image banner
Một số kinh nghiệm soạn thảo Bản yêu cầu điều tra và phối hợp với Điều tra viên để thực hiện Bản yêu cầu điều tra tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương

Yêu cầu điều tra là một trong những nội dung quan trọng trong công tác thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3, khoản 7 Điều 14 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và khoản 6 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự thì một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm và người phạm tội. Bản yêu cầu điều tra cần phải thể hiện rõ nét quan điểm của Kiểm sát viên về những vấn đề cần điều tra để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án chính xác, triệt để. Kết quả thực hiện Bản yêu cầu điều tra cũng là biện pháp để đảm bảo cơ sở cho các hoạt động thực hành quyền công tố khác. Mặt khác, yêu cầu điều tra thể hiện rõ nét nội dung “gắn công tố với hoạt động điều tra”, nếu bản yêu cầu điều tra chính xác, kịp thời sẽ góp phần cùng cơ quan điều tra đưa các hoạt động điều tra đúng trọng tâm, hạn chế thấp nhất việc oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Ngược lại, nếu yêu cầu điều tra không đúng, không đầy đủ, không kịp thời sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra hoặc làm cho việc giải quyết vụ án không chính xác, kéo dài thời gian giải quyết vụ án - không đúng với tinh thần của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị.

Thực trạng và nguyên nhân

Thực tiễn, trong thời qua chất lượng của các bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương ngày càng được nâng cao, đã định hướng cho Điều tra viên trong việc thu thập, củng cố chứng cứ, hoàn thiện thủ tục tố tụng của vụ án, bảo đảm cho việc điều tra các vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bản yêu cầu điều tra còn sơ sài, không thuyết phục mang tính hình thức, để đối phó khi lãnh đạo hoặc cấp trên kiểm tra hồ sơ hoặc sau khi ban hành yêu cầu điều tra thì Kiểm sát viên không bám sát quá trình điều tra nên khi Điều tra viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu điều tra thì Kiểm sát viên không biết để yêu cầu hoặc báo cáo lãnh đạo có hướng giải quyết.

Nguyên nhân của những thực tế trên thường xuất phát từ 3 lý do sau đây:

Do trình độ, năng lực của một số Kiểm sát viên còn hạn chế. Ở Viện kiểm sát huyện Thanh Chương, đa số là Kiểm sát viên tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự ít dẫn đến trong quá trình thao tác còn bị động, lúng túng;

Do tinh thần trách nhiệm của một số Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự còn ngại những vụ án khó, ngại nghiên cứu, làm qua loa hoặc nể nang, né tránh ngại va chạm cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng các bản yêu cầu điều tra chưa cao;

Một số Kiểm sát viên chưa xác định đúng đắn tầm quan trọng của yêu cầu điều tra, dẫn đẫn khi ban hành bản yêu cầu điều tra chỉ mang tính hình thức.

Kinh nghiệm trong việc ban hành yêu cầu điều tra có chất lượng

Để có một văn bản yêu cầu điều tra có chất lượng, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trên cơ sở những chứng cứ tài liệu đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, cần định hướng đúng và phải suy luận có căn cứ, không suy đoán hoặc suy diễn một cách tùy tiện. Xuất phát từ kinh nghiệm cho thấy, khi soạn thảo yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần tập trung vào hai vấn đề chính đó là thủ tục tố tụng thu thập chứng cứ.

Về thủ tục tố tụng, bản yêu cầu điều tra đặt ra việc thu thập chứng cứ phải đảm bảo đúng trình tự thủ tục tố tụng là bắt buộc để đảm bảo giá trị pháp lý, giá trị chứng minh trong vụ án hình sự. Do vậy, Kiểm sát viên cần phải lưu ý khi kiểm tra tài liệu chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập được, nếu phát hiện thì trao đổi và kiên quyết yêu cầu bổ sung theo đúng quy định.

Về việc thu thập chứng cứ, Kiểm sát viên cần chú ý đến những vấn đề chưa được chứng minh và những vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án.

Đối với những vấn đề mới chưa được chứng minh: Kiểm sát viên cần tổng hợp, phân tích và đối chiếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xem các tài liệu chứng cứ đó có liên quan với nhau không, những tài liệu, nội dung nào còn mâu thuẫn với nhau, những nội dung nào chưa rõ để yêu cầu Cơ quan áp dụng các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ như: Khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, giám định lại, yêu cầu lấy lời khai người tham gia tố tụng, hỏi cung bị can... để giải quyết một cách triệt để những vấn đề mới cần phải chứng minh.

Đối với những vấn đề còn mâu thuẫn: Sau khi phát hiện mâu thuẫn, Kiểm sát viên cần nêu rõ các tình tiết có mâu thuẫn, ở các tài liệu, chứng cứ nào; đánh giá được những nguyên nhân gây mâu thuẫn các tài liệu chứng cứ từ đó yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra làm rõ.

Kỹ năng soạn thảo yêu cầu điều tra

Yêu cầu điều tra phải làm rõ được có hành vi phạm tội hay không, ai là người thực hiện, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội…

Để đảm bảo những nội dung trên trong bản yêu cầu điều tra, kinh nghiệm cho thấy cần thực hiện tuân thủ các bước sau đây:

- Bước 1: Nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nắm chắc các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để áp dụng giải quyết các vấn đề cần chứng minh trong vụ án;

- Bước 2: Đặt các giả thuyết để hình dung toàn bộ diễn biến của vụ án, rồi đặt ra các câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề cần chứng minh trong vụ án (đánh giá chứng cứ để xác định về câu hỏi đó có thể trả lời được không/ có đủ căn cứ không? Nếu không thì phải làm gì để có câu hỏi chính xác...);

- Bước 3: Xem xét kỹ những nội dung nào về thủ tục tố tụng chưa thực hiện hay đã thực hiện nhưng chưa đúng với quy định của Bộ luật tố Tụng hình sự thì yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện hoặc bổ sung.

- Bước 4: Soạn thảo yêu cầu điều tra đảm bảo đúng hình thức (mẫu số 83/HS ban hành kèm theo QĐ số 15 ngày 09/01/2018 của Viện KSND Tối cao), nội dung đã định sẵn ở các bước 1, 2, 3 và thông qua lãnh đạo phụ trách trước khi ban hành

Kinh nghiệm trong việc phối hợp với Điều tra viên để thực hiện Bản yêu cầu điều tra

Việc đề ra bản yêu cầu điều tra chất lượng mới chỉ là nền móng cho công tác điều tra được thực hiện. Việc làm tốt công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên chính là khâu then chốt có tính quyết định nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Sau khi soạn thảo bản yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên ký ban hành thì ngoài việc gửi cho Điều tra viên để thực hiện thì cần gửi 01 bản cho Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra để biết, theo dõi và chỉ đạo.

Kiểm sát viên cần phải thường xuyên theo dõi, bám sát tiến độ điều tra bảo đảm cho các yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên được thực hiện đầy đủ. Để việc thực hiện yêu cầu điều tra được hiệu quả, Kiểm sát viên cần trao đổi, giải thích với Điều tra viên về những nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên chưa rõ trong quá trình thực hiện.

Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ những tài liệu, chứng cứ do Điều tra viên mới thu thập, chuyển đến để phát hiện những mâu thuẫn mới và những nội dung chưa được làm rõ hoặc còn thiếu chưa được thu thập, để tiếp tục trao đổi với Điều tra viên trong việc thực hiện yêu cầu điều tra hoặc ban hành thêm một bản yêu cầu điều tra. Quá trình trao đổi, Kiểm sát viên và Điều tra viên cần phải làm rõ được những nội dung nào của cầu yêu cầu điều tra đã thực hiện, những nội dung nào không thực hiện được, lý do của việc không thực hiện để có biện pháp xử lý, đồng thời cần báo cáo lãnh đạo hai ngành cho ý chỉ đạo./.

Nguyễn Thị Phương Thùy - VKSND huyện Thanh Chương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 579
  • Trong tuần: 6 884
  • Tất cả: 331417