Nâng cao chất lượng Kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm qua công tác giải quyết các vụ án hình sự tại Viện KSND huyện Thanh Chương
“Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội
phạm và vi phạm pháp luật” là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân được quy định
trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và thể chế hóa tại tại Bộ luật Tố
tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng, thể
hiện tầm quan trọng của Ngành kiểm sát nhân dân trong công tác phòng chống tội
phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức
năng, nhiệm vụ, Kiểm sát viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả công tác kiến nghị phòng ngừa chưa thật
sự đạt hiệu quả.
1. Thực trạng công tác Kiến nghị phòng ngừa
vi phạm, tội phạm qua công tác giải quyết các vụ án hình sự
1.1. Những
kết quả đạt được
Từ năm 2020 đến năm 2023, Viện KSND huyện
Thanh Chương đã ban hành 07 bản kiến nghị phòng ngừa trong lĩnh vực hình sự đến
các cơ quan hữu quan. Các kiến nghị đã chỉ ra tình hình tội phạm, vi phạm pháp
luật cũng như tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm và vi phạm; từ đó đề ra
những biện pháp kiến nghị cơ quan hữu quan áp dụng, triển khai hoặc chỉ đạo các
đơn vị cấp dưới để thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
1.2. Một số
hạn chế và nguyên nhân
- Một số bản
kiến nghị phòng ngừa còn mang nặng hình thức, chạy theo chỉ tiêu nhưng nội dung
chưa được chú trọng;
- Kỹ năng tham mưu ban hành kiến nghị, kỹ
năng tổng hợp đánh giá nhận xét và dự báo tình hình tội phạm của Kiểm sát viên
còn hạn chế; việc phối hợp giữa các bộ phận trong đơn vị chưa thực sự hiệu quả (bộ phận văn phòng, bộ phận tin báo…);
- Kiểm sát viên chưa thực sự quan tâm đến kết
quả của việc triển khai thực hiện bản kiến nghị phòng ngừa; chưa nhận thức được
mục đích cuối cùng của việc ban hành kiến nghị;
- Các cơ quan hữu quan chưa nhận thức được tầm
quan trọng của việc thực hiện kiến nghị phòng ngừa. Dẫn đến tình trạng một số đơn
vị có trả lời kiến nghị phòng ngừa nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu
quả;
- Ngoài ra, một số khó khăn đến từ những bất
cập trong quy định pháp luật như sau:
+ Bộ luật
TTHS, Luật tổ chức viện KSND quy định thời hạn trả lời kiến nghị còn chưa thống
nhất; chưa quy định việc Kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong quá trình
THQCT và KS giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.
+ Chưa quy định
trường hợp cơ quan hữu quan nhận được kiến nghị nếu không đồng ý, thì sẽ giải
quyết như thế nào;
+ Chưa có chế
tài trong trường hợp cơ quan hữu quan đã nhận được kiến nghị nhưng không có văn
bản trả lời …
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng Kiến
nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm qua công tác giải quyết các vụ án hình sự
Có thể thấy, việc
nâng cao chất lượng công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm của Viện
kiểm sát nhân dân đối với các cơ quan, tổ chức có vai trò rất quan trọng, giúp
các tổ chức, cơ quan, đơn vị có những biện pháp thiết thực trong việc nâng cao
hiệu quả hoạt động và chấp hành pháp luật; bảo vệ quyền con người, các quyền và
lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp
và pháp luật ghi nhận. Qua đó, nâng cao vị thế và niềm tin của nhân dân, chính
quyền và cấp ủy tại địa phương đối với Ngành Kiểm sát nhân dân. Vì vậy, nâng
cao hiệu quả công tác kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa tội phạm và
vi phạm pháp luật chính là nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ
thống các cơ quan tư pháp.
- Thứ nhất, Lãnh đạo đơn vị cần
quán triệt nội dung liên quan đến chức năng kiến nghị phòng ngừa đến toàn thể
cán bộ công chức qua Kế hoạch công tác năm tại Hội nghị cán bộ công chức; đưa nội
dung này vào Nghị quyết hàng tháng của Chi bộ và là một trong những nội dung để
đánh giá thi đua của cá nhân. Từ đó, Kiểm sát viên được phân công sễ nhận thức
được vai trò, tầm quan trọng và nắm chắc yêu cầu của công tác đấu tranh phòng,
chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với Ngành Kiểm sát nhân dân trong tình
hình hiện nay.
- Thứ hai, chủ động bám sát
yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội và dự báo tình
hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức
xúc đang diễn ra (như tình hình trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, cố ý gây
thương tích, các tranh chấp dân sự thường xuyên xảy ra …) để kịp thời chỉ đạo
Kiểm sát viên tham mưu ban hành các văn bản kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi
phạm pháp luật.
- Thứ ba, Thường xuyên tranh
thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ngành cấp trên và cấp ủy địa phương, xây dựng mối
quan hệ giữa Viện kiểm sát và các cấp,
các ngành nhất là các cơ quan trong khối nội chính. Quán triệt và vận dụng các
quy định của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn công tác kiểm sát và công tác phòng ngừa
vi phạm pháp luật, tội phạm ở địa phương. Thông qua triển khai thực hiện Quy chế
phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm
pháp luật. Đặc biệt, đối với những vấn đề nổi cộm liên quan đến tình hình chính
trị, trật tự xã hội tại địa phương, đồng chí lãnh đạo có thể nêu ngay tại cuộc
họp nội chính để nhận được sự ủng hộ của cấp uỷ địa phương.
- Thứ tư, cần phải có sự nỗ lực,
quyết tâm cao hơn nữa từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, kiểm sát viên khi thực
hiện nhiệm vụ; tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy và tác
phong, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, đặc biệt là công
tác ban hành kiến nghị phòng ngừa.
- Thứ sáu, quá trình xây dựng
kế hoạch và chương trình cần cụ thể hoạt động kiến nghị phòng ngừa tội phạm và
vi phạm pháp luật, trong đó nêu rõ các tiêu chí về mục tiêu, nhiệm vụ, mức độ đạt
được kết quả công tác… Ngoài ra, có thể xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn,
trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổng hợp, xây dựng kiến nghị phòng ngừa của
Viện kiểm sát để các đơn vị, cán bộ Kiểm sát viên học tập, tích lũy kinh nghiệm,
thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
2.2. Nhóm giải
pháp đối với Kiểm sát viên được phân công
Kiểm sát viên cần có nhận thức đúng đắn đối với
chức năng, nhiệm vụ “Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng
các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật” mà nhà nước giao phó cho Ngành kiểm sát nhân
dân. Muốn vậy, kiểm sát viên trong đơn vị cần nghiên cứu kỹ Chỉ thị hàng năm của
ngành kiểm sát nhân dân, trong đó đã chỉ rõ: “toàn ngành phải nắm vững, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của VKSND
trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, tăng cường tổng kết thực
tiễn, dự báo tình hình tội phạm, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm
pháp luật và tội phạm có nguyên nhân từ thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế,
xã hội để tham mưu cấp ủy Đảng, kiến nghị với chính quyền và cơ quan hữu quan
các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại
địa phương”.
2.2.1. Nhóm giải pháp nâng cao kỹ năng trong công tác tham mưu
ban hành kiến nghị phòng ngừa của Kiểm sát viên
Để nâng cao kỹ năng trong công tác tham mưu,
soạn thảo các kiến nghị phòng ngừa đạt hiệu quả, Kiểm sát viên nên thực hiện
các bước sau:
Cán bộ đầu mối (đầu mối văn phòng hoặc tin
báo) cần có sự “nhảy cảm” trong việc “dự báo tình hình tội phạm” trên địa bàn
huyện. Có thể thông qua công tác thống kê, Kiểm sát viên có thể đánh giá qua Biểu
10 - Biểu thống kê kết quả điều tra, truy tố, xét xử sở thẩm các vụ án hình sự (tại biểu sẽ cho biết số lượng các loại tội
được khởi tố mới, điều tra, truy tố xét xử trong kỳ, độ tuổi, giới tính, các đặc
điểm nhân thân …); từ đó có nhận định chính xác về tình hình tăng giảm các
loại tội phạm và đặc điểm về nhân thân của bị can.
Ngoài ra, cần nhạy bén trong việc phát hiện
các lỗ hổng của quản lý nhà nước để ban hành kiến nghị hoặc đề xuất cấp trên
ban hành kiến nghị nếu vi phạm, tội phạm thực tế và diễn biến hoặc có chiều hướng
gia tăng. Muốn phát hiện được những lỗ hổng liên quan, cần nắm rõ các quy định
liên quan để xác định được vi phạm Điều khoản nào của văn bản nào để có căn cứ
dẫn chứng cụ thể trong bản kiến nghị phòng ngừa.
Ví dụ 1: Thông qua giải
quyết 05 vụ án hình sự về hành trộm cắp tài sản là xe mô tô, có tình trạng chuyển
nhượng xe mô tô … nhưng không làm thủ tục đăng ký xe theo quy định pháp luật
(vi phạm Điều 6 Thông tư 15/2014 TT-BCA của Bộ công an quy định về đăng ký xe),
gây khó khăn cho công tác điều tra, cụ thể là xác minh chủ sở hữu của tài sản
(có trường hợp được chuyển nhượng qua 3 chủ sở hữu tuy nhiên không thực hiện
các thủ tục theo quy định). Cán bộ đầu mối cần nắm rõ được những vụ án và nội
dung cụ thể, đề từ đó xác định “vi phạm”
ở đây là vi phạm hành chính, do ai quản lý để từ đó xác định nội dung, chủ thể
… phù hợp.
Ví dụ 2: Thông qua Biểu
10 - Biểu thống kê kết quả điều tra, tuy tố, xét xử sở thẩm các vụ án hình sự, Kiểm
sát viên phát hiện ra trong 6 tháng đầu năm 2023, xảy ra 05 vụ án xâm hại tình
dục trẻ em, so sánh với những kỳ gần đây thì số lượng này tăng đột biến, chính
vì vậy cần thiết ban hành kiến nghị phòng ngừa loại tội phạm này.
Ngoài theo dõi các vụ việc trên địa bàn huyện,
Kiểm sát viên cũng cần thường xuyên theo dõi các thủ đoạn tội phạm mới trên các
phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, để từ đó đánh giá nhận xét trên cả
phạm vi chung, riêng và để đưa ra những nội dung kiến nghị phù hợp. Thao tác
này giúp cho Kiểm sát viên có những đánh giá về nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp
dẫn đến các loại tội phạm, vi phạm hay những thủ đoạn mới có khả năng xảy ra
trên địa bà. Từ đó, đề xuất những giải pháp giải quyết triệt để những nguyên
nhân đó.
Ví dụ: Sau khi xác
định thủ đoạn của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả
danh cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu chuyển khoản thì Kiểm sát viên cần tìm
hiểu một số thủ đoạn lừa đảo chuyển khoản khác qua các hình thức khác từ nhiều nguồn
thông tin (như: giả danh công an về xử phạt nguội hành chính, yêu cầu chuyển tiền
để nhận quà…), để khi ban hành kiến nghị có những nội dung mang tính chất cảnh
báo trước đối với hình thức lừa đảo có khả năng xảy ra.
Đây là một bước quan trong việc soạn thảo và tham
mưu ban hành kiến nghị phòng ngừa. Đối với các đơn vị cấp huyện thường ban hành
kiến nghị phòng ngừa đến chủ thể là Chủ tịch UBND huyện, bởi đây là chủ thể quản
lý chung, quản lý nhiều ban ngành. Kiểm sát viên có thể tham mưu lãnh đạo ban
hành kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo các cơ quan hữu thực hiện các
biện pháp phòng ngừa hoặc kiến nghị trực tiếp đến cơ quan hữu quan đó, thực hiện
các biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, cần xem xét tùy vào phạm vi kiến nghị, nội
dung kiến nghị để lựa chọn chủ thể kiến nghị phù hợp, đảm bảo kiến nghị phòng
ngừa có kết quả cao nhất.
Ví dụ 1: Trên địa bàn
huyện xảy ra 01 vụ án tham nhũng chức vụ liên quan đến công chức của Văn phòng
đăng ký đất đai huyện, Kiểm sát viên cần lưu ý khi xác định chủ thể Kiến nghị
phòng ngừa thì Cơ quan chủ quản của Văn phòng đăng ký đất đai không phải là Chủ
tịch UBND huyện mà thuộc Sở tài nguyên và môi trường (do UBND tỉnh thành lập).
Ví dụ 2: Trong năm
2022, đơn vị ban hành 01 kiến nghị phòng ngừa tội phạm người
dưới 18 tuổi là học sinh đến Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thực hiện
các biện pháp phòng ngừa. Kiểm sát viên có thể có thể ban hành kiến nghị đến
Trưởng phòng giáo dục huyện để yêu cầu triển khai các biện pháp phòng ngừa đến
các trường THPT trên địa bàn. Cũng có thể ban hành Kiến nghị đến Chủ tịch UBND
huyện để yêu cầu nhiều cơ quan ban ngành phối hợp thực hiện nhiều biện pháp
khác nhau (trung tâm văn hóa, phòng giáo dục, Đoàn thanh niên …).
Sau khi có chất liệu để xây dựng kiến nghị, Kiểm
sát viên cần dự thảo đúng mẫu số 130/HS ban hành kèm theo quyết định số
15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện KSND Tối cao. Về nội dung của bản kiến nghị,
khi soạn thảo Kiểm sát viên được phân công cần chú ý một số điểm sau:
+ Phần phân tích
hình tội phạm, vi phạm pháp luật:
Cần nêu số liệu cụ thể, có vụ việc điển hình
để Cơ quan nhận Kiến nghị nhận thức được
tính cấp thiết của vấn đề mà kiến nghị phòng ngừa nhắc tới.
Ví dụ: Trong
6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Thanh Chương xảy ra 04 vụ xâm hại tình
dục trẻ em, trong đó Cơ quan CSĐT công an huyện đã khởi tố 03 vụ/ 05 bị can về
các tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới
16 tuổi” … Điển hình là vụ án: …
+ Phần đánh giá
tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm và vi phạm:
Đối với các hành vi phạm tội, cần nêu rõ ảnh
hưởng tiêu cực của tội phạm đến số lượng bao nhiêu bị hại, ảnh hướng mức độ như
thể nào (về tính mạng, sức khỏe, tài sản
…), đối với vi phạm pháp luật ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý nhà nước,
gây thất thoát hay ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận xã hội như thế nào.
Ví dụ: Trước tình
hình loại hình tội phạm lừa đảo với hình thức chuyển khoản, đã có 8 bị hại bị lừa
số tiền 800.000.000 đồng. Đây là một tình trạng báo động, bởi lẽ loại hình tội
phạm này có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
+ Phần các biện
pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật:
Từ những nguyên nhân phát sinh tội phạm, vi
phạm đã nghiên cứu ở trên, Kiểm sát viên tham mưu cần đề ra những biện pháp để
phòng ngừa vi phạm, tội phạm có khả thi, đảm bảo thực hiện được và có hiệu quả
trong việc triển khai.
Ví dụ: Xác định được
nguyên nhân các vụ án xâm hại tình dục trẻ em xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của
bị can về độ tuổi quy định trong các văn bản pháp luật hay tình trạng bị hại chủ
động quan hệ tình dục với các đối tượng. Từ đó, đề ra các biện pháp phòng ngừa
ví dụ: Đoàn thanh niên triển khai tuyên truyền về độ tuổi kết hôn, Nhà trường mở
các buổi ngoại khóa về bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục …
2.2.2. Nhóm giải pháp đảm bảo việc thực hiện kiến nghị phòng
ngừa
Với tư cách là Kiểm sát viên tham mưu cho
lãnh đạo trong công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm tội phạm, có thể tham khảo
một số nội dung tham mưu sau để có tác động đến các cơ quan hữu quan trong việc
thực hiện kiến nghị phòng ngừa:
- Tham mưu lãnh đạo xây dựng và ký quy chế
liên ngành với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các kiến nghị;
- Tham mưu lãnh đạo trình bày báo cáo tại cuộc
họp nội chính hàng tháng đối với việc thực hiện kiến nghị phòng ngừa của các cơ
quan hữu quan;
- Tham mưu lãnh đạo ban hành công văn tham
mưu ban thường vụ huyện ủy chỉ đạo nhắc nhở các cơ quan tổ chức hữu quan thực
hiện các biện pháp phòng ngừa;
- Tham
mưu lãnh đạo chủ trì triển
khai các Hội nghị đánh giá công tác thực hiện kiến nghị phòng ngừa, có sự tham
gia của Cấp ủy chính quyền địa phương
và các cơ quan hữu quan (định kỳ 6 tháng
hoặc 1 năm …).
Kiểm sát viên cần theo dõi tình hình loại tội
phạm đã ban hành kiến nghị còn tiếp diễn hay có xu hướng tăng hay không, để có
những đánh giá tính hiệu quả trong công tác kiến nghị và thực hiện kiến nghị
phòng ngừa. Và từ đó có những điều chỉnh trong việc ban hành và thực hiện kiến
nghị phù hợp với tình hình tội phạm mới.
Kiểm sát viên được phân công có thể lập bảng Excel
so sánh theo kỳ tháng, Quý, 6 tháng, 9 tháng, một năm để có những nhận định về
sự tăng giảm của tội phạm, vi phạm. Từ đó có những nhận định chính xác về hiệu
quả của công tác phòng ngừa tội phạm.
3. Một ví dụ
cụ thể
Sau đây là một “tình huống ra đời” của một bản kiến nghị phòng ngừa cụ thể
qua công tác THQCT và KS giải quyết các vụ án hình sự như sau:
Ví dụ: Trên địa bàn xuất hiện 02 tin lừa đảo chiếm
đoạt tài sản thông qua các thủ đoạn lừa chuyển khoản như sau:
Tin (1): Ngày 26/3/2023 Cơ quan CSĐT Công an huyện
Thanh Chương nhận được đơn trình báo của anh Lê Việt H (sinh năm 1981, trú tại
huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) bị một người dùng số điện thoại gọi đến và
thông báo anh Hưng liên quan đến vụ việc vi phạm đang điều tra và yêu cầu nộp tất
cả số tiền 170.000.000 đồng trong tài khoản để phục vụ công tác điều tra tội phạm.
Anh Lê Việt H đã chuyển số tiền 170.000.000 đồng vào số tài khoản mang tên Đặng
Văn T.
Tin (2): Ngày 20/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện
Thanh Chương nhận được chị Nguyễn Thị T (sinh năm 1984, trú tại huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An) bị đối tượng không quen biết sử dụng tài khoản Facebook
mang tên người thân nhắn tin yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt 50.000.000 đồng.
Sau khi cán bộ
đầu mối tin báo, hình sự nắm bắt được tình hình tội phạm lừa đảo chuyển tiền
qua mạng nói trên, thực hiện một số thao tác như sau:
- Tìm kiếm thông tin những vụ án, vụ việc có
nội dung tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh khác:
Đối với vụ việc trên, chỉ bằng từ khóa “lừa đảo
chuyển tiền qua mạng” Kiểm sát viên có thể có những nhận định về loại tội phạm
này đang xảy ra rất nhiều trên cả nước với nhiều phương thức lừa đảo khác nhau
và từ việc nắm đầu vào vụ việc tin báo, Kiểm sát viên có thể nhận định: hiện loại
hình tội phạm lừa đảo chuyển tiền đang bắt đầu có xu hướng xảy ra tại địa bàn
huyện Thanh Chương.
- Nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu và nhận biết
các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng:
Qua nghiên cứu
hồ sơ và các phương tiện thông tin có thể nhận biết được một số thủ đoạn của
các đối tượng lừa đảo như sau:
+ Giả danh các cơ quan tiến hành tố tụng (Công
an, Viện kiểm sát, Tòa án) để yêu cầu bị hại phối hợp điều tra các vụ án và yêu
cầu chuyển khoản để thực hiện công tác điều tra;
+ “Hack” các tài khoản mạng xã hội của người
khác và sử dụng để nhắn tin vay tiền của bị bị hại; thường dự vào mối quan hệ thân
thiết giữa bị hại và người bị hack tài khoản mạng xã hội;
+ Giả danh cô giáo gọi điện thoại cho phụ huỳnh,
thông báo con của bị hại bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền để thực hiện phẫu
thuật gấp;
+ Sử dụng các phần mềm ảo, tin nhắn ảo thông
báo việc tài khoản ngân hàng hiện đang có bảo mật yếu nên cần thay mật khẩu,
yêu cầu gửi lại mật khẩu cũ theo hướng dẫn;
+ Thủ đoạn mới về cho vay tiền qua mạng. Khi
người vay có nhu cầu, đối tượng yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài
khoản để chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của nạn nhân
...
- Tìm hiểu nguyên nhân và sơ hở trong quản lý
nhà nước để thực hiện các chức năng phòng ngừa:
Từ những vụ
việc xảy ra kể trên, ta có thể nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng
lừa đảo như sau:
(1) Sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại; Tâm lý
lo sợ hoang mang trước những thông tin không có thật được đưa ra (nguyên nhân
sau xa: về trình độ dân trí còn thấp, chưa được tiếp cận nhiều về những thông
tin);
(2) Người dân còn thiếu hiểu biết cơ bản về
công nghệ thông tin;
(3)Các thủ đoạn của các đối tượng ngày càng
tinh vi, công tác tuyên truyền chưa thể cập nhật hết các thủ đoạn;
(4) Công tác quản lý nhà nước trong việc cấp
số tài khoản ngân hàng (không chính chủ), việc lập tài khoản còn chưa có những
chế tài cụ thể… hay việc thiếu quản lý của các ngân hàng trong việc cấp tài khoản
chính chủ …
- Xác định đối tượng và nội dung để ban hành
kiến nghị phòng ngừa
Từ những
nguyên nhân được liệt kê ra nêu trên, cán bộ thực hiện nhiệm vụ sẽ xác định cơ quan
nào là cơ quan quản lý giải quyết các nguyên nhân nói trên, từ đó xác định đối
tượng và nội dung để ban hành kiến nghị:
Ví dụ đối với các nguyên nhân (1 đến 3): Cần
xác định trong phạm vi địa bàn huyện Thanh Chương, đơn vị Công an huyện có nhiệm
vụ gì, Huyện đoàn có nhiệm vụ gì, Cơ quan ngân hàng có nhiệm vụ gì … Những cơ
quan đó do đơn vị nào quản lý/ chủ quản để xác định chủ thể kiến nghị. Từ đó, có
thể ban hành Kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo các cơ quan nói trên
thực hiện các công tác để phòng ngừa loại tội phạm này hoặc có thể ban hành trực
tiếp đến cơ quan đó để kiến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Đối với nguyên nhân thứ 4: xuất phát từ công tác quản lý nhà nước đối với
việc cấp, tài khoản nhân hàng chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện hay
Ngân hàng không phải chủ thể kiến nghị. Chính vì vậy cần có văn bản đề xuất
VKSND tỉnh hay thông qua các báo cáo để đề xuất với cấp trên sửa đổi luật/ kiến
nghị các cấp có thẩm quyền chấn chỉnh vấn đề này.
- Dự thảo và tham mưu lãnh đạo ban hành kiến
nghị phòng ngừa:
Từ những nội
dung đã phân tích ở trên, dự thảo kiến nghị phòng ngừa theo mẫu số 130/HS ban
hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện KSND Tối cao,
nội dung gốm 3 phần: Phân tích hình tội phạm, vi phạm pháp luật; Phần đánh giá
tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm và vi phạm; Phần các biện pháp phòng ngừa
tội phạm và vi phạm pháp luật. Sau khi hoàn thiện dự thảo, Kiểm sát viên trình
lãnh đạo ban hành kiến nghị.
- Phối hợp trong công tác thực hiện kiến nghị
phòng ngừa:
Sau khi dự thảo
và ban hành kiến nghị phòng ngừa đến Chủ tịch UBND huyện về việc chỉ đạo các cơ
quan về thực hiện những biện pháp phòng ngừa, Viện kiểm sát cần theo dõi việc
thực hiện kiến nghị có hiệu quả hay không. Bởi lẽ nếu ban hành một kiến nghị có
chất lượng, mà cơ quan hữu quan lại không thực hiện hay thực hiện không hiệu quả
thì công tác kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát cũng chưa đạt yêu cầu đề
ra.
Chính vì vậy,
sau khi ban hành kiến nghị phòng ngừa, bằng nhiều biện pháp khác nhau, Viện kiểm
sát có thể theo dõi việc thực hiện nghị của các cơ quan hữu quan như sau: Ký quy chế liên ngành với các cơ quan hữu
quan trong việc thực hiện các kiến nghị; Tham mưu lãnh đạo trình bày báo cáo tại
cuộc họp nội chính hàng tháng. Ban hành công văn tham mưu ban thường trực huyện
ủy chỉ đạo nhắc nhở các cơ quan tổ chức hữu quan thực hiện các biện pháp phòng
ngừa; Chủ trì triển khai các Hội nghị đánh giá công tác thực hiện kiến nghị
phòng ngừa, có sự tham gia của Cấp ủy chính quyền địa phương.
- Đánh giá công tác triển khai thực hiện kiến
nghị:
Sau khi ban
hành kiến nghị, Kiểm sát viên cần theo dõi trong vòng 3 tháng (6 tháng, 9 tháng
…) tiếp theo số lượng tin báo hoặc vụ án đã khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt
tài sản” với các hình thức đã nêu ra trong kiến nghị có xu hướng tăng thì cần
đánh giá lại nội dung theo các bước trên, để tìm ra những điểm chưa phù hợp
trong bản kiến nghị phòng ngừa hoặc triển khai thực hiện kiến nghị phòng ngừa.
Từ đó, Kiểm sát viên có kế hoạch tham mưu những nội dung khắc phục đối với những
bản kiến nghị hay đảm bảo việc thực hiện kiến nghị hiệu quả hơn./.
Trần Văn Phú
Viện KSND huyện Thanh Chương