image banner
Trao đổi nghiệp vụ về việc áp dụng tình tiết “Phạm tội chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Việc hiểu và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự trên thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Ví dụ: Khoảng 19 giờ ngày 15/8/2020, Lê Văn T đi đến tầng 2 khu nhà máy biến áp của thủy điện để trộm cắp tài sản. T phát hiện có 10 tấm bảng mã kim loại (là một chi tiết máy biến áp mới chưa sử dụng - để cạnh máy biến áp) T lén lút lấy 6 tấm đi ra khỏi vị trí ban đầu được 5m, sau đó T quay lại lấy thêm 4 tấm bảng kim loại nữa, khi vừa cầm 4 tấm bảng mã trên tay thì bị bảo vệ nhà máy phát hiện. T bỏ lại 10 tấm bảng mã và bỏ trốn sau đó đến công an xã đầu thú. Kết luận định giá tài sản 10 tấm bảng mã có trị giá 4.000.000 đồng. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Viện kiểm sát đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can.

Thực tiễn có hai quan điểm về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với Lê Văn T, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Lê Văn T được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, bởi vì: Theo công văn số 994 /VKSTC -V3 ngày 09/4/2012 của Viện kiểm sát tối cao gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại”.  Hành vi trên của Lê Văn T đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”  quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự. Lê Văn T chưa chiếm đoạt được tài sản nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật hình sự. Vì vậy, hành vi của Lê Văn T chưa gây thiệt hại và được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ hai: Lê Văn T không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, bởi vì: Theo điểm 6.2.1.7  của “Sổ tay thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2009” hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủa quan của người phạm tội” có nghĩa là đã xác định là thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt thì không được coi là chưa gây thiệt hại. Hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nên thiệt hại chưa xảy ra là tình tiết định tội “ Phạm tội chưa đạt” và  khi quyết định hình phạt theo khoản 3 Điều 51 Bộ luật hình sự “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với tội phạm hoàn thành quy định khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự “ Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật quy định”. Nếu tiếp tục được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h “ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” thì không có tính răn đe giáo dục phòng ngừa chung trong khi các đối tượng phạm tội với lỗi cố ý và việc chưa gây ra thiệt hại là ngoài ý muốn của đối tượng.

Quan điểm của tác giả là đồng ý với quan điểm thứ 2 là Lê Văn T không được hưởng tình tiết “ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”. Thực tiễn có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Hiện tại chưa có văn bản của liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn thống nhất tình tiết này. Đây làm một tình huống thường xảy ra trong quá trình kiểm sát, mong bạn đọc trao đổi thảo luận để áp dụng.

Hoàng Thị Bình

Viện KSND huyện Quỳ Hợp

 

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1