image banner
Thực trạng triển khai quy định thông tư 01/2021 về nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động thụ lý, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã

          

Khoản 3 Điều 146 BLTTHS quy định: “Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Triển khai thực hiện quy định nêu trên, theo Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01 năm 2021), đối với những trường hợp quy định, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an có quyền:

a) ... lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng hoặc những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm ...;

b) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm...”.

Theo quy định tại Điều 4, Điều 34, Điều 35 BLTTHS thì Công an cấp xã không phải là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó, Viện kiểm sát không thể kiểm sát trực tiếp hoạt động tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu tố giác tội phạm của Công an cấp xã. Chính vì vậy, Điều 1 Thông tư liên tịch số 01 năm 2021 quy định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an”, đây là những cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 01 năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn đối với công an cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong việc tiếp nhận, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm. Phương pháp thực hiện như sau:

          Bước 1: Viện kiểm sát chủ động gửi công văn, đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên  thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01 năm 2021 về hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận, xác minh ban đầu tin báo tố giác tội phạm.

Bước 2: Sau khi nhận được Công văn của Viện kiểm sát, lãnh đạo 2 ngành hội ý thống nhất chủ trương, biện pháp, cách làm, thời gian để bộ phận tham mưu triển khai thực hiện.

          Bước 3: Trên cơ sở kết quả hội ý lãnh đạo 2 ngành, Cơ quan Công an huyện Hưng Nguyên đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn công tác chấp hành pháp luật năm 2024 của Công an cấp xã trên địa bàn. Trong kế hoạch này có nhiều nội dung, trong đó có kiểm tra về công tác tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm và phối hợp với Viện kiểm sát để thực hiện công tác kiểm tra này, thành phần tham gia có Viện kiểm sát.

Bước 4: Viện kiểm sát đã có công văn về việc phân công Kiểm sát viên tham gia các tổ kiểm tra theo kế hoạch gửi Cơ quan điều tra.

Bước 5: Cơ quan CSĐT Công an huyện cử 03 tổ kiểm tra, hướng dẫn Công an cấp xã, mỗi tổ Viện kiểm sát cử 01 Kiểm sát viên tham gia.

Bước 6: Các tổ tiến hành kiểm tra hồ sơ, sổ sách, tài liệu tại Công an các xã và tọa đàm.

Bước 7: Cơ quan CSĐT Công an huyện trên cơ sở kết quả kiểm tra, tọa đàm ban hành kết luận chung đối với tất cả các xã, trong đó có nội dung kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, xác minh ban đầu tố giác, tin báo tội phạm tại Công an cấp xã.

Trên cơ sở cách làm như trên, đến ngày 20/4/2024, VKS đã cử KSV hoàn thành việc phối hợp kiểm tra, hướng dẫn tại 18/18 xã trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Quá trình hướng dẫn, kiểm tra nhận thấy, nhìn chung Công an cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện cơ bản đã thực hiện tốt quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017; Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 như: Triển khai đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị; Khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đã tổ chức lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai, xác minh nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những  người có liên quan, phân loại và chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bên cạnh đó, tại công an các xã, thị trấn còn để xảy ra một số tồn tại như: hệ thống sổ sách chưa được lập, ghi chép đầy đủ theo biểu mẫu quy định; một số tin báo chuyển cho cơ quan điều tra Công an huyện nhưng không được phản ánh vào sổ theo dõi, tiếp nhận, phân loại nguồn tin về tội phạm; Hồ sơ tin báo chuyển đi không được lưu trữ đầy đủ các tài liệu mà công an xã lập trong giai đoạn xác minh sơ bộ ban đầu như lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lời khai người bị tố giác, người bị hại... và không lưu trữ phiếu chuyển tin báo tố giác tội phạm, thông báo về việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm...

Về một số vướng mắc, bất cập

Qua thực tiễn thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 01 năm 2021, đơn vị thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, chưa có quy trình, hướng dẫn, cách làm thống nhất triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01 năm 2021 mà tùy thuộc vào quan hệ giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra.

Thứ hai, do cơ quan điều tra là đơn vị chủ trì, Viện kiểm sát phối hợp nên Viện kiểm sát phụ thuộc về thời gian, cách làm, nội dung kết luận.

Thứ ba, Viện kiểm sát cũng như đoàn kiểm tra không được tiếp cận các hồ sơ xử phạt hành chính nên không có căn cứ để đánh giá việc phân loại đã chính xác chưa, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm không. Thực tế thì khả năng bỏ lọt tội phạm có thể xảy ra nhiều trong các lĩnh vực như: xâm phạm sở hữu không định giá; đánh bạc, xâm phạm sở hữu không xác minh nhân thân... Để phát hiện thiếu sót, bỏ lọt tội phạm phải tiếp cận được hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính nhưng Viện kiểm sát không có thẩm quyền yêu cầu trình hồ sơ dạng này để kiểm tra. Các vụ việc Viện kiểm sát phát hiện và yêu cầu thụ lý là một số vụ việc có đơn thư, khiếu kiện...

          Thứ tư, Về nội dung, Cơ quan điều tra không ban hành quyết định, kế hoạch riêng cho mảng công tác này mà ban hành trong Kế hoạch kiểm tra công tác chấp hành pháp luật của Công an cấp xã, nên chưa có độ chuyên sâu cao.

Thứ năm, Tài liệu đoàn kiểm tra tiếp cận rất ít, vì những hồ sơ thụ lý tin báo chủ yếu đã chuyển Cơ quan CSĐT Công an huyện, chủ yếu là kiểm tra sổ sách và các loại biên bản kèm theo.

          Thứ sáu, hiện nay chưa quy định việc Công an cấp xã sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm phải gửi thông báo cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc thụ lý nguồn tin về tội phạm; Viện kiểm sát không thể nắm và kiểm sát được đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu của Công an xã. Thực tế cho thấy, một số Công an cấp xã tiếp nhận nhưng xử lý hồ sơ ban đầu như ghi lời khai, vẽ sơ đồ, thu thập chứng cứ... không đầy đủ, không khách quan, phân loại không đúng, không chuyển hoặc chậm làm thủ tục chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, dẫn đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ gặp khó khăn, vướng mắc, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

           Thứ bảy, với quy định như hiện nay, nếu Công an cấp huyện không ban hành kết luận hoặc Viện kiểm sát không đồng ý với nội dung kết luận thì Viện kiểm sát có tự mình ban hành kết luận được không? Trong kết luận có kiến nghị không (nếu có vi phạm), kiến nghị cơ quan nào?

          Thứ tám, sau cuộc kiểm tra, nếu Công an cấp xã, thị trấn có vi phạm trong việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo thì Viện kiểm sát có thực hiện quyền kiến nghị đối với Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện với vai trò chỉ đạo điều hành hay kiến nghị trực tiếp tới Công an cấp xã?

          Kiến nghị, đề xuất:

Từ những khó khăn, vướng mắc như trên, chúng tôi đề xuất liên ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, hướng dẫn về quy trình, nội dung phối hợp, kiểm tra việc thực hiện hoạt động tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã;

Thứ hai, hướng dẫn thủ tục, nội dung, thẩm quyền ban hành kết luận đối với việc thụ lý, xác minh tin báo, tố giác tội phạm ban đầu Công an cấp xã để thống nhất thực hiện; hướng xử lý của Viện kiểm sát đối với trường hợp sau kiểm tra Cơ quan CSĐT không ban hành kết luận, hoặc Viện kiểm sát không đồng ý với nội dung kết luận của Cơ quan CSĐT.

Thứ ba, bổ sung quy định: Công an xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm phải gửi thông báo cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin.

Thứ tư, về lâu dài, cần sửa đổi quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021. Vì “hướng dẫn, kiểm tra” là nhiệm vụ của cấp trên, ngành dọc, còn chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát hoạt động đó. Do đó, cần tổng hợp và kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 theo hướng: Viện kiểm sát có quyền kiểm sát thường xuyên và kiểm sát trực tiếp hoạt động tiếp nhận, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác tội phạm của Công an cấp xã, trên cơ sở đó có quyền chủ động ban hành kết luận, kiến nghị, kháng nghị qua công tác kiểm sát. Kèm theo đó là sửa đổi Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Điều 35 BLTTHS, coi Công an cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

                                          Nguyễn Thị Quỳnh Nga VKSND huyện Hưng Nguyên

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1