image banner
Nhận diện một số dạng vi phạm dẫn đến bản án, quyết định dân sự bị kháng nghị, hủy, sửa lớn

Phát hiện vi phạm là một trong những kỹ năng cần thiết, quan trọng của cán bộ, Kiểm sát viên (KSV) khi thực hiện công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự của Tòa án. Thực hiện tốt kỹ năng nhận diện, phát hiện vi phạm là tiền đề, cơ sở để thực hiện tốt quyền năng yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát. Trong thời gian qua, công tác phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Nghệ An đã có một số chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự đồng đều giữa VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện và giữa các đơn vị VKSND cấp huyện với nhau. Thực tiễn công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm cho thấy vẫn còn nhiều vi phạm nghiêm trọng của Tòa án dẫn đến hủy án, sửa lớn nhưng không được cấp sơ thẩm phát hiện kịp thời để ban hành kháng nghị. Xuất phát từ những lý do nêu trên, chúng tôi nghiên cứu nội dung"Nhận diện một số dạng vi phạm dẫn đến bản án, quyết định bị kháng nghị, hủy, sửa lớn" nhằm góp phần nâng cao kỹ năng nhận diện những vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến sửa lớn hoặc hủy án của cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Nghệ An.

Năm 2023, Tòa án hai cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý 8.957 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, đã giải quyết 6.816 vụ, việc. Năm 2023, VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An đã kháng nghị phúc thẩm 25 vụ (Phòng 9: 20 vụ, VKSND huyện Yên Thành 02 vụ, VKSND huyện Thanh Chương, VKSND huyện Quỳnh Lưu, VKSND huyện Nghi Lộc mỗi đơn vị 01 vụ). Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp có 23 vụ án bị Tòa án cấp trên tuyên hủy, trong đó 05 vụ được xác định là có lỗi của Kiểm sát viên (Thông báo số 2459/TB-VKS ngày 13/12/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An về kết quả thực hiện khâu công tác đột phá kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2023).

Anh-tin-bai
 

Trên cơ sở các bản án, quyết định bị Tòa án tuyên hủy, sửa lớn; chúng tôi nhận diện một số dạng vi phạm dẫn đến bản án, quyết định bị kháng nghị, hủy, sửa lớn như sau:

Thứ nhất, vi phạm trong việc triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng

Khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: “Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Theo quy định đã viện dẫn trên thì quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải triệu tập đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của vụ án tham gia tố tụng, nếu bỏ sót người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vi phạm này xảy ra khá nhiều trong các vụ án dân sự, đặc biệt là trong các vụ án chia di sản thừa kế nhưng Tòa án chỉ chú trọng triệu tập con của người để lại di sản, không làm rõ cha, mẹ của người để lại di sản đã chết hay chưa, chết trước hay chết sau người để lại di sản; Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất là đối tượng tranh chấp trong vụ án có được thế chấp tại tổ chức tín dụng nào không; chủ sở hữu tài sản trên đất tranh chấp gồm những ai; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến thửa đất tranh chấp đứng tên 02 vợ chồng trong đó có 01 người đã chết nhưng Tòa án không triệu tập người thừa kế hàng thứ nhất của người đã chết tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thửa đất tranh chấp đã được chuyển nhượng cho người thứ ba nhưng không triệu tập người này tham gia tố tụng...

Thứ hai, vi phạm trong việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án phải tiến hành thủ tục thụ lý yêu cầu của đương sự. Trong trường hợp Tòa án không thụ lý yêu cầu của đương sự thì KSV phải yêu cầu Tòa án thụ lý.

Liên quan đến nội dung này, VKSND tỉnh Nghệ An đã kiểm sát việc giải quyết vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế và hủy quyết định cá biệt” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Linh và bị đơn ông Nguyễn Ngọc Tuệ. Quá trình giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cho rằng di sản thừa kế cha mẹ để lại còn có những thửa đất khác do các người con còn lại đang quản lý và yêu cầu Tòa án phân chia tất cả những thửa đất cha mẹ để lại nhưng Tòa án không thụ lý yêu cầu của đương sự mặc dù KSV đã yêu cầu Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý. Do đó, sau khi tham gia phiên tòa VKSND tỉnh Nghệ An đã báo cáo kháng nghị và VKSND cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị vụ án với vi phạm nêu trên. Đến thời điểm hiện tại, TAND cấp cao đã xét xử phúc thẩm vụ án này và đã quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại Hà Nội hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Nghệ An giải quyết lại theo thủ tục chung.

Thứ ba, vi phạm trong việc xác định người có quyền khởi kiện

Tham khảo tinh thần quy định tại điểm b, tiểu mục 2.4, mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì "Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản".

Theo quy định viện dẫn trên thì trong các vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản, kiện đòi lại tài sản do một trong các đồng thừa kế đứng đơn khởi kiện mặc dù di sản thừa kế chưa được phân chia thì cần xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện vì họ là một trong những người được thừa kế di sản người chết để lại. Liên quan đến nội dung này, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do tài sản đang tranh chấp không thuộc quyền sử dụng của người khởi kiện hoặc người bị kiện mà là thuộc di sản thừa kế chưa chia cho ai nên nguyên đơn không có quyền khởi kiện. Quá trình kiểm sát quyết định do VKSND huyện Quỳ Châu chuyển đến, VKSND tỉnh Nghệ An đã phát hiện quyết định trên có vi phạm và ban hành kháng nghị. TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên họp xét kháng nghị và đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An, quyết định hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên để tiếp tục giải quyết vụ án.

Thứ tư, vi phạm trong việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLTTDS năm 2015 thì “Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý”.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp “vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, nếu Tòa án đã thụ lý thì phải đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án, cán bộ, KSV cần nắm rõ nội hàm của các quy định đã viện dẫn nêu trên để phân biệt trường hợp nào Tòa án phải chuyển thẩm quyền và trường hợp nào phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Theo đó, Tòa án phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại mục 1 chương III BLTTDS năm 2015 nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án đã thụ lý mà thuộc thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án khác. Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại mục 1 chương III BLTTDS mà thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống cơ quan khác (ví dụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân) thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Liên quan đến nội dung vi phạm này, VKSND tỉnh Nghệ An đã hướng dẫn VKSND huyện Yên Thành kháng nghị quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND huyện Yên Thành và TAND tỉnh Nghệ An đã chấp nhận kháng nghị, hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên. Trong vụ án này, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả nợ tiền vay nên được xác định là vụ án “Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015, tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thể hiện bị đơn đã chuyển khẩu đến địa phương khác trước khi nguyên đơn khởi kiện nhưng TAND huyện Yên Thành không ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nơi bị đơn đang cư trú giải quyết mà lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Yên Thành là không chính xác, vi phạm quy định như đã viện dẫn.

Thứ năm, vi phạm trong việc giải quyết lối đi

Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

Do đó, khi giải quyết các vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất, chia tài sản chung, chia di sản thừa kế” là quyền sử dụng đất, KSV cần nghiên cứu kỹ sơ đồ hiện trạng thửa đất để xác định diện tích đất mới được chia cho đương sự có lối đi ra đường công cộng hay không. Trong trường hợp có thửa đất không có lối đi thì phải mở lối đi để đảm bảo tính khả thi khi thi hành án và buộc bên được mở lối đi phải đền bù giá trị diện tích đất mở lối đi cho bên mở lối đi, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc mở lối đi trong vụ án phân chia di sản thừa kế, chia tài sản chung thì không phải đền bù.

Liên quan đến nội dung này, VKSND tỉnh Nghệ An đã kiểm sát giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thành và bị đơn bà Bùi Thị Liên của TAND tỉnh Nghệ An. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn không yêu cầu giải quyết lối đi, yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả lại diện tích đất lối đi cho nguyên đơn, bị đơn không yêu cầu giải quyết lối đi mà chỉ chấp nhận lối đi hiện tại, không đồng ý mở lối đi ở vị trí khác. Tòa án cho rằng đương sự không yêu cầu Tòa án mở lối đi nên không giải quyết và tuyên buộc bị đơn phải trả lại diện tích đất lối đi cho nguyên đơn trong khi đây là lối đi duy nhất ra đường công cộng của bị đơn. Sau khi TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm, VKSND tỉnh Nghệ An đã kháng nghị và TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Thứ sáu, vi phạm trong việc xác định giá trị tối đa của tài sản bảo đảm trong các hợp đồng thế chấp

Thông thường, trong các hợp đồng thế chấp các bên không thỏa thuận xác định giá trị tối đa của nghĩa vụ được bảo đảm, trong trường hợp này, Tòa án có quyền tuyên trong trường hợp bên vay không trả được nợ thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý bán tài sản bảo đảm tiền vay để trả toàn bộ số tiền nợ. Nhưng trong một số trường hợp, các bên thỏa thuận tài sản thế chấp chỉ bảo đảm tối đa một khoản tiền vay nhất định thì khi tuyên án, Tòa án phải tuyên bên cho vay có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý bán tài sản bảo đảm tiền vay để trả khoản tiền nợ tối đa các bên đã thỏa thuận, không được tuyên xử lý tài sản bảo đảm để trả toàn bộ khoản nợ. VKSND tỉnh Nghệ An đã kháng nghị 01 vụ án “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” liên quan đến nội dung này và đã được Tòa án chấp nhận sửa án. Trong vụ án này, các bên thỏa thuận tài sản thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho bên vay tối đa là 700.000.000 đồng nhưng Tòa án lại tuyên nếu bên vay không trả được nợ, bên cho vay có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý bán tài sản bảo đảm tiền vay để trả nợ theo hợp đồng tín dụng các bên đã ký kết.

Thứ bảy, vi phạm trong việc xác định giá trị tài sản

Điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc định giá đất phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất".

Do đó, trong quá trình giải quyết những vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất có thời gian giải quyết kéo dài, đặc biệt những vụ án bị Tòa án cấp trên hủy án để giải quyết lại cần lưu ý xác định giá trị đất phù hợp với giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Ngoài ra, cần tiến hành xác minh, xem xét thẩm định lại để làm rõ các bên có tôn tạo hoặc tạo lập tài sản mới trên đất hay không để giải quyết triệt để vụ án, tránh trường hợp bỏ sót tài sản trên đất. Nội dung vi phạm này VKSND tỉnh Nghệ An cũng đã kháng nghị và được TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm. Đây là vụ án đã bị Tòa án cấp trên hủy án nhiều lần, tài sản tranh chấp được Tòa án định giá lần cuối cùng vào năm 2014 với tổng trị giá đất và tài sản trên đất là 936.895.000 đồng, đến năm 2020, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm lại vụ án. Quá trình thụ lý, giải quyết lại vụ án, các đương sự không yêu cầu định giá lại tài sản. Tuy nhiên, theo lời khai của nguyên đơn thì bà đã chuyển nhượng nhà, đất cho người khác với giá 1.300.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ giá trị nhà, đất đã chuyển nhượng là bao nhiêu, sau khi bản án phúc thẩm số 06/2016 DS-PT ngày 12/01/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có hiệu lực pháp luật thì các bên đương sự có xây dựng mới, cải tạo làm tăng giá trị tài sản hay không để có cơ sở giải quyết vụ án căn cứ Biên bản định giá tài sản ngày 24/9/2014 để xác định tài sản tranh chấp trị giá 936.895.000 đồng là chưa đủ cơ sở.

Thứ tám, vi phạm trong việc giải quyết những vụ án bị Tòa án cấp trên hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Khoản 3 Điều 266 BLTTDS năm 2015 quy định: "Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành (nếu có) theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án".

Khi thụ lý giải quyết lại những vụ án bị Tòa án hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, KSV cần yêu cầu Tòa án xác minh làm rõ sau khi bản án (bị hủy) có hiệu lực pháp luật thì các bên đương sự đã thi hành quyết định của bản án hay chưa, nếu đã thi hành thì thi hành toàn bộ hay một phần để có cơ sở đối trừ quyền và nghĩa vụ của các bên khi giải quyết lại vụ án. Liên quan đến nội dung này, VKSND tỉnh Nghệ An đã kháng nghị và đã được TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị do khi TAND tỉnh Nghệ An đã thụ lý giải quyết lại vụ án bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, đã phân chia lại giá trị tài sản cho các đương sự được quyền sở hữu, sử dụng khác mức giá trị đương sự được phân chia theo bản án phúc thẩm bị hủy trước đó nhưng bản án sơ thẩm lại quyết định về án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn đã thi hành xong theo bản án phúc thẩm (bị hủy) là không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, theo quyết định của bản án sơ thẩm thì chị Nguyễn Khánh Ly được nhận 104.156.000 đồng là di sản thừa kế của ông Nguyễn Hồng Vinh; theo Báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự thì chị Ly đã nộp 1.784.000 đồng nhưng bản án sơ thẩm không nhận định, quyết định gì về số tiền án phí đối với phần tài sản chị Ly được chia và số tiền án phí chị Ly đã nộp theo Bản án dân sự phúc thẩm số 06/DS-PT ngày 12/01/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 266 BLTTDS năm 2015 đã viện dẫn trên.

Thứ chín, vi phạm trong việc xác định giá trị tài sản tranh chấp

Vi phạm này thường xảy ra trong những vụ án các đương sự có tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với thửa đất tranh chấp, chia di sản thừa kế… Tòa án tiến hành định giá tài sản trên đất theo giá liền cư trong điều kiện còn nguyên giá trị sử dụng, không chia tách nhưng khi giải quyết vụ án Tòa án lại quyết định chia đôi tài sản trên đất (ngôi nhà) cho các đương sự nên tài sản không còn nguyên vẹn giá trị sử dụng dẫn đến việc tài sản đương sự được phân chia trong điều kiện không còn nguyên vẹn, ảnh hưởng đến giá trị sử dụng nhưng đương sự được chia phải chịu giá trị và phải nộp án phí theo giá của tài sản trong điều kiện nguyên vẹn, không ảnh hưởng đến giá trị sử dụng, nên gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, còn có trường hợp kích thước thửa đất và ngôi nhà không phù hợp để chia đôi cho các đương sự cùng sử dụng nhưng Tòa án vẫn quyết định chia đôi nhà và đất cho các đương sự là không chính xác, ảnh hưởng đến giá trị sử dụng của tài sản. Đây là vi phạm nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể dẫn đến việc bản án bị Tòa án cấp trên hủy án hoặc sửa lớn (thực tế năm 2023, TAND tỉnh Nghệ An đã quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND cấp huyện liên quan đến vi phạm này, do đó, cán bộ, KSV cần lưu ý nội dung này trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.

Thứ mười, vi phạm trong giải quyết vấn đề trích công sức trong các vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất

Vi phạm này thường được thể hiện dưới những dạng sau:

+ Không trích công sức cho người có công sức tôn tạo bảo quản đất:

Trong những vụ án đương sự có tranh chấp về quyền sử dụng đất, người đang trực tiếp quản lý thửa đất tranh chấp cho rằng thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình nên không yêu cầu Tòa án trích công sức. Nếu Tòa án giải quyết vụ án theo hướng không công nhận thửa đất thuộc quyền sử dụng của người đang trực tiếp sử dụng đất mà thuộc quyền sử dụng của người khác hoặc là di sản thừa kế để phân chia thừa kế, nếu xác định được người đang quản lý có công sức trong việc tôn tạo, bảo quản đất thì phải giải quyết vấn đề trích công sức cho họ tránh trường hợp bị Tòa án cấp trên hủy án do chưa giải quyết vấn đề trích công sức.

+ Vi phạm trong việc xác định mức trích công sức:

Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về mức trích công sức. Do đó, khi quyết định mức trích công sức, trích công sức bằng tiền hay bằng hiện vật cần căn cứ vào thỏa thuận của các bên, thời gian tôn tạo, bảo quản đất của người quản lý, giá trị, diện tích, hình thể thửa đất như thế nào, người quản lý chỉ bảo quản hay còn tôn tạo, nếu tôn tạo thì tôn tạo như thế nào, thửa đất tranh chấp có phần nào thuộc quyền sử dụng của người quản lý không, nếu có thì việc phân chia có ảnh hưởng đến tài sản trên đất của người quản lý không… để quyết định mức trích công sức phù hợp và trích công sức bằng hiện vật hay bằng tiền. Liên quan đến nội dung này, TAND tỉnh Nghệ An đã hủy bản án sơ thẩm của Tòa án cấp huyện trong đó có vi phạm nghiêm trọng về trích công sức. Cụ thể, thửa đất phải trích công sức có diện tích 211,4m2 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trích công sức cho người quản lý sử dụng theo hiện trạng là 133,1m2 và phần đất giao cho chủ sử dụng đất 78,3m2 là không hợp lý vì diện tích đất phải trích công sức lớn hơn 1/2 diện tích đất được phân chia. Bên cạnh đó, căn cứ sơ đồ phân chia đất kèm theo bản án thì hình thể diện tích đất 78,3m2 giao cho đương sự cũng không bảo đảm giá trị và giá trị sử dụng của thửa đất.

Thứ mười một, vi phạm trong việc giải quyết tài sản trên đất

Trong một số vụ án liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự chỉ tranh chấp quyền sử dụng đất, không tranh chấp tài sản trên đất hoặc đương sự thống nhất thừa nhận tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của người khác và không đề cập đến vấn đề giải quyết tài sản trên đất. Trong những trường hợp này, Tòa án vẫn phải giải quyết tài sản trên đất để đảm bảo cho việc thi hành án, tránh trường hợp có thể dẫn đến việc đất thuộc quyền sử dụng của một người, tài sản trên đất lại thuộc quyền sở hữu của người khác. Nếu không giải quyết tài sản trên đất là vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến bị Tòa án cấp trên hủy án. Thực tế trong thời gian vừa qua, việc không giải quyết tài sản trên đất tranh chấp là một trong những vi phạm quan trọng khiến TAND tỉnh Nghệ An hủy 03 bản án sơ thẩm của TAND cấp huyện. Cụ thể, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không hỏi đương sự để làm rõ đương sự có yêu cầu giải quyết tài sản trên đất hay không hoặc đương sự trình bày sẽ không trả lại đất nếu không được bồi hoàn công sức tôn tạo đất và tài sản trên đất, nhưng đã nhận định đương sự không yêu cầu giải quyết tài sản trên đất là không chính xác.

Ngoài ra, cán bộ, KSV cần lưu ý một số vi phạm khác có thể bị kháng nghị, hủy, sửa án gồm:

- Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có đơn khởi kiện bổ sung nhưng Tòa án không ban hành thông báo thụ lý và cũng không tiến hành hòa giải công khai chứng cứ đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn theo quy định của BLTTDS;

- Tòa án quyết định đình chỉ vụ án do nguyên đơn rút đơn khởi kiện nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lại quyết định nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại vụ án;

- Vụ án đã được xét xử sơ thẩm, đương sự kháng cáo, quá trình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện, các đương sự khác rút đơn kháng cáo nên Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, sau đó nguyên đơn khởi kiện lại nhưng Tòa án lại tiếp tục phân công Thẩm phán đã là chủ tọa phiên tòa của phiên tòa sơ thẩm lần đầu thụ lý, giải quyết vụ án lần thứ hai;

- Tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thể hiện thửa đất tranh chấp có một phần đất quy hoạch nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ diện tích đất quy hoạch này có được giao cho đương sự hay không

- Các vi phạm về tuyên lãi suất chậm thi hành án; vi phạm về án phí, đặc biệt là nghĩa vụ chịu án phí đối với nghĩa vụ trích công sức trong các vụ án phân chia di sản thừa kế;

Việc nhận diện các dạng vi phạm để cán bộ, Kiểm sát viên cùng nghiên cứu, tham khảo, tích lũy kinh nghiệm là rất cần thiết, góp phần nâng cao kỹ năng kiểm sát, phát hiện vi phạm, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

 

Nguyễn Thị Tuyết Loan,

Nguyễn Mạnh Quyền

Phòng 9 Viện KSND tỉnh Nghệ An

          

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1