image banner
Giải quyết vụ án hình sự ở cấp phúc thẩm khi bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can (trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại)

Tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: "chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết"Đồng thời, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho người bị hại, người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, có quyền được rút yêu cầu khởi tố và không bị giới hạn về thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật đối với người bị yêu cầu khởi tố. Cthể, tại Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Như vậy, ở cấp phúc thẩm, bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại có quyền được rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến việc cấp phúc thẩm đảm bảo quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại và đại diện hợp pháp của họ như thế nào, các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp phúc thẩm ra sao; Chúng ta cùng tham khảo vụ án sau đây:           

Do trước đó cùng nhau sử dụng rượu bia, nên khoảng 22 giờ ngày 10/10/2023, Nguyễn Văn H., trú tại: xóm 3, xã T., huyện N., tỉnh V.) rủ Nguyễn Bá M., anh Bùi Danh H., anh Bùi Danh T. và Nguyễn Văn Đ. đều trú tại xóm 3, xã T, huyện N. đến quán Cô Bình trong xóm để tiếp tục ăn khuya và uống rượu. Sau khi ăn uống xong, khi chuẩn bị thanh toán số tiền 2.000.000 đồng (hai triệu đồng), thì anh Nguyễn Văn H. nói: “giờ tiền ai ăn thì người đó trả”, Nguyễn Bá M. đáp lại “Anh H. trả đi bữa cũng được, rồi về anh em tính sau, chứ bọn em không có tiền". Anh H. nói: “Mi trả đi, tau không có tiền, mỗi đứa có mấy trăm nghìn mà bây cũng không có, nhục”, M. nói lại H.: “Con mẹ mi”. Sau đó, M. cầm 01 cây kéo có chiều dài 22,5cm, mũi nhọn, lưỡi sắc dài 11cm, cán màu đỏ dài 11,5cm có sẵn tại bàn ăn của mình đi ra phía trước quán, rồi gọi anh H.: “Mi ra đây, mi ra đây”. Khi anh H. tiến lại gần thì M. dùng tay phải cầm kéo đâm một nhát vào vùng hố chậu bên trái của anh H. Bị M. đâm, anh H. hét lên “Thằng M. hấn cầm kéo đâm tau bây à”. Thấy H. chảy nhiều máu nên M. vứt kéo ngay trước quán, những người còn lại đưa anh H. đi cấp cứu.

Nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, ngày 11/10/2023, Nguyễn Bá M. đã đến Cơ quan CSĐT Công an huyện N. đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngày 11/10/2023, anh Nguyễn Văn H. đã có đơn đề nghị giám định thương tích và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 319/TTPY ngày 12/10/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh V. kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với anh Nguyễn Văn H. là: 02 %.

Vật chứng thu giữ được là 01 (một) cây kéo có chiều dài 22,5cm, mũi nhọn, lưỡi sắc dài 11cm, cán màu đỏ dài 11,5cm. Vật chứng hiện được bảo quản theo quy định.

Về dân sự: Bị hại anh Nguyễn Văn H. yêu cầu Nguyễn Bá M. bồi thường số tiền 21.972.000 đồng (hai mươi mốt triệu chín trăm bảy mươi hai nghìn đồng) (BL 79). Nguyễn Bá M. đã bồi thường cho anh Nguyễn Văn H. 10.000.000 đồng.

Bản án số 82/2023/HSST ngày 28/12/2023 của TAND huyện N. đã căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i,s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Bá M. 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích". Buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho anh Nguyễn Văn H. 11.972.000 đồng, ngoài ra bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại trong vụ án.

Ngày 06/01/2024, bị cáo Nguyễn Bá M. kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo, lý do bị cáo không đồng ý với mức hình phạt 6 tháng tù giam vì hình phạt đó quá nặng đối với bị cáo. Ngày 12/01/2024, bị hại Nguyễn Văn H. có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và đồng thời  xin trình bày ý kiến về việc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét cho bị hại được rút yêu cầu khởi tố vụ án vì trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, các bên đã thương lượng, hòa giải với nhau, thực tế cả hai bên là bạn bè thân thiết của nhau nên mong được rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án.

Anh-tin-bai

Quan điểm thứ nhất: Bị hại Nguyễn Văn H. xin rút yêu cầu khởi tố vụ án ở giai đoạn phúc thẩm thì tại phiên tòa, HĐXX cần tuyên hủy bản án sơ thẩm để đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 và Điều 359 BLTTHS.

Điều 155 BLTTHS quy định, “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ".

Mặt khác, tại Công văn 254/TANDTC-PC được ban hành ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn : "Trường hợp bị hại rút yêu cầu tại giai đoạn xét xử phúc thẩm thì HĐXX hoặc Thẩm phán xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào Khoản 2 Điều 155, Điều 359 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm".

Quan điểm thứ hai: Việc bị hại Nguyễn Văn H. yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố sau khi xét xử sơ thẩm thực chất là tình tiết mới phát sinh tại giai đoạn xét xử phúc thẩm nên cần áp dụng Điều 357 BLTTHS để sửa bản án sơ thẩm theo hướng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo do thỏa mãn các quy định tại khoản 3 Điều 29 hoặc Điều 59 BLHS.

 Khoản 3 Điều 29 BLHS quy định "Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

 Điều 59 BLHS quy định:  “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Quan điểm thứ ba:  Trong trường hợp bị hại Nguyễn Văn H. rút yêu cầu khởi tố ở cấp phúc thẩm mà cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án thì các vấn đề về dân sự và xử lý vật chứng trong bản án sơ thẩm sẽ không được giải quyết. Trường hợp này nên coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và HĐXXPT hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo điểm c khoản 1 Điều 358 BLTTHS 2015. Sau khi thụ lý lại hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra mới ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015. Như vậy chỉ có tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại thì cấp sơ thẩm mới có cơ sở để đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và xử lý vật chứng và giải quyết các vấn đề dân sự khác trong vụ án một cách triệt để và toàn diện nhất.

 Vậy trong 3 quan điểm đã nêu thì quan điểm nào đảm bảo căn cứ pháp lý và có tính thuyết phục nhất khi bị hại hoặc đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố tại cấp phúc thẩm?

Thứ nhất, HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án như hướng dẫn tại Công văn 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao: thấy rằng, mặc dù Công văn hướng dẫn trên là cơ sở để thẩm phán giải quyết các trường hợp rút yêu cầu khởi tố ở cấp phúc thẩm, đáp ứng yêu cầu tạm thời về tố tụng đối với những trường hợp trên.  Nhưng đó lại không phải là văn bản pháp luật, không đủ căn cứ pháp lý vững chắc để xử lý vụ việc. Theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố trong giai đoạn phúc thẩm không phải là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Cụ thể: theo Điều 359 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ có quyền huỷ bản án và đình chỉ vụ án trong các trường hợp: Huỷ bản án, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án khi không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm; Huỷ bản án và đình chỉ vụ án trong trường hợp: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. 

Thứ hai, nếu HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo khi bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn phúc thẩm thì: về mặt trách nhiệm pháp lý, việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự tức là họ đã bị khởi tố bị can về hành vi phạm tội của mình. Bởi lẽ, muốn áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS thì cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra xác minh, làm rõ những căn cứ tội phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, việc hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại xem có đảm bảo để xem xét, quyết định miễn trách nhiệm hình sự hay không? (khác với việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can thì họ hoàn toàn được xóa bỏ tư cách tham gia tố tụng là bị can trong 1 vụ án mà họ đã bị khởi tố (trước đó). Còn miễn hình phạt cho bị cáo là việc không buộc người phạm tội đã bị kết án phải chịu hình phạt về tội mà họ đã thực hiện điều đó không có nghĩa là họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mà mình đã gây ra. Như vậy, kể cả miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt  thì hậu quả pháp lý đều nặng nề hơn việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu rút yêu cầu khởi tố mà chỉ sửa bản án sơ thẩm theo hướng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo thì về cơ bản, ý chí của bị hại chưa được tôn trọng, quyền rút yêu cầu khởi tố phản ánh mong muốn của bị hại và đại diện hợp pháp của họ về việc xóa bỏ hoàn toàn 1 vụ án hình sự cũng như xóa bỏ tư cách bị can của người đã bị khởi tố, khi họ quyết định từ bỏ yêu cầu khởi tố.

Thứ ba, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo điểm c khoản 1 Điều 358 BLTTHS 2015. Phương án này sẽ cơ bản giải quyết được đầy đủ và toàn diện hơn các vấn đề liên quan đến vụ án như các vấn đề về dân sự, xử lý vật chứng... trong một quyết định đình chỉ vụ án hình sự khi trở về giải quyết ở cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, Luật không quy định căn cứ hủy án để điều tra lại khi đương sự rút yêu cầu khởi tố. Ở đây sẽ phát sinh trách nhiệm của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Tòa án cấp dưới trong việc xử lý án hủy để điều tra lại trong khi họ không có trách nhiệm, không có lỗi. Việc điều tra lại trong trường hợp này cũng không phát sinh nội dung gì ngoài việc thụ lý đơn và lấy lời khai thể hiện ý chí rút yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Hơn thế nữa, việc điều tra lại sẽ gây phiền hà, phức tạp và mất thời gian không cần thiết, ảnh hưởng đến quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên và cấp dưới khi phải xử lý lại án phúc thẩm bị hủy. Mặt khác, theo Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT - VKSNDTC - TANDTC - BCA - BQP ngày 22/12/2017 có quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, theo đó, quy định trong giai đoạn xét xử, Viện kiểm sát và Tòa án cần phối hợp để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo tác giả, quan điểm thứ nhất có nhiều ưu điểm hơn và đó cũng là cách phù hợp để giải quyết vụ án. Bởi lẽ, quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can của bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại phải là quyền xuyên suốt quá trình tố tụng của vụ án, khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì quyền đó tiếp tục được thực hiện, miễn là quyền đó được thực hiện với tinh thần tự nguyện không bị ép buộc, cưỡng bức. Và rõ ràng, khi họ yêu cầu chấm dứt tố tụng đối với vụ án hình sự đã khởi tố trước đó thì đương nhiên vụ án đó phải bị đình chỉ. Mặt khác, việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn tố tụng nào thì nên xử lý ở giai đoạn đó để đảm bảo tính phù hợp với thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, theo luật tố tụng hình sự hiện hành, nếu HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án ở trường hợp này nếu chỉ căn cứ công văn  254/TANDTC-PC thì vẫn chưa đảm bảo căn cứ pháp lý. Thực tiễn hiện nay, việc rút yêu cầu khởi tố đã và đang diễn ra khá thường xuyên trong các giai đoạn tố tụng, gồm cả ở giai đoạn phúc thẩm, dựa trên quyền mà Luật đã quy định cho người có yêu cầu khởi tố theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự. Nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật tố tụng hình sự để đảm bảo tính thống nhất và hoàn thiện pháp luật, giúp HĐXX thực hiện quyền hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án trong trường hợp này, bảo vệ quyền của bị hại và đại diện hợp pháp của họ. Do đó, tác giả đề xuất bổ sung thêm khoản 3 Điều 359 BLTTHS như sau: "3. Khi bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135,136,138, 139, 141, 143 Bộ luật hình sự thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án".  Bên cạnh đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn về thủ tục xử lý đối với các vấn đề về dân sự, xử lý vật chứng trong những trường hợp hủy án theo dạng này để đảm bảo việc xử lý được toàn diện và triệt để vụ án.

  Tác giả rất mong nhận được sự quan tâm và ý kiến trao đổi quan điểm từ các quý độc giả về việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong trường hợp nêu trên.                                                     

                                                                                                              Vũ Thị Hiền

                                                           Phó trưởng phòng 7 Viện KSND tỉnh Nghệ An

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1