Giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Thời
gian qua, tỉnh Nghệ An đề ra nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế,
xây dựng cơ sở hạ tầng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hình thành các khu công
nghiệp, du lịch; theo đó, người nước ngoài đến địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng
tăng với nhiều mục đích đa dạng như hoạt động ngoại giao, nhà đầu tư, hợp tác,
triển khai dự án quốc tế, phi chính phủ, lao động, công tác, du lịch, học tập,
hội nghị, hội thảo, phóng viên báo chí, thăm thân, khám chữa bệnh, nhập cảnh
trái phép. Người nước ngoài đến Nghệ An hoạt động, cư trú ở nhiều địa bàn khác
nhau. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động người nước
ngoài. Bên cạnh người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp, tình trạng người nước
ngoài nhập cảnh trái phép vào Nghệ An có chiều hướng tăng với nhiều phương thức
như lợi dụng tuyến biên giới tỉnh Nghệ An giáp Lào xâm nhập qua đường tiểu ngạch,
sử dụng hộ chiếu giả nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, lấy
danh nghĩa công ty môi giới, tư vấn du học dịch vụ du lịch đưa người nước ngoài
nhập cảnh thông qua “Tour” (du lịch), thăm thân để ở lại Việt Nam trái phép. Một
số cơ quan, tổ chức trên địa bàn tuyển dụng người nước ngoài làm việc, sau khi được
cấp phép lao động có thời hạn, nhưng khi hết thời hạn lao động các đối tượng làm
giả giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền để hợp lý hóa hồ sơ thủ tục
gia hạn cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép, một số trường hợp người
nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Từ năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An
đã phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 18 vụ án 36 bị can về các tội “Tổ chức cho
người khác nhập cảnh trái phép”, “Tổ chức
cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước
ngoài”, “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Trong đó, có 02 vụ 08 bị can phạm tội “Tổ
chức cho người khác nhập cảnh trái
phép”, 02 vụ 02 bị can về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”,
02 vụ 05 bị can về tội “Làm
giả tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Điển hình các vụ
án:
- Tháng 12/2020 Lê
Hoàng Minh Sinh (năm 1996) trú xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo,
tỉnh Tiền Giang lên mạng Internet tìm mẫu dấu của
Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Hưng Giang; Công ty Cổ phần Hoàng
Nguyên 668; Công ty TNHH Meaningful; Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Vinh sau
đó tải về, dùng phần mềm photoshop chỉnh sửa rồi dùng phần mềm Core laser và
máy khắc Laser 3020 để khắc ra con dấu. Minh nhận làm giả tài liệu của các công
ty này và các văn bản chứng thực của Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Vinh cho
Phạm Vũ Dạ Thảo (Sinh năm 1990) trú Phường
1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
để nhằm mục đích bảo lãnh cho 08 công dân quốc tịch Nigeria, Ghana nhập cảnh
vào Việt Nam hoặc gia hạn giấy phép ở lại Việt Nam. Sau khi có hồ sơ, Thảo nhờ
Trịnh Phan Giang (Sinh năm 1999) trú xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng
Yên kiểm tra, thuê người hoặc Thảo thuê
Lê Hoàng Minh, Ngô Văn Đại (sinh năm 1983) trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh
Lưu, tỉnh Nghệ An đóng giả người của các công ty trên
và Giang là người viết các thông tin của người được thuê vào các giấy giới
thiệu khống để những người này nộp hồ sơ tại Cục quản
lý xuất nhập cảnh Bộ công an. Ngô Văn Đại biết Lê Hoàng Minh là người làm giả
con dấu, tài liệu của các công ty trên. Ngoài ra, Minh còn tải nhiều mẫu hình
dấu, tài liệu trên mạng Internet về rồi dùng các công cụ, phương tiện để làm ra
nhiều con dấu, tài liệu giả khác với mục đích để tập khắc dấu và làm tài liệu
cho đẹp, giống con dấu thật; cũng như thông qua mạng Internet để đăng thông tin
và nhận làm giả giấy tờ, tài liệu cho người khác rồi gửi cho họ qua đường bưu
điện để hưởng lợi ích kinh tế.
- Vào khoảng 08h00’
ngày 16/3/2024, Cử Thò (sinh năm 1992) trú tại bản Thẩm Khướng, cụm bản Mường
Dương, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào gọi
điện thoại cho Xồng
Bá Tồng (sinh năm 1999) trú tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phòng, tỉnh
Nghệ An nhờ giúp làm hồ sơ (giấy tờ tùy
thân mang tên người Việt Nam) cho Po Chùa Thò (sinh năm 1999) và Tâu Và (sinh
năm 2004) đều trú tại Bản Thẩm Khướng, cụm bản Mường Dương, huyện Mường Quắn,
tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào để đi làm công ty cao su tại
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chi phí Po Chùa Thò, Tâu Và phải trả cho Xồng Bá Tồng
là 3.000.000 đồng. Khoảng 19 giờ 00 phút ngày 22/3/2024, Po Chùa Thò, Tâu Và
cùng hai người con (Mái Và Thò, Chênh Thò) từ Lào theo đường mòn khu vực biên
giới nhập cảnh trái phép vào bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong sau đó
được Tồng bố trí nơi ăn nghỉ tại nhà và đưa hồ sơ giả cho vợ chồng Po Chùa Thò
(chứng minh nhân dân của vợ chồng em trai Tồng là Xồng Bá Thái và Và Y Hua phô
tô công chứng). Đến khoảng 02 giờ 00 phút, ngày 23/3/2024, Tồng gọi thêm em
ruột là Xồng Bá Cử (sinh năm 2003) trú tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế
Phong sang nhà Tồng thống nhất chở vợ chồng Po Chùa Thò xuống ngã 3 bản Na
Niếng, xã Tri Lễ đón xe khách đi vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm công ty với chi phí chở từ
bản Huồi Mới đến bản Na Niếng, xã Tri Lễ là 400.000 đồng. Sau đó, Tồng sử dụng
xe máy biển số 37F1- 149.97 chở Tâu Và và con đẻ là Mái Và Thò, còn Xồng Bá Cử
dùng phương tiện xe máy biển số 83V1-008.07 chở Po Chùa Thò và con đẻ là Chênh
Thò di chuyển xuống Quốc lộ 16 để đón xe khách đi vào tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm
công ty. Riêng gia đình của Cử Thò cùng vợ là Rài Lỳ và các con là Cha Lỳ Thò,
Già Dìa Thò đã đến ở tại nhà Lỳ Nhìa Xồng (họ hàng với Rài Lỳ), trú tại bản
Huồi Mới cũng xuất phát để đón xe khách vào tỉnh Bà Rìa - Vũng Tàu để làm việc,
khi nhóm người đang di chuyển đến bản Na Niếng, xã Tri Lễ thì bị Tổ công tác tổ
Công tác Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp phòng PCMT&TP - Bộ đội Biên phòng
tỉnh Nghệ An, Công an huyện Quế Phong, Công an xã Tri Lễ phát hiện, bắt quả
tang.
- Tháng
10/2021, do có nhu cầu tuyển dụng giáo viên người
nước ngoài về giảng dạy tại Trường Mầm non tuổi thơ do bà Nguyễn Thị Thu Huyền
(sinh năm 1988) là Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Phát triển
giáo dục Tiến Phát (đóng tại huyện Quỳnh Lưu) làm chủ cơ sở thông qua cơ sở khác giới
thiệu bảo lãnh cho ông Raziq Abubakar (sinh năm 1992, quốc tịch Pakixtan)
nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian 01 tháng (từ 12/11/2022 đến
12/12/2022) để làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động làm việc tại công ty. Trong thời gian chờ làm thủ tục gia hạn visa cho ông Raziq
Abubakar, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đã nhờ Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1983) trú tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là Phó Giám đốc Công ty
TNHH Biên Liên có Trung tâm Anh ngữ hướng dẫn làm các thủ tục xin chấp thuận
cho việc sử dụng lao động người nước ngoài tại Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh
Nghệ An và nhận làm giúp thủ tục xin gia hạn visa cho ông Raziq
Abubakar tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Liên đã làm giả Giấy phép lao động của ông Raziq
Abubakar bằng cách sử dụng mẫu Giấy phép lao động của ông
Boakhatem Ahmed (trước đây từng làm việc tại công ty TNHH Biên Liên) để
scan và tải vào máy tính trong phần mềm Cavana rồi chỉnh sửa thông tin
trên nền Giấy phép cũ (gồm số Giấy phép, ảnh
và lý lịch cá nhân) sau đó in ra giấy màu và 01 bản photo, đưa ra UBND xã Quỳnh Bảng,
huyện Quỳnh Lưu chứng thực. Tuy nhiên, khi Liên gửi hồ sơ xin bảo
lãnh visa tại Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thì bị phát hiện.
Việc người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép trên địa
bàn tỉnh Nghệ An, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam đã gây ảnh
hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tiềm ẩn nhiều
nguy cơ rủi ro cho người lao động, xâm hại đến công tác quản lý nhà nước trên
lĩnh vực xuất nhập cảnh, tuyển dụng lao động làm việc. Thực tiễn trên cho thấy
công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập.
Công tác thu thập thông tin, tình hình về hoạt động của người nước ngoài trên địa
bàn tỉnh còn chưa được quan tâm đúng mức, việc ra soát thống kê lưu trú của người
nước ngoài còn chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác phối hợp nắm tình hình, quản lý
xuất, nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài giữa các lực lượng chức
năng chưa chặt chẽ, đồng bộ. Việc kiểm tra, xử lý hoạt động vi phạm của người
nước ngoài luôn chịu sự tác động của các yếu tố chính trị, đối ngoại không có
văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, một số trường hợp gây khó khăn trong xử lý
vi phạm.
Để
tăng cường quản lý nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và lao động
trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới
các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thực hiện đồng bộ các giải
pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác quản lý,
kiểm tra, xử phạt đối với các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép,
cư trú không khai báo và những hành vi vi phạm pháp luật về cư trú; kiểm tra,
xử phạt đối với các chủ cơ sở có người nước ngoài cư trú, cá nhân, tổ chức bảo
lãnh hoặc làm các thủ tục cho người nước ngoài không thực hiện đúng các quy
định pháp luật về khai báo nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài. Kiên quyết
điều tra, xử lý hình sự đối với các đối tượng là người nước ngoài có hành vi vi
phạm pháp luật hình sự.
Thứ hai: Tăng
cường tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới; phối hợp các lực lượng chức năng đấu
tranh, xử lý nghiêm những đối tượng, đường dây tổ chức đưa người qua biên giới
trái phép; phối hợp chính quyền địa phương ở khu vực biên giới quản lý tốt dân
cư, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho
nhân dân về lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Thứ ba: Tăng cường công
tác kiểm tra, rà soát các công ty, doanh nghiệp, trung tâm làm công tác tuyển dụng,
môi giới, xuất khẩu lao động, tư vấn du học, các Trung tâm đào tạo ngoại ngữ đảm
bảo đúng quy định của Nhà nước, phối hợp cơ quan chức năng xử phạt những đơn vị
không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong
công tác xuất khẩu lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân trên địa
bàn.
Thứ tư: Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động cấp
giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp,
tổ chức trên địa bàn. Đặc biệt việc cấp,
cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước
ngoài dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài về đối tượng,
số lượng được cấp giấy phép lao động tránh trường hợp người nước ngoài không được
cấp phép hoặc sử dụng giấy phép lao động giả trà trộn, làm việc tại các trung
tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại
chúng về chính sách, các quy định của pháp luật có liên quan đến
người nước ngoài nhập cảnh để nâng
cao ý thức cảnh giác với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức nước
ngoài và kịp thời thông tin tố giác tội phạm cho các cơ quan nhà nước nơi gần
nhất
Thứ
sáu: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh làm tốt chức năng thực hành quyền
công tố kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội
liên quan đến xuất, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép. Thường xuyên phối hợp
với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác đấu tranh phát hiện
xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến người
nước ngoài, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý đối với người nước
ngoài trên địa bàn tỉnh để kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm./.
|
Bùi Thị Thảo
Phòng 1, Viện KSND tỉnh Nghệ An
|
|