image banner
Trao đổi khó khăn, vướng mắc khi tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân

Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính rất phổ biện tại tỉnh Nghệ An, chiếm phần lớn số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Từ năm 2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 và Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực cùng với các văn bản hướng dẫn ban hành kèm theo có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng, điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cho đến nay, những quy định mới đã phát huy được hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát việc quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân, nhận thấy vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong cách tính thời hiệu áp dụng đối với biện pháp này. Cụ thể như sau:

1. Quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Tại điểm d Khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “d) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này;”

Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.”

Đến năm 2020, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Theo đó, quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC năm 2012 vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 96 về đối tượng áp dụng Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung được quy định hoàn toàn mới như sau “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.”

Điều 32 Luật Phòng chống ma túy quy định:

Điều 32. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.”

2. Thực tiễn áp dụng và khó khăn, vướng mắc

Do quy định khoản 1 Điều 96 về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã sửa đổi cơ bản so với Luật XLVPHC năm 2012 nên dẫn đến thực tiễn áp dụng về cách tính thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa một số đơn vị TAND và Viện KSND trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có quan điểm khác nhau.

Ví dụ:

Ngày 09/01/2024, Nguyễn Văn A bị Công an xã phát hiện đang sử dụng ma túy. Trạm y tế xã NV, huyện NL tiến hành xét nghiệm nghiện và kết luận tại Phiếu kết quả xét nghiệm nghiện chất ma túy: Nguyễn Văn A đang nghiện ma túy dạng Heroin.

Ngày 16/01/2024, tại Biên bản số 01/BB-VPHC, Nguyễn Văn A bị UBND xã NV lập “Biên bản vi phạm về cai nghiện ma túy tự nguyện, quản lý sau cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” vì không đăng ký cai nghiện tự nguyện theo quy định. Ngày 22/3/2024, Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện NL đã có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân huyện NL xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với ông A theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy.

Ngày 17/4/2024, TAND huyện NL mở phiên họp và ban hành Quyết định số 09/2024/QĐ-TA áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với ông A.

- Quan điểm thứ nhất: Tòa án ban hành Quyết định số 09/2024/QĐ-TA ngày 17/2/2024 áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với ông A là sai vì thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với ông A đã hết. Vì theo quy định về thời hiệu tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tính kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 tức là ngày người đó sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định (Từ ngày 9/1/2024 đến ngày 17/04/2024 quá 3 tháng). Còn việc ông A không đăng ký cai nghiện tự nguyện và UBND xã NV lập Biên bản số 01/BB-VPHC vào ngày 16/01/2024 chỉ là căn cứ để xác định ông A thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 và Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021: “1. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện”.

- Quan điểm thứ hai: Thời hiệu xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với ông A tính từ ngày ông A bị UBND xã NV lập biên bản vi phạm hành chính vì không đăng ký cai nghiện - ngày 16/01/2024, vì đó chính là ngày đối tượng thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC, bởi lẽ khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC quy định “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”, vì vậy để xác định một người thực hiện hành vi vi phạm theo khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC thì phải tính từ ngày người đó bị UBND xã (phường, thị trấn) lập biên bản vi phạm hành chính. Do đó, thời hiệu áp dụng biện pháp XLHC đối với ông A tính từ ngày tiếp theo của ngày xác định 16/01/2024 tức là từ ngày 17/01/2024, tính đến ngày 17/4/2024 là vừa tròn 3 tháng. Tòa án nhân dân huyện NL ban hành Quy định số 09/2024/QĐ-TA ngày 17/2/2024 là đảm bảo quy định về thời hiệu.

          *) Qua nghiên cứu, tác giả có quan điểm đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi vì:

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC thì “Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này”. Khoản 1 Điều 96 Luật sửa đổi bổ sung Luật XLVPHC năm 2020 thay đổi hoàn toàn so với quy định cũ và được viện dẫn sang Điều 32 Luật Phòng chống ma túy.

Như vậy, có thể hiểu hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC là các hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy. Khi một người nghiện ma túy vi phạm một trong 4 trường hợp quy định tại Điều 32 thì sẽ lập Biên bản vi phạm về cai nghiện ma túy tự nguyện, quản lý sau cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo Mẫu số 27 Phụ lục II Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Thời điểm lập Biên bản vi phạm này chính là căn cứ xác định cá nhân đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc nên đây là ngày bắt đầu tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. (Với cách hiểu này thì đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy thì thời hiệu tính từ ngày người nghiện ma túy vi phạm quy định về điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện bị lập biên bản vi phạm theo mẫu số 27; đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy thì thời hiệu áp dụng tính từ ngày cá nhân sử dụng trái phép chất ma túy cuối cùng bị lập biên bản vi phạm theo mẫu số 27).

Nếu áp dụng cách tính thời hiệu là từ ngày người vi phạm thực hiện lần cuối hành vi vi phạm là ngày sử dụng trái phép chất ma túy thì khi áp dụng vào trường hợp người nghiện ma túy tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện thì nhiều trường hợp sẽ rất khó để còn thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. (Ví dụ: Ngày 09/01/2024, ông TA sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan chức năng phát hiện. Sau đó, ông A đã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, thời gian cai nghiện là sáu tháng. Tuy nhiên, ông A thực hiện cai nghiện tự nguyện được 3 tháng 15 ngày thì tự ý chấm dứt cai nghiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 116/2021 của Chính Phủ và bị lập Biên bản vi phạm về hành vi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện. Nếu trong trường hợp này áp dụng cách tính thời hiệu là lần thực hiện hành vi sử dụng ma túy cuối cùng của ông A là ngày 09/1/2024 thì không còn thời hiệu để đưa ông A vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).

Mặt khác, tại Điều 41 Nghị định 116/2021 ngày 21/12/2021 của Chính Phủ quy định thành phần hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ quy định gồm 01 bản tóm tắt lý lịch, 01 biên bản vi phạm một trong các hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký cai nghiện, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo Mẫu số 27 Phụ lục II Nghị định này; 01 bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền; 01 bản tường trình của người bị đề nghị và văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền mà không có thành phần là Biên bản vi phạm về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của đối tượng.

Như vậy, theo tác giả quy định tính thời hiệu tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm chỉ phù hợp quy định của khoản 1 Điều 96 của Luật XLVPHC năm 2012 chưa được sửa đổi, bổ sung mà không còn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2020.

3. Đề xuất

Mặc dù quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại điểm d, khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC năm 2012 không sửa đổi, bổ sung nhưng khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC lại sửa đổi cơ bản. Đến nay, Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân hưỡng dẫn về cách tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã không còn phù hợp; trong khi đó, thời hiệu áp dụng cho biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất ngắn (3 tháng) mà trình tự, thủ tục để xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC này đòi hỏi quy trình chặt chẽ. Do đó, đề xuất Viện KSND tối cao, TAND tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cách tính thời hiệu đối với trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được chính xác, hạn chế các Quyết định áp dụng BPXLHC của TAND bị hủy; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

                                                   Nguyễn Thị Tố Loan – Phòng 10

 

 

 

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1