image banner
Vướng mắc xử lý đánh bạc bằng công nghệ cao trên không gian mạng

Những năm gần đây, tình trạng đánh bạc bằng công nghệ cao trên không gian mạng (đánh bạc online) đang diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng dưới nhiều hình thức và ngày một tinh vi hơn với quy mô rộng. Hoạt động đánh bạc trên không gian mạng, qua các ứng dụng trên nền tảng di động ngày càng trở nên phổ biến vì đây là phương thức hoạt động kín đáo, thuận lợi để tội phạm lợi dụng hoạt động. Các đối tượng tổ chức đánh bạc thiết lập các trang web và đặt máy chủ ở nước ngoài, như: Rikvip, Sunwin, M88… Hầu hết các trang web này đều sử dụng dịch vụ ẩn thông tin đăng ký tên miền, ẩn thông tin địa chỉ IP máy chủ, che giấu danh tính chủ sở hữu và dữ liệu để đối phó với cơ quan chức năng. Việc số người và số tiền tham gia lớn vào những vụ đánh bạc này đang gây bất ổn xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Với tính chất nêu trên, trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp đánh bạc bằng công nghệ cao trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay Pháp luật vẫn chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn xác định chu kỳ đánh bạc, số lần đánh bạc và số tiền đánh bạc bằng công nghệ cao dẫn đến quá trình giải quyết các vụ án còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa có sự thống nhất chung.

-  Vấn đề thứ nhất: về xác định số lần đánh bạc và số tiền đánh bạc

Ví dụ: Vào lúc 10 giờ ngày 01/01/2024, A đăng nhập vào phần mềm Sunwin để thực hiện hành vi đánh bạc và sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên A để nạp số tiền 10.000.000 đồng vào tài khoản ngân hàng do phần mềm Sunwin cung cấp. Sau khi chuyển khoản thành công thì tài khoản đăng nhập trên Sunwin của A đã được nạp số tiền 10.000.000 đồng. A tham gia đánh bạc dưới hình thức “Tài xỉu”. Trong thời gian từ 10 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, A đánh bạc 10 ván (mỗi ván đánh 5.000.000 đồng, trong đó có 08 lần thắng bạc và 02 lần thua bạc, kết quả A thắng bạc với số tiền 30.000.000 đồng và rút ra tổng số tiền 40.000.000 đồng, đã bao gồm cả tiền gốc). 

Trường hợp 1: Xác định A đánh bạc 10 lần, trong đó: thắng bạc 08 lần (tức đánh bạc với số tiền 80.000.000 đồng), thua bạc 02 lần (tức đánh bạc với số tiền 10.000.000 đồng). Như vậy, tổng số tiền A đánh bạc là: 10.000.000 đồng (A nạp vào) + 90.000.000 đồng (tiền đánh bạc) = 100.000.000 đồng. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 321 và bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”.

Trường hợp 2: Xác định A đánh bạc 10 lần, trong đó: có 08 lần đánh bạc với số tiền mỗi lần là 10.000.000 đồng và 02 lần đánh bạc với số tiền mỗi lần là 5.000.000 đồng (không cộng các lần đánh bạc lại với nhau). Do đó, A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”.

Trường hợp 3: Xác định A đánh bạc 01 lần (01 chu kỳ đánh bạc), trong đó đánh 10 ván, mỗi ván đánh 5.000.000 đồng, thắng bạc 08 lần (tức đánh bạc với số tiền 80.000.000 đồng), thua bạc 02 lần (tức đánh bạc với số tiền 10.000.000 đồng). Như vậy, tổng số tiền A đánh bạc là: 10.000.000 đồng (A nạp vào) + 90.000.000 đồng (tiền đánh bạc) = 100.000.000 đồng. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 321; không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”.        

Trường hợp 4: Xác định A đánh bạc 01 lần (01 chu kỳ đánh bạc), số tiền đánh bạc là: 10.000.000 đồng (A nạp vào) + 30.000.000 đồng (tiền thắng bạc) = 40.000.000 đồng (đây là số tiền A rút ra sau khi kết thúc đánh bạc). Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321; không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”.        

Qua 04 trường hợp nêu trên có thể thấy vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về “xác định chu kỳ đánh bạc, số lần đánh bạc và số tiền đánh bạc” dẫn đến khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng theo điểm b hay điểm c hay cả 02 điểm b, c khoản 2 Điều 321 BLHS và có áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” hay không ?. Qua phân tích các ví dụ cho thấy:

+ Về xác định chu kỳ đánh bạc, số lần đánh bạc:

Trường hợp 1 và trường hợp 2: xác định A đánh bạc 10 lần, tức 01 lần đặt cược (01 ván bạc) là 01 lần đánh bạc, vì mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc xác định như trên gây bất lợi cho người phạm tội vì hành vi đánh bạc qua mạng của A cũng tương tự như hành vi đánh bạc thông thường giữa 02 đối tượng với nhau, chỉ là trong trường hợp này chưa xác định được đối tượng đánh bạc với A (ví dụ: A và B đánh bạc dưới hình thức “đánh bài ba cây”, đánh được 10 ván thì bị bắt quả tang, trong trường hợp này chỉ xác định A và B đánh bạc 01 lần, chứ không thể xem xét từng ván bạc để xử lý); mặt khác, nếu xác định A đánh bạc 10 lần thì không phù hợp với hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự

Tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định:

“4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt”.

Trường hợp 3 và trường hợp 4: xác định A đánh bạc 01 lần, quá trình đánh bạc của A diễn ra trong 01 chu kỳ (thời điểm bắt đầu chu kỳ là lúc A nộp tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản đánh bạc trên ứng dụng trực tuyến, trong chu kỳ đó A tiến hành đánh nhiều ván bạc và thời điểm kết thúc chu kỳ là thời điểm A rút tiền về tài khoản ngân hàng). Việc xác định như trên là phù hợp với quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là “01 chu kỳ đánh bạc” hiện nay mới chỉ có Hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị tập huấn ngày 15/11/2023 (Với game bài rikvip, game bài trên mạng: cần xác định người chơi nạp 1 lần số tiền bao nhiêu vào tài khoản đã đăng ký thì xác định đó là số tiền dùng đánh bạc 1 lần (chu kỳ bạc là một lần nạp tiền), ngoài ra chưa có văn bản hướng dẫn nào khác của Cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong ví dụ nêu trên có thể xem xét đó là 01 chu kỳ đánh bạc tính từ khi đối tượng rút tiền gốc và tiền thắng bạc về tài khoản ngân hàng của mình; nhưng trong trường hợp đối tượng chỉ rút ra tiền thắng bạc về tài khoản ngân hàng mà vẫn để lại tiền gốc ban đầu và tiếp tục sử dụng số tiền đó để đánh bạc thì có xác định đây là “chu kỳ đánh bạc lần thứ 2 hay không ?” hay vẫn xem xét đó là 01 “chu kỳ đánh bạc” vì có sự tiếp nối về mặt thời gian ?

+ Về xác định số tiền đánh bạc:

Trường hợp 1 và trường hợp 3 xác định số tiền đánh bạc trên sơ sở tính tổng số tiền của từng ván bạc, cách xác định như trên không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự         

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định:

“Điều 1. Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật hình sự

…;

2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét”.

Ngoài ra, cách xác định số tiền đánh bạc như trường hợp 1, 2 và trường hợp 3 sẽ dẫn đến việc xác định số tiền đánh bạc rất lớn (ví dụ đối tượng đánh bạc 1000 ván), điều này gây khó khăn trong việc truy thu và khả năng thi hành trên thực tế.

Trên cơ sở đó, cách xác định số tiền đánh bạc như trường hợp 4 là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, thuận lợi trong việc truy thu và khả năng thi hành trên thực tế.   

-  Vấn đề thứ hai: về căn cứ để cộng dồn nhằm xử lý các hành vi dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự

Cũng với ví dụ đã nêu tại vấn đề thứ nhất, nếu A nộp tiền vào tài khoản đánh bạc 05 lần trong cùng 01 ngày, mỗi lần đều dưới 5.000.000 đồng và mỗi lần đánh bạc đều đánh thua hết. Nếu xác định “chu kỳ đánh bạc là một lần nạp tiền và rút tiền về tài khoản ngân hàng” thì A thực hiện 05 lần đánh bạc, mỗi lần đều dưới 5.000.000 đồng, chưa đủ căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự. Trường hợp này có cộng dồn số tiền của 05 lần để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không ?

Tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự quy định:

“Điều 1. Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật hình sự

2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;”

Như vậy, trường hợp 01 đối tượng 01 lần đánh bạc 5.000.000 đồng thì bị xử lý trách nhiệm hình sự, nhưng 01 đối tượng đánh bạc 05 lần trở lên, mỗi lần đều dưới 5.000.000 đồng mặc dù có tính chất, mức độ nghiêm trọng cao hơn nhưng lại không bị xử lý hình sự. Điều này dẫn đến sự không công bằng trong định tội danh và phân hóa tội phạm. Hiện nay, đối với một số loại tội phạm như “Trộm cắp tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”… đều có các văn bản hướng dẫn về việc cộng dồn để xử lý các hành vi dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng diễn ra liên tục, kế tiếp nhau về thời gian. Tuy nhiên đối với tội “Đánh bạc” lại chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý.

Ngày 08/10/2021, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TANDTC về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó bãi bỏ Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự với lý do Nghị quyết này hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, đến nay Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực. Do đó, việc vận dụng tinh thần Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP vào thực tiễn đã không còn phù hợp, đặc biệt đối với loại tội phạm đánh bạc công nghệ cao như hiện nay.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao mới có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn luật về nội dung. Do đó, việc xác định “chu kỳ đánh bạc, số lần đánh bạc và số tiền đánh bạc bằng công nghệ cao trên không gian mạng” vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, chưa có sự thống nhất chung, gây khó khăn trong việc giải quyết các vụ án.

Việc xác định chính xác chu kỳ đánh bạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là căn cứ để xác định số lần đánh bạc, số tiền đánh bạc từ đó áp dụng chính xác căn cứ pháp luật trong việc giải quyết vụ án. Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Về xác định chu kỳ đánh bạc, số lần đánh bạc:

-  01 lần nạp tiền vào tài khoản đánh bạc để tham gia đánh bạc thì xác định là 01 chu kỳ đánh bạc (01 lần đánh bạc) (trừ trường hợp mỗi lần nạp tiền đều không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự);

-  01 ngày nạp tiền vào tài khoản đánh bạc nhiều lần thì xác định mỗi lần là 01 chu kỳ đánh bạc (nếu mỗi lần đều đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự);

-  Nếu đối tượng nạp tiền 01 lần vào tài khoản đánh bạc, sau đó thắng bạc và rút ra tài khoản ngân hàng 01 số tiền nhất định, số tiền còn lại sử dụng để đánh tiếp, liên tục và kéo dài trong nhiều ngày thì vẫn đang ở trong 01 chu kỳ đánh bạc, tức 01 lần đánh bạc (bởi đánh bạc trên không gian mạng hoạt động liên tục 24h/24h).        

Ví dụ: Vào lúc 22 giờ ngày 01/02/2024, đối tượng nạp 5.000.000đ vào tài khoản đánh bạc và thắng bạc 10.000.000đ, vào lúc 23 giờ 55 phút rút ra 10.000.000đ về tài khoản ngân hàng, số tiền còn lại vào 01 giờ sáng ngày 02/02/2024 đối tượng sử dụng để đánh tiếp thì chỉ xác định là 01 lần đánh bạc.  

-  Nếu đối tượng nạp tiền 01 lần vào tài khoản đánh bạc, sau đó thắng bạc và rút ra tài khoản ngân hàng 01 số tiền nhất định, số tiền còn lại sử dụng để đánh tiếp nhưng không diễn ra liên tục về thời gian thì xác định nhiều lần đánh bạc.          

Ví dụ: Vào lúc 22 giờ ngày 01/02/2024, đối tượng nạp 5.000.000đ vào tài khoản đánh bạc, thắng bạc 10.000.000đ, vào lúc 23 giờ 55 phút rút ra 10.000.000đ về tài khoản ngân hàng, số tiền còn lại đến 23 giờ ngày 03/02/2024 đối tượng sử dụng để đánh bạc tiếp thì xác định đối tượng đánh bạc 02 lần.    

-  Nếu đối tượng nạp tiền nhiều lần vào tài khoản đánh bạc (có lần dưới 5.000.000đ, có lần trên 5.000.000đ) nhưng diễn ra liên tục, kế tiếp nhau về thời gian thì xác định là 01 lần đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc là các lần nạp tiền + rút ra (nếu có).

Ví dụ: Vào lúc 22 giờ ngày 01/02/2024, đối tượng nạp 3.000.000đ vào tài khoản đánh bạc và đánh thua hết; tiếp đến vào lúc 23 giờ cùng ngày, đối tượng nạp 3.000.000đ vào TKĐB và đánh thua hết thì xác định đối tượng đánh bạc 01 lần đánh bạc với số tiền 6.000.000đ.          

2.  Về xác định số tiền đánh bạc

- Nạp tiền vào tài khoản đánh bạc (TKĐB) nhưng đánh thua hết, không rút về tài khoản ngân hàng (TKNH) lần nào thì số tiền đánh bạc là số tiền đã nạp vào TKĐB.

Ví dụ: nạp 5.000.000đ đánh thua hết thì số tiền đánh bạc là 5.000.000đ.

- Nạp tiền vào TKĐB sau đó đánh thua và tiếp tục nạp tiền vào TKĐB thì số tiền đánh bạc là tổng số tiền đã nạp vào TKĐB (trừ trường hợp đánh bạc không liên tục về thời gian).

Ví dụ: nạp 3.000.000đ, đánh thua hết; tiếp tục nạp vào 4.000.000đ, lại đánh thua thì số tiền đánh bạc là 7.000.000đ.

- Nạp tiền vào TKĐB nhưng quá trình đánh bạc bị thua, sau đó rút ra 01 phần tiền gốc về TKNH và chỉ để lại 01 số tiền để đánh, sau đó bị thua hết số tiền này thì số tiền đánh bạc là số tiền đã nạp vào TKĐB; trường hợp số tiền còn lại dùng để đánh bạc mà thắng bạc rồi rút về TKNH thì số tiền đánh bạc là số tiền nạp vào TKĐB + số tiền rút ra TKNH.

+ Ví dụ 1: nạp 5.000.000đ, quá trình đánh bạc thua 2.000.000đ, vì sợ thua hết nên đối tượng rút ra 2.000.000đ và để lại 1.000.000đ để đánh bạc nhưng sau đó thua hết thì chỉ tính số tiền đánh bạc là 5.000.000 (không cộng số tiền đã rút ra vì đó là tiền gốc, không phải là số tiền có được thông qua việc đánh bạc).

+ Ví dụ 2: nạp 5.000.000đ, quá trình đánh bạc thua 2.000.000đ, vì sợ thua hết nên đối tượng rút ra 2.000.000đ và để lại 1.000.000đ để đánh bạc sau đó thắng 5.000.000đ và rút ra 5.000.000đ thì số tiền đánh bạc là 5.000.000đ + 5.000.000đ = 10.000.000đ (không cộng số tiền đã rút ra ban đầu vì đó là tiền gốc, không phải là số tiền có được thông qua việc đánh bạc).

- Nạp tiền vào TKĐB sau đó đánh thắng và chỉ rút ra 01 số tiền nhất định về TKNH, số tiền còn lại xảy ra các trường hợp sau:

+ Nếu đánh thua hết hoặc chưa kịp đánh mà bị bắt thì không xác định số tiền còn lại là số tiền đánh bạc để cộng vào, vì đây là tiền ảo, chưa được rút về TKNH (tức chưa được chuyển hóa thành tiền thật) nên không có căn cứ để cộng vào số tiền đánh bạc.

Ví dụ: nạp 5.000.000đ, thắng 10.000.000đ, rút ra 8.000.000đ thì số tiền đánh bạc là 13.000.000đ; số tiền còn lại trong tài khoản là 7.000.000đ không tính là tiền đánh bạc.

+ Nếu đánh tiếp và thắng bạc rồi rút ra thì cộng số tiền rút ra vào số tiền đánh bạc ban đầu.

Ví dụ: nạp 5.000.000đ, thắng 10.000.000đ, rút 8.000.000đ thì số tiền đánh bạc ban đầu xác định là 13.000.000đ. Số tiền 7.000.000đ còn lại trong TKĐB được sử dụng để đánh tiếp và thắng bạc 3.000.000đ, tức lúc này trong TKĐB có 10.000.000đ và rút ra toàn bộ 10.000.000 về TKNH thì cộng số tiền mới rút ra vào số tiền đánh bạc ban đầu, tức là 13.000.000đ + 10.000.000đ = 23.000.000đ.

- Nạp tiền vào TKĐB sau đó đánh thắng và rút ra toàn bộ về TKNH thì số tiền đánh bạc là tổng số tiền đã rút ra toàn bộ

Ví dụ: nạp 5.000.000đ, đánh thắng 10.000.000đ và rút ra toàn bộ 01 lần là 15.000.000đ thì số tiền đánh bạc là 15.000.000đ.

Cũng với ví dụ nêu trên nhưng cần phân biệt với trường hợp: nếu đối tượng rút về TKNH 02 lần, lần thứ nhất rút 10.000.000 và lần thứ hai rút 5.000.000đ thì phải xác định: trước khi rút lần thứ hai đối tượng có tiếp tục đánh bạc không, nếu tiếp tục đánh bạc rồi rút ra TKNH thì cộng số tiền rút ra vào số tiền đánh bạc ban đầu, tức 15.000.000đ + 5.000.000đ = 20.000.000đ; nếu đối tượng không tiếp tục đánh bạc mà rút ra TKNH thì chỉ tính tổng số tiền đánh bạc là 15.000.000đ).    

* Lưu ý: Qúa trình điều tra phải làm rõ những nội dung sau:

- Đối tượng nộp vào tài khoản đánh bạc trên ứng dụng trực tuyến số tiền bao nhiêu để thực hiện hành vi đánh bạc;

- Quá trình đánh bạc thắng hay thua (thắng liên tục hay thua liên tục hay có ván thắng ván thua);

- Sau khi thắng bạc đối tượng rút ra số tiền như thế nào, thời điểm rút tiền ? Nếu rút nhiều lần thì phải xác định trước khi rút tiền đối tượng có tiếp tục đánh bạc hay không ?

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất về giải pháp xử lý các trường hợp đánh bạc bằng công nghệ cao trên không gian mạng, rất mong nhận được ý kiến trao đổi./.

 

 

Đặng Trường Sơn  - KSV         

Viện KSND huyện Nam Đàn

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1