image banner
Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan tổ chức bưu chính, viễn thông (28/07/2021 10:42 AM)
Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan tổ chức bưu chính, viễn thông (28/07/2021 10:42 AM)

Trong những năm gần đây, biện pháp điều tra thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan tổ chức bưu chính, viễn thông đang dần trở thành một trong những cách thức thu thập chứng cứ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Biện pháp này đã giúp khám phá thành công rất nhiều chuyên án lớn.

Tuy vậy “Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư” là quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật  bảo vệ, việc tiếp cận và thu giữ các nội dung liên quan phải đảm bảo chặt chẽ và tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật. Để chuyển hóa các nội dung trong phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thành chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, cán bộ Ngành Kiểm sát nhân dân cần nắm vững cách thức thu thập chứng cứ cũng như các kỹ năng kiểm sát đối với biện pháp điều tra này.

 


Ảnh minh họa

Nếu như việc thu giữ các nguồn chứng cứ như dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử… Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành (BLTTHS) cho phép Cơ quan điều tra (CQĐT) chủ động thực hiện biện pháp thu giữ mà không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát (VKS) thì Lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan tổ chức bưu chính viễn thông phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản và sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp biết (Tham khảo Điều 196, 197 BLTTHS).

Thực tế hiện nay, một số Kiểm sát viên (KSV), Điều tra viên (ĐTV) trong quá trình tiến hành tố tụng vẫn chưa nắm rõ và phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm về thư tín, điện tín và các loại nguồn chứng cứ khác, đặc biệt là giữa thư tín, điện tín và thông tin do tổ chức bưu chính viễn thông quản lý, phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử. Dẫn đến việc áp dụng sai thủ tục thu giữ các thông tin, dữ liệu... do tổ chức bưu chính viễn thông quản lý (Không phải thư tín, điện tín), khiến cho công tác điều tra mất rất nhiều thời gian. Căn cứ các quy định của pháp luật, tác giả xin được tóm lược một số khái niệm sau:

- Phương tiện điện tử: Là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự (Khoản 10 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Ví dụ: Điện thoại di động, máy tính cá nhân…


- Dữ liệu điện tử:
 Là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử (Khoản 1, Điều 99 BLTTHS). Ví dụ: Ảnh kỹ thuật số, file ghi âm, file ghi hình…

- Thư tín, điện tín: Hiện nay chưa có một định nghĩa pháp lý cụ thể thế nào là thư tín, điện tín, tuy nhiên có thể hiểu “thư tín” chính là thư (Chữ viết, ký hiệu, hình ảnh được viết, in trên bề mặt vật chất xác định như giấy, bìa) mà chúng ta gửi cho người khác thông qua dịch vụ bưu điện. “Điện tín” là telex, fax, tin nhắn SMS, tin nhắn MMS, cuộc gọi điện thoại kết nối qua mạng viễn thông (Tham khảo từ tài liệu Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 phần thứ II Chương XV, trang 65, tác giả Đinh Văn Quế (2019) - NXB Thông tin và truyền thông).

Ngày 09/02/2021, Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 03/HDLN-BCA-VKSNDTC về việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến thuê bao điện thoại phục vụ điều tra, xử lý vụ án vụ việc. Nội dung trọng tâm của hướng dẫn là: Các thông tin, tài liệu liên quan đến thuê bao điện thoại như thông tin về chủ thuê bao, số IMEI điện thoại, thời gian kích hoạt thuê bao; Lịch sử chi tiết cuộc gọi đi, gọi đến, lịch sử chi tiết tin nhắn đi, tin nhắn đến của thuê bao; Địa điểm thực hiện cuộc gọi, tin nhắn (Cuộc gọi và tin nhắn không bao gồm nội dung); Địa điểm nhận cuộc gọi, tin nhắn, dung lượng thực hiện cuộc gọi... không phải là thư tín, điện tín của khách hàng mà là các thông tin, tài liệu của doanh nghiệp, do doanh nghiệp lưu trữ, quản lý...

Tóm lại, điểm khác biệt giữa thư tín, điện tín và các nguồn chứng cứ khác đó là thư tín, điện tín là các nội dung thông tin trao đổi từ người này sang người khác,do các đơn vị bưu chính, viễn thông quản lý và được các đơn vị này vận chuyển, truyền tải thông qua đường chuyển phát bưu điện hoặc thông qua mạng viễn thông theo tiêu chuẩn bảo mật. Ví dụ: A sử dụng điện thoại di động nhắn tin sms vào máy điện thoại di động của B với nội dung “Bạn đang làm gì đó?”, thông qua mạng viễn thông Viettel thì nội dung tin nhắn “Bạn đang làm gì đó?” là điện tín, còn các thông tin về số điện thoại của A và B, loại máy A và B sử dụng, thời gian nhắn tin thì không phải là điện tín mà là các thông tin quản lý của công ty viễn thông Viettel.

Do đó, khi kiểm sát việc CQĐT thu thập thông tin về chủ thuê bao, lịch sử chi tiết cuộc gọi và tin nhắn, thông tin người gửi và người nhận thư, bưu kiện, bưu phẩm… (Không bao gồm nội dung của cuộc gọi, tin nhắn, thư tín, bưu phẩm, bưu kiện), thì KSV phải nhận thức rõ rằng đây không phải là thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện mà đây các thông tin, tài liệu tổ chức bưu chính viễn thông lưu trữ, quản lý...,  do đó việc thu thập các nội dung này không cần sự phê chuẩn của VKS. Trường hợp CQĐT hoặc công ty viễn thông có ý kiến trái ngược, KSV phải giải thích và làm rõ theo các nội dung như trên để quá trình xác minh, thu thập chứng cứ được thông suốt và không bị kéo dài.

Cũng theo Hướng dẫn số 03/HDLN-BCA-VKSNDTC nêu trên, một nội dung khác cần lưu ý đó là để văn bản trả lời của các doanh nghiệp viễn thông trở thành nguồn chứng cứ hợp pháp thì văn bản này phải được đóng dấu giáp lai của doanh nghiệp với nội dung đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của CQĐT, trường hợp không cung cấp được hoặc cung cấp chậm phải nêu rõ lý do.

Một lưu ý cuối cùng trong nội dung kiểm sát hoạt động này, để việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan tổ chức bưu chính, viễn thông đạt hiệu quả và đúng thời hạn, KSV cần lưu ý CQĐT phải gửi thủ tụcyêu cầu cung cấp đến đúng đầu mốixử lý của tổ chức bưu chính, viễn thông đó. Điển hình như căn cứ Công văn số 58/CV-NAN ngày 15/4/2021 của Viettel Nghệ An, đầu mối tiếp nhận của doanh nghiệp viễn thông này đó là đồng chí: Nguyễn Đình Hòa - Trợ lý Chính trị thuộc Viettel Nghệ An, địa chỉ: Tầng 7, Tòa nhà Viettel Nghệ An, Đại lộ Lê-Nin, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, SĐT: 0976.855.581.

Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông. Xin trao đổi và mong nhận được các ý kiến phản hồi và góp ý của quý đồng nghiệp và bạn đọc. Trân trọng cám ơn.

 

        Trần Hoàng Thắng
Viện KSND huyện Nghi Lộc


THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1