image banner
Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác Kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong giai đoạn hiện nay

Năm 2022 là năm đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác cai nghiện ma túy bắt buộc với sự bổ sung, thay thế của nhiều văn bản, trực tiếp nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy, mặt khác là sự thay thế, bổ sung của các Nghị định, Thông tư có liên quan. Sự thay đổi này được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh việc cai nghiện bắt buộc (CNBB) cần phải hiệu quả hơn, đáp ứng được xu hướng hiện nay khi công tác phòng chống ma túy đang ngày càng phức tạp, người nghiện ma túy đang có chiều hướng gia tăng và không ngừng trẻ hóa. Từ thực tiễn như vậy, đòi hỏi Ngành Kiểm sát nhân dân trong khâu công tác này phải có sự nghiên cứu, cập nhật, đổi mới nhằm theo kịp sự thay đổi của pháp luật cũng như thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

1. Sự thay đổi về pháp luật trong công tác cai nghiện bắt buộc

Trước đây, các chế tài quản lý mới chỉ áp dụng cho người được xác định là nghiện ma túy. Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính cao nhất là 01 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Một số trường hợp sử dụng ma túy dẫn đến loạn thần, “ngáo đá” gây ra một số vụ án nghiêm trọng, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là cần có quy định quản lý những đối tượng sử dụng ma túy (Không phải người nghiện ma túy), để vừa có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn các hậu quả do ma túy gây ra từ sớm.

Một vấn đề nổi cộm khác trong công tác cai nghiện ma túy trước đây, đó là chưa có những quy định về việc cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi. Trong khi đó, việc sử dụng ma túy ở lứa tuổi này hiện nay ngày càng gia tăng, hệ lụy từ sự phát triển của kinh tế xã hội, công nghệ thông tin làm cho lớp trẻ rất dễ tiếp cận, mua bán khi có nhu cầu, vì vậy yêu cầu đặt ra cần có những biện pháp để quản lý các đối tượng này.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, quá trình áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy nói chung và biện pháp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB nói riêng đã bộc lộ nhiều bất cập như: Các mẫu văn bản chưa được quy định một cách thống nhất (Mỗi ngành có liên quan đều có Thông tư hướng dẫn mẫu riêng); việc áp dụng còn mất nhiều thời gian và kéo dài do phải trải qua nhiều cơ quan xem xét, đề nghị…

Luật xử lý vi phạm hành chính năm (sửa đổi bổ sung năm 2020), Luật phòng chống ma túy năm 2021 và các Nghị định: 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021, Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021… ra đời đã cơ bản giải quyết được những bất cập nêu ra ở trên. Cụ thể:

Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 đã quy định rõ các biện pháp quản lý người sử dụng ma túy. Đây là biện pháp phòng ngừa, không phải xử phạt hành chính, không liên quan đến lý lịch, nhân thân của người đó. Việc quy định như vậy thể hiện rõ tinh thần giáo dục nhằm giúp họ tránh xa ma túy. Đồng thời, pháp luật đã có những quy định mới so với trước đây về các đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về đưa vào cơ sở CNBB đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tiếp đó, ngày 24/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 quy định về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở CNBB (PL01/2022).

Ngoài ra, một số khó khăn, vướng mắc khác cũng đã được các văn bản quy phạm pháp luật mới giải quyết như việc hiện nay đã thống nhất được mẫu văn bản sử dụng trong hồ sơ đề nghị; thời gian lập hồ sơ và xem xét đề nghị áp dụng đã được rút ngắn đáng kể…

2. Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Như đã đề cập, giai đoạn hiện nay là giai đoạn các cán bộ Kiểm sát cần phải có sự tìm hiểu, cập nhật các quy định mới của pháp luật về việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, đảm bảo việc áp dụng biện pháp CNBB được thực hiện nghiêm chỉnh và đúng quy định. Thực tiễn trên địa bàn huyện Nghi Lộc, từ đầu năm 2022 (Thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành), Viện KSND huyện đã phát hiện 07 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp CNBB không đủ điều kiện áp dụng, kịp thời yêu cầu Tòa án có yêu cầu đối với cơ quan có thẩm quyền bổ sung hồ sơ, đảm bảo việc thu thập tài liệu đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra một số lưu ý khi thực hiện công tác này:

2.1. Đề nghị áp dụng biện pháp CNBB đối với đối tượng không thuộc trường hợp phải CNBB:

Trước đây, đối tượng bị áp dụng phổ biến là người nghiện ma túy và đã được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện. Các cơ quan có liên quan hầu như chỉ căn cứ vào phiếu xét nghiệm dương tính với ma túy để đề nghị áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đã quy định rõ người bị đề nghị áp dụng phải là người nghiện (Xác định thông qua Phiếu xác định tình trạng nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp theo Mẫu 04 hoặc 05 Ban hành kèm theo Nghị định 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021). Nếu chỉ xác định người đó dương tính với ma túy mà không xác định người đó người nghiện ma túy thì không có căn cứ để đưa người đó đi cai nghiện bắt buộc.

2.2. Thời hạn, trình tự thủ tục trong việc lập hồ sơ có sự thay đổi:

Theo quy định mới, thời hạn và trình tự thủ tục trong việc lập hồ sơ đã rút ngắn hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện nay, thời hạn cho người bị đề nghị đọc hồ sơ chỉ còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo (Trước đây là 05 ngày), thời hạn phòng Lao động, Thương binh & Xã hội (Phòng LĐ, TB&XH) chuyển hồ sơ cho Tòa án là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ (Trước đây là 07 ngày). Bên cạnh đó, quy định mới đã lược bỏ vai trò của Phòng Tư pháp cấp huyện trong việc thẩm định hồ sơ.

2.3. Các mẫu văn bản đã được thay đổi mới so với trước đây:

Trước đây các biểu mẫu không có sự thống nhất trong quá trình lập hồ sơ CNBB. Một phần nguyên nhân là do công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian đó còn hạn chế. Các quy định mới đã gần như khắc phục được các bất cập trên. Khi kiểm sát hồ sơ chúng ta cần chú ý các mẫu văn bản đã được quy định cụ thể tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 (Mẫu văn bản về các thủ tục trong hồ sơ do UBND xã, phòng LĐ, TB&XH thiết lập), Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 (Mẫu văn bản về xác định và quản lý người sử dụng ma túy), Nghị định 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 (Mẫu văn bản về việc xác định tình trạng nghiện ma túy).

3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định trong thời gian tới

Pháp luật điều chỉnh tuy đã có những thay đổi đáng kể và đã khắc phục cơ bản những khó khăn, vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện khâu công tác kiểm sát việc áp dụng cai nghiện bắt buộc, tác giả có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

3.1. Cần quy định Viện kiểm sát có quyền ban hành yêu cầu xác minh, bổ sung, thu thập chứng cứ (Khi kiểm sát hồ sơ thấy chưa đảm bảo căn cứ).

Mặc dù tại khoản 1, Điều 4 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH14 ngày 20/01/2014 (PL 09/2014) và khoản 1, Điều 4 PL 01/2022, pháp luật quy định Viện kiểm sát “... thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật”. Tuy nhiên không giống như trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính không quy định rõ Viện KSND có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, bổ sung, thu thập chứng cứ. Việc đề ra các yêu cầu có ý nghĩa quan trọng và là công cụ hữu hiệu để Viện kiểm sát thể hiện được vai trò, chức năng của ngành đồng thời đảm bảo cho pháp luật được thực hiện đầy đủ, thống nhất.

3.2. Cần quy định việc giao nhận hồ sơ giữa các cơ quan hữu quan phải được lập biên bản.

Để kiểm sát tốt việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hữu quan mà cụ thể là UBND xã, Công an xã, Phòng LĐ, TB & XH trong việc thiết lập hồ sơ, một trong những tài liệu quan trọng mà Viện kiểm sát sử dụng đó là biên bản giao nhận hồ sơ giữa các cơ quan này. Biên bản giao nhận hồ sơ chính là căn cứ để thể hiện việc giao nhận hồ sơ, hay việc xử lý hồ sơ sau khi nhận hồ sơ có đúng thời hạn hay không?

Ngoài Nghị định 116/2021/NĐ-CP đã được đề cập, Luật xử lý vi phạm hành chính (Sửa đổi, bổ sung) đã kéo theo việc ra đời Nghị định 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, thay thế cho các Nghị định cũ. Hai Nghị định được ra đời trong cùng một bối cảnh nhưng nội dung về việc lập biên bản giao nhận có sự khác nhau. Cụ thể tại khoản 4, Điều 13 Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định rõ: “Việc giao, nhận hồ sơ phải được lập biên bản”, tuy nhiên tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP hoàn toàn không có quy định này. Nếu không có sự ràng buộc giữa các cơ quan trong việc lập biên bản giao nhận hồ sơ đề nghị áp dụng CNBB thì sẽ dẫn đến khi hồ sơ CNBB bị quá thời hạn giải quyết sẽ không làm rõ được trách nhiệm cụ thể.

3.3. Viện kiểm sát cần được tham gia vào việc xem xét hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

CNBB là một biện pháp xử lý hành chính, do đó các quy định điều chỉnh việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính nói chung cũng đồng thời điều chỉnh việc xem xét áp dụng biện pháp CNBB. Theo PL09/2014 và PL01/2022, phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong việc xem xét việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính còn bị hạn chế rất nhiều, mặc dù kiểm sát tốt hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong việc bảo đảm biện pháp CNBB được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Theo quy định, Viện kiểm sát chỉ được nghiên cứu hồ sơ tại trụ sở Tòa án, chỉ trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát mới được có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định. Trong khi thời gian để Tòa án ra quyết định là rất ngắn (05 ngày làm việc), để xác định đâu là trường hợp cần thiết thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, mặt khác đây là quy định mang tính tùy nghi nên trên thực tế Viện kiểm sát chưa tham gia được vào kiểm sát các hồ sơ đề nghị xem xét hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, ... để đảm bảo có căn cứ hay không? Do vậy, Viện kiểm sát cần phải được nghiên cứu hồ sơ, có phát biểu quan điểm như khi đưa vào cai nghiện bắt buộc.

3.4. Ngành kiểm sát cần sớm ban hành quy chế về Kiểm sát phiên họp xem xét đưa người từ 12 đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiệm bắt buộc

Cũng tương tự như PL 09/2014, PL01/2022 tiếp tục quy định về sự tham gia của Viện kiểm sát trong công tác xem xét việc áp dụng biện pháp CNBB PL01/2022 và PL09/2014 vừa có những điểm tương đồng nhưng lại vừa có những điểm riêng biệt, đòi hỏi cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phải chú ý để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị đề nghị, đặc biệt là các đối tượng từ 12 đến 18 tuổi. Có thể kể đến một số khác biệt của PL01/2022 như: Nguyên tắc bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của người bị đề nghị; phiên họp phải được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; trang phục của người tiến hành phiên họp; quy định về việc Tòa án và Thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia trong một số trường hợp đặc biệt…

Hiện nay, cán bộ Ngành Kiểm sát trong khâu công tác này đang thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 299/QĐ-VKSTC năm 2020 ngày 19/8/2020 về kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Với sự ra đời của Pháp lệnh mới đòi hỏi một Quy chế hướng dẫn đặc thù riêng, giúp cho Kiểm sát khi thực hiện nhiệm vụ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, qua đó thể hiện vai trò, chức năng của Ngành. Bên cạnh đó, Viện KSND tối cao cần tổ chức các buổi tập huấn để quán triệt các quy định pháp luật mới cũng như định hướng hoạt động khâu công tác này trong thời gian tới, để thực sự hướng đến sự đột phá, toàn diện của khâu công tác Dân sự - Hành chính theo chủ trương, kế hoạch của Ngành Kiểm sát nhân dân./.

Trần Hoàng Thắng

VKSND huyện Nghi Lộc

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1