image banner
Cần có hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng quy định “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Qua thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thấy phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần có văn bản hướng dẫn, giải thích của cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan tiến hành tố tụng có nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất, trong đó có quy định: “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm”. Khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, về cấu thành cơ bản thì hành vi khách quan của “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999 và hành vi khách quan của “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có sửa đổi, bổ sung.

Để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các tội phạm về ma túy, ngày 24 tháng 12 năm 2007, liên ngành Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999” (viết tắt là Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT) và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 11 năm 2015 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999” (viết tắt là Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT). Tại mục 7, phần II, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT quy đinh:

7. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198).

7.1. “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.

7.2. “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.

7.3. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

a) Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 197 của BLHS.

b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của BLHS”.

Điều 3 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT ghi: “Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT”.

Điều 426 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành”. Như vậy, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đương nhiên hết hiệu kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 01 năm 2018).

Để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), ngày 30/11/2020 Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao có công văn số 5442/VKSTC-V14 “V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự”. Tại tiết 16.1, mục 16, phần I công văn số 5442/VKSTC-V14 hướng dẫn: "Khoản 1 Điều 256 BLHS năm 2015 quy định bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma túy. Do vậy, trong trường hợp người nghiện ma túy có hành vi cho người nghiện ma túy khác sử dụng ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy".

Tại mục 6, phần I, công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao “V/v giải đáp một số vướng mắc trong xét xử” hướng dẫn: "Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự thì: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này…”. Quy định này không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Cho  nên, đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự thì bị xử lý về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm".

Các văn bản nói trên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa hướng dẫn cụ thể thế nào là “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặt khác, nội dung hướng dẫn tại công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao: “trong trường hợp người nghiện ma túy có hành vi cho người nghiện ma túy khác sử dụng ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" cũng chưa thống nhất với nội dung hướng dẫn tại công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao: “đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự thì bị xử lý về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm". Như vậy, theo hướng dẫn tại công văn số 5442/VKSTC-V14 thì có thể hiểu: Bất kỳ người nghiện ma túy nào có hành vi cho người nghiện ma túy khác sử dụng ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình (mặc dù không cho thuê, cho mượn) thì đều có thể bị xử lý về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Còn theo hướng dẫn tại công văn số 02/TANDTC-PC thì có thể hiểu: Người nghiện ma túy có hành vi cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để cùng sử dụng ma túy thì mới bị xử lý về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Từ các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XX “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để thay thế Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định: “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015, để các cơ quan tiến hành tố tụng có nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất.

                                                     

                                                                        Lữ Văn Sơn - Viện trưởng

Viện KSND huyện Quế Phong

 

                      

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1