không thi hành được, gây bất lợi cho người phạm tội và thiếu nghiêm minh khi tổ chức thi hành bản án của Tòa án.

          Từ thực tiễn trên đây qua 2 ví dụ và quan điểm về việc giải quyết, dưới góc độ áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, chúng tôi thấy rằng có vướng mắc, nhưng việc chọn quan điểm nào để giải quyết, bảo đảm đúng pháp luật, bảo đảm tính có căn cứ là điều không dễ dàng. Dưới góc độ nhà nước, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự được ban hành từ năm 2015, tính đến nay thời gian cũng đã rất dài, nhưng không có hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, rất khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Nên chăng các cơ quan có thẩm quyền sớm hướng dẫn để bảo đảm cho việc thống nhất về nhận thức, đưa pháp luật đã ban hành đi vào thực tế cuộc sống.

 

                                                                            Nguyễn Duy Việt - Phòng 7

                                                                     Viện KSND tỉnh Nghệ An

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1