image banner
Một số vướng mắc trong thực tiễn khi xử lý các vụ tai nạn giao thông khi Cơ quan điều tra tiếp nhận vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm do lực lượng cảnh sát giao thông chuyển đến

Ngày 19/6/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 63/2020/TT – BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông; Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (sau đây gọi tắt là Thông tư 63/2020/TT-BCA), qua thực tiễn áp dụng nhận thấy còn có vướng mắc cần trao đổi để thống nhất trong quá trình thực hiện.

Theo  quy định, tại điểm a khoản 7 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT – BCA quy định khi cán bộ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông: Nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện như sau:

Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết;

Đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết.

Như vậy, theo quy định trên thì lực lượng Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết. Đối với trường hợp Cán bộ Cảnh sát giao thông trong quá trình xác minh giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện vụ tại nạn giao thông

có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ, tài liệu, tang vật, phương tiện vụ tai nạn giao thông cho Cơ quan Cảnh sát điều tra theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 17 Thông tư 63/2020/TT – BCA.

a) Cán bộ Cảnh sát giao thông thuộc Công an cấp huyện phải báo cáo Trưởng Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, tài liệu, tang vật, phương tiện vụ tai nạn giao thông cho Đội điều tra tổng hợp tiếp nhận điều tra, giải quyết;

b) Cán bộ Cảnh sát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông phải báo cáo Cục trưởng, cán bộ Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải báo cáo Trưởng phòng để chỉ đạo việc điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo Điều 20 Thông tư này.

Theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng cảnh sát nhân dân thì lực lượng Cảnh sát điều tra:

           “a) Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường; các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên...

           b) Tiếp nhận, tổ chức điều tra các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm theo thẩm quyền do lực lượng Cảnh sát giao thông chuyển giao.”

           Để làm rõ hơn việc phân công trách nhiệm và thực hiện công tác phối hợp trong việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, ngày 19/6/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 63/2020/TT – BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông; Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, tại điểm a khoản 7 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT – BCA quy định, nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì lực lượng Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết; và điểm a khoản 2 Điều 17 Thông tư 63/2020/TT – BCA quy định: đối với vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm thì cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Trưởng Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, tài liệu, tang vật, phương tiện vụ tai nạn giao thông cho Đội điều tra tổng hợp tiếp nhận điều tra, giải quyết.

          Như vậy, đối với các vụ tai nạn giao thông không do Cơ quan điều tra tiếp nhận, điều tra từ ban đầu mà do lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp nhận, điều tra, giải quyết theo thủ tục hành chính nhưng sau đó mới phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cho Cơ quan điều tra tiếp nhận, điều tra, giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.

          Tuy nhiên, trong thực tiễn khi Cơ quan điều tra tiếp nhận vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm do lực lượng cảnh sát giao thông chuyển đến, trong hồ sơ có các tài liệu về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, giám định chuyên môn (giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể người bị nạn, định giá thiệt hại về tài sản, giám định dấu vết; giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, cầu, đường, phà) được thực hiện theo thủ tục hành chính  tức là không có sự tham gia của Điều tra viên, Kiểm sát viên…thì khi xem xét căn cứ khởi tố, điều tra, xét xử vụ án hình sự có trực tiếp sử dụng các tài liệu này để giải quyết vụ án được không hay phải tiến hành lại các biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, giám định chuyên môn trong vụ tai nạn giao thông đường bộ theo đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự?

          Nếu phải tiến hành lại các biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, dựng lại hiện trường....thì trong thực tiễn không phải vụ án  nào cũng thực hiện được. Vì sau khi tai nạn xẩy ra một số phương tiện như ô tô, xe mô tô  rơi xuống ruộng, xuống ao…mà sau khi khám nghiệm hiện trường thì các phương tiện đã được di chuyển nên việc tiến hành lại các biện pháp khám nghiệm hiện trường, dựng lại hiện trường là không thực hiện được. Hơn nữa, trong quá trình xử lý các vụ tai nạn giao thông thì cơ quan xử lý ban đầu xác định không có dấu hiện quả tội phạm nên đã trả lại các phương tiện cho các chủ sở hữu, các chủ sở hữu sau khi nhận lại phương tiện đã tiến hành sửa chữa, nên việc phải tiến hành lại biện pháp khám nghiệm phương tiện cũng không thực hiện được.

 Trên đây là một số vướng mắc trong thực tiễn khi xử lý các vụ tai nạn giao thông khi Cơ quan điều tra tiếp nhận vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm do lực lượng cảnh sát giao thông chuyển đến. Rất mong nhận được ý kiến của đồng nghiệp.

                                                                          Hoàng Minh Hùng

                                                 Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1