image banner
Một số vấn đề trích cứu hồ sơ vụ án hình sự

Trích cứu hồ sơ vụ án hình sự, là thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự; là trích ra, viện dẫn những tài liệu, chứng cứ được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong quá trình điều tra vụ án hình sự.

Việc trích cứu hồ sơ nhằm giúp cho kiểm sát viên nắm chắc được nội dung vụ án, thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử. Qua việc trích cứu, kiểm sát viên bám sát và nắm chắc quá trình điều tra, dễ dàng trong việc xây dựng báo cáo đề xuất, trong việc tổng hợp vi phạm của cơ quan điều tra, phát hiện kịp thời các vi phạm nghiêm trọng của cơ quan cảnh sát điều tra để yêu cầu, nhắc nhở khắc phục sữa chữa; đảm bảo hồ sơ vụ án được xây dựng một cách khách quan, đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền và hình thức luật định; hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; hạn chế được oan sai và bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án. Trên cơ sở trích cứu hồ sơ vụ án hình sự, kiểm sát viên có hướng giải quyết vụ án hình sự một cách đúng đắn và chính xác nhất.

1. Quy trình trích cứu

Để thuận tiện cho việc trích cứu hồ sơ, kiểm sát viên cần soạn sẵn một bản trích cứu mẫu và sẽ tiến hành trích cứu ngay khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, việc trích cứu diễn ra đồng thời với việc nhận văn bản, tài liệu mới từ cơ quan điều tra.

* Bước 1: Tiến hành lập hồ sơ kiểm sát, sắp xếp theo quy định về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự ban hành theo quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3 ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Khi kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra một vụ án hình sự cần tiến hành ngay việc lập hồ sơ kiểm sát, sắp xếp hồ sơ kiểm sát án hình sự ban hành theo quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3 ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

*  Bước 2: Xây dựng bản trích cứu mẫu

 Để làm tốt việc trích cứu hồ sơ vụ án hình sự, cần tiến hành xây dựng chi tiết một bản trích cứu mẫu, áp dụng cho tất cả các hồ sơ vụ án.

Bàn trích cứu mẫu gồm các mục lớn cố định (cấu trúc):

I.                   Thủ tục tố tụng

II.                Chứng cứ buộc tội

1.     Tài liệu, đồ vật

2.     Lời khai

2.1.         Lời khai của bị can

2.2.         Lời khai của bị hại

2.3.         Lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

2.4.         Lời khai của người làm chứng

2.5.         Lời khai của người chứng kiến

III.             Chứng cứ gỡ tội

IV.            Lý lịch bị can

V.               Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ

VI.            Những vấn đề còn mâu thuẫn, cần tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ

VII.         Những vi phạm của cơ quan điều tra

* Bước 3: Đọc, tóm tắt, trích lọc ý chính của tài liệu

Trong quá trình kiểm sát điều tra việc trích cứu được tiến hành khi Kiểm sát viên nhận được tài liệu mới từ cơ quan điều tra chuyển giao.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định này thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 03 ngày Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Khi nhận được tài liệu, văn bản tố tụng mới Kiểm sát viên tiến hành đọc, tóm tắt và lọc ý chính của tài liệu đó. Trước hết lướt qua toàn bộ nội dung, văn bản; trọng tâm là nhìn vào tiêu đề của văn bản, ngày tháng năm ban hành văn bản, phần ký nhận đóng dấu ở cuối văn bản. Sau khi đã lướt nhìn qua xong, tiến hành đọc kỹ phần nội dung văn bản để lọc ý chính hoặc những câu, chữ trọng tâm của văn bản nhưng vẫn đầy đủ nội dung như: Thời gian, địa điểm, hành vi, số liệu, câu nói mấu chốt, ...

* Bước 4. Điền thông tin, dữ liệu vào bản trích cứu mẫu

Sau khi đã tóm tắt, lọc ý chính thì kiểm sát viên tiến hành điền thông tin, dữ liệu vào bản trích cứu mẫu.

Quá trình trích cứu, nếu phát hiện tài liệu, văn bản tố tụng nào có vi phạm thì Kiểm sát viên trích ghi dạng vi phạm, điều luật vi phạm vào mục VII của bản trích cứu. Việc tổng hợp vi phạm của cơ quan điều tra vào mục này đầy đủ, cụ thể sẽ thuận lợi cho Kiểm sát viên trong việc đề ra yêu cầu điều tra, trong việc xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết trong giai đoạn truy tố, báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án trước khi xét xử (theo mẫu số 09/HS theo QĐ số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017). Vì trong những báo cáo này, đều yêu cầu Kiểm sát viên phải nêu lên những vi phạm của các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp, cá nhân người tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

* Bước 5. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh bản trích cứu hồ sơ vụ án

Khi có bản kết luận điều tra và nhận hồ sơ vụ án từ cơ quan cảnh sát điều tra, Kiểm sát viên chỉ cần rà soát, đối chiếu tài liệu có trong hồ sơ vụ án tương ứng với phần nào, dòng nào trong bản trích cứu.

2. Kỹ năng trích cứu

2.1. Kỹ năng đc, lọc ý chính của tài liệu

Đọc tài liệu được áp dụng đối với tài liệu viết hoặc hình ảnh có chụp chữ viết. Trước khi đọc cần tiến hành nhìn lướt qua toàn bộ nội dung, văn bản; trọng tâm là nhìn vào tiêu đề của văn bản, ngày tháng năm ban hành văn bản, phần ký nhận đóng dấu ở cuối văn bản. Đối với việc đọc lướt qua này, giúp cho kiểm sát viên phát hiện được các lỗi sai về mặt hình thức thường gặp của Điều tra viên, cơ quan CSĐT khi lập tài liệu: Không ghi đầy đủ ngày tháng năm lập, văn bản không có số, những người tham gia không ký đầy đủ vào văn bản, quên đóng dấu, không gạch chéo vào cuối văn bản, không ghi thời hạn yêu cầu trưng cầu giám định, không ghi thời hạn yêu cầu định giá tài sản; thành phần tham gia không đúng; thời hạn gửi văn bản, tài liệu; kiểm sát được cơ quan điều tra thiếu thủ tục gì? Kiểm sát được trình tự, thủ tục ra quyết định... Thuận lợi cho việc tổng hợp vi phạm của cơ quan điều tra.

Sau đó tiến hành đọc kỹ phần nội dung văn bản để lọc ý chính hoặc những câu, chữ trọng tâm của văn bản. Kiểm sát viên phải rèn cho mĩnh kỹ năng tóm tắt nội dung văn bản, lấy những ý chính, quan trọng nhưng vẫn đầy đủ nội dung như: Thời gian, địa điểm, hành vi, số liệu, câu nói mấu chốt, ... Ví dụ: Đối với lời khai về tội trộm thì nhất định phải tóm tắt được trộm cắp ở đâu, trộm cắp những tài sản nào, số lượng bao nhiêu… hay như đối với tội cố ý gây thương tích thì phải tóm tắt được nguyên nhân mâu thuẫn, cố ý gây thương tích cho ai? Gây thương tích ở vị trí nào? Hậu quả ra sao? Gây thương tích bằng hung khí gì? Thông qua phần trích lọc nội dung chính này, giúp cho kiểm sát viên phát hiện được các mâu thuẫn trong lời khai, những thiếu sót về mặt nội dung, những vấn đề cần tiến hành hỏi cung thêm, lấy lời khai thêm để đề ra yêu cầu điều tra kịp thời nhằm chứng minh hành vi phạm tội hoặc gỡ tội cho bị can.

Đối với những tài liệu, những đoạn chứng minh hành vi phạm tội của bị can thì phải đọc kỹ. Cần thiết có thể trích nguyên văn câu chữ do bị can nói trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Nhất là đối với những hành vi phạm tội về ma túy, các đối tượng thường không nói rõ mua bán gì với số lượng bao nhiêu mà thường dùng ám hiệu, nói bớt, nói tránh; vì thế cần phải trích nguyên văn câu nói của bị can để yêu cầu bị can giải thích. Hoặc đối với những nội dung trọng tâm có thể trích cả một đoạn thay vì lọc ý chính. Việc đọc kỹ nội dung, lọc ý chính, trích nguyên văn câu nói, ... giúp ích rất nhiều cho Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử:

+ Không bỏ sót nội dung trong tài liệu

+ Phát hiện được mâu thuẫn trong các lời khai, tài liệu

+ Phát hiện được mấu chốt của vụ án

+ Đề ra yêu cầu điều tra kịp thời, có chất lượng

+ Dễ dàng cho việc soạn thảo cáo trạng

+ Thuận lợi trong việc soạn thảo những vấn đề cần tranh luận, đối đáp tại phiên tòa

Trong vụ án hình sự nhiều trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ là dữ liệu điện tử; video hoặc hình ảnh để chứng minh. Cần đọc kỹ phần mô tả tài liệu, chứng cứ, lời khai của người cung cấp chứng cứ, mô tả tài liệu chứng cứ để hiểu được giá trị hình ảnh, tài liệu, đồng thời lọc ra ý chính ghi vào bản trích cứu.

2.2. Kỹ năng phân tích, kiểm tra, rà soát sự thống nhất hoặc mâu thuẫn trong các lời khai, tài liệu, chứng cứ:

Một trong những cách để kiểm sát viên dễ dàng nhận biết được sự thống nhất hoặc mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ đó chính là việc ghi nhớ ý chính, phân tích số liệu hoặc nội dung chính và đánh dấu lại.

Đối với những câu trích nguyên văn, những câu trọng điểm, hoặc những số liệu, những từ ngữ mấu chốt, những ý chính, những thông tin cần chú ý thì Kiểm sát viên có thể in đậm, in nghiêng hoặc gạch chân, để khi đọc lại bản trích cứu chỉ cần nhìn lướt qua có thể nắm được nội dung (Ví dụ như in đậm phần khối lượng chất ma túy, in đậm phần kết luận giám định tỷ lệ thương tích, in đậm phần kết luận định giá tài sản; Gạch chân phần còn mâu thuẫn, chưa thống nhất; in nghiêng khi trích nguyên văn lời nói…. )

          Qua việc nghiên cứu trên, kiểm sát viên sẽ nắm được tiến độ điều tra đến đâu, hành vi phạm tội đã được xác minh, làm rõ chưa; các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án đã được làm sáng tỏ chưa? Cần phải bổ sung, làm rõ thêm những vấn đề gì? Nội dung gì.

          2.3. Kỹ năng phát hiện vi phạm trong trích cứu

          - Việc xác định vi phạm của cơ quan điều tra cần đảm bảo tính chính xác, có căn cứ, nêu rõ vi phạm điểm, khoản, điều nào của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan. Vì vậy, Kiểm sát viên cần phải nắm chắc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, hướng dẫn của văn bản liên quan, nắm chắc các dạng vi phạm thường gặp trước. Sau đó, trong quá trình trích cứu hồ sơ vụ án hình sự, kiểm sát chặt chẽ từng văn bản tài liệu, thao tác nghiệp vụ của Điều tra viên để phát hiện ra vi phạm và tổng hợp lại.

- Kiểm sát viên cần nghiên cứu, vận dụng các Điều Luật của BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan để định dạng, gọi tên được các dạng vi phạm của Cơ quan cảnh sát điều tra và áp dụng căn cứ pháp luật chính xác. Xác định rõ những hành vi, quyết định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đã vi phạm vào điều luật nào; điều kiện, nguyên nhân dẫn đến vi phạm; biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm.

- Kiểm sát viên phải nắm được trình tự, thủ tục của hoạt động điều tra; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên theo quy định tại Điều 37 BLTTHS; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ điều tra theo quy định tại Điều 38 BLTTHS. Nắm chắc các biểu mẫu của cơ quan cảnh sát điều tra, của Viện kiểm sát, từ đó hình thành kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án hình sự.

Một số lưu ý khi kiểm sát hồ sơ, tài liệu:

- Kiểm sát về hình thức văn bản, tài liệu, chứng cứ:

+ Có đúng mẫu tố tụng không

+ Có ký và đóng dấu theo đúng quy định không?

          + Các biên bản có được gạch chéo để tránh tình trạng ghi thêm không?

          + Có đầy đủ chữ ký của những người tham gia không?

          + Thời hạn gửi văn bản, tài liệu, chứng cứ có đúng quy định của pháp luật không? Có vi phạm khoản 5 Điều 88 không?

          - Kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định:

          Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn các lệnh, quyết định có đầy đủ không? Có chứng minh được hành vi phạm tội không? Các chứng cứ, tài liệu cung cấp có khách quan, toàn diện không? Có đủ căn cứ để chứng minh người bị khởi tố là người đã thực hiện hành vi phạm tội không?           Việc ban hành các lệnh, quyết định có đúng thẩm quyền không? Có đúng trình tự, thủ tục không? Việc ban hành các lệnh, quyết định có đúng điểm, khoản, điều của Bộ luật không?

          - Kiểm sát về nội dung:

          + Nội dung có chặt chẽ không, có thiếu sót gì không

          + Thông qua việc đọc, nghiên cứu nội dung các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung kiểm sát viên nắm được thao tác của Điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án; các biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung có khách quan không? các câu hỏi của Điều tra viên có phản ánh đúng nội dung vụ án không? có làm rõ được các yếu tố cấu thành tội phạm và các tình tiết khác của vụ án không? Có mớm cung, áp đặt, dẫn dắt không? Có làm sai lệch hồ sơ vụ án không?

 

Nguyễn Thị Minh

Viện KSND huyện Đô Lương

                                               

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1