Cần có giải giải pháp hiệu quả phòng ngừa tội phạm buôn bán, tàng trữ hang cấm trên địa bàn huyện Nghi Lộc.
Trong những năm qua, VKSND huyện Nghi Lộc đã phối hợp chặt chẽ cùng với các ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (pháo nổ). Tuy nhiên, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho thấy tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Cụ thể: Số liệu: (Từ 2019 –2022): Năm 2019: Khởi tố, truy tố và xét xử 12 vụ về tội “Buôn bán hàng cấm” và tội “Tàng trữ hàng cấm”, thu giữ 305,907 kg pháo. Năm 2020: Khởi tố, truy tố và xét xử 08 vụ về tội “Buôn bán hàng cấm” và tội “Tàng trữ hàng cấm”, thu giữ 711,6 kg pháo. Năm 2021: Khởi tố, truy tố và xét xử 17 vụ về tội “Buôn bán hàng cấm” và tội “Tàng trữ hàng cấm”, thu giữ 1292,469 kg pháo. Năm 2022, tại địa bàn huyện Nghi Lộc xảy ra 29 vụ về tội “Buôn bán hàng cấm” và tội “Tàng trữ hàng cấm”, thu giữ 7.200 kg pháo
Điển hình:
- Khoảng đầu tháng 10/2021 và các ngày 26/10/2021, 16/11/2021, tại nhà Phan Thị Hồng ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Thị Kim Chi - với sự giúp sức của Đào Tuấn Anh - đã 03 lần bán pháo nổ cho Trần Văn Dũng, Hoàng Văn Đạt, Bùi Thị Cúc. Cụ thể: Nguyễn Thị Kim Chi, Đào Tuấn Anh đã 02 lần bán cho Trần Văn Dũng, Hoàng Văn Đạt 695 khối pháo nổ với tổng khối lượng là 979,9 kilôgam (Số pháo này Chi gửi tại nhà Phan Thị Hồng). Dũng và Đạt đưa số pháo này về cất giấu tại xóm 1, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, sau đó chuyển số pháo này đi cất giấu tại địa điểm do Nguyễn Đình Phúc quản lý ở xóm 11, xã Nghi Kiều để bán lại cho người khác kiếm lời.
- Ngày 10/10/2021, Đặng Thái Bình đã gửi 121 cối pháo có tổng khối lượng 136,1 kilôgam tại nhà của Trần Thị Bé ở xóm Bắc Kim Hòa, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với mục đích bán lại cho người khác để kiếm lời. Khoảng 09 giờ 00 phút ngày 11/10/2021, tại nhà của Trần Thị Bé, Đặng Thái Bình đã lấy ra 40 cối pháo có tổng khối lượng là 47 kilôgam bán cho Nguyễn Thị Thuận để Thuận bán lại cho người khác kiếm lời. Đến 11 giờ 00 phút cùng ngày, khi Nguyễn Thị Thuận điều khiển xe mô tô chở pháo đi đến khu vực xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì bị Công an thị xã Cửa Lò phát hiện, bắt quả tang, thu giữ toàn bộ số pháo vừa mua được. Sau đó, Trần Thị Bé và Đặng Thái Bình đã ra đầu thú, Trần Thị Bé giao nộp lại 81 cối pháo có tổng trọng lượng là 89,1 kg (Tám mươi chín phẩy một kilôgam) còn lại do Đặng Thái Bình gửi tại nhà mình. Hiện vụ án đã khởi tố, truy tố, xét xử, Đặng Thái Bình về tội: “Buôn bán hàng cấm”, Trần Thị Bé về tội: “Tàng trữ hàng cấm” - với cùng tổng khối lượng pháo nổ là 136,1 kg (Một trăm ba mươi sáu phẩy một kilôgam); Nguyễn Thị Thuận về tội: “Buôn bán hàng cấm” - với tổng khối lượng pháo nổ là 47 kg (Bốn mươi bảy kilôgam).
Viện Kiểm sát kiểm sát mở niêm phong, xác định khối lượng pháo bị thu giữ
Việc tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng cấm có dấu hiệu gia tăng đột biến trong các tháng cuối năm (Tháng 12 và tháng 01) do một số nguyên nhân sau đây:
Một là: Với đặc thù của huyện Nghi Lộc là một địa bàn rộng, với 30 xã, thị trấn, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua, lại nằm ở vị trí tiếp giáp với nhiều huyện trọng điểm của tỉnh như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, Đô Lương..., các đối tượng thường tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng cấm từ nơi khác đến địa bàn huyện Nghi Lộc để tìm cách tiêu thụ, bán kiểm lời, với lợi nhuận tương đối lớn vì vậy có một số đối tượng bất chấp mặc dù biết rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt trong dịp gần tết nguyên đán.
Hai là: Ý thức của người dân về việc chấp hành pháp luật chưa được tốt, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Nhiều người dân coi việc đốt pháo ngày Tết là thú vui không thể thiếu nên gần đến dịp Tết Nguyên đán, hoạt động mua pháo về tàng trữ để sử dụng diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Ba là: Các đối tượng nhận thấy việc buôn bán pháo nổ là khoản lợi nhuận lớn, do đó lợi dụng nhu cầu mua và sử dụng pháo của một số người dân nên đã cố tình vi phạm pháp luật. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi hơn nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, chủ yếu giao dịch vào đêm khuya, sử dụng các trang mạng xã hội để giao dịch, mua bán, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm giao hàng… Đơn cử: ngày 12/6/2022, bắt giữ 3 vụ, 4 đối tượng về hành vi “Mua bán, vận chuyển pháo hoa nổ trái phép”. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Phạm Văn Tâm (SN 1990), trú tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò; Phan Trọng Hiến (SN 1982), trú tại xã Hưng Trung (Hưng Nguyên); Thái Bá Duy (SN 1994) và Nguyễn Văn Độ (SN 1982) cùng trú tại xã Diễn Bích (Diễn Châu). Số tang vật thu và tạm giữ gồm 145 kg pháo hoa nổ; 4 xe mô tô; 4 điện thoại di động. Theo đó, các đối tượng nằm trong đường dây mua bán, vận chuyển pháo hoa nổ trái phép liên huyện số lượng lớn bằng cách ngụy trang vào việc vận chuyển giao, nhận hàng hải sản tươi sống.
Bốn là: Công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chuyên trách như Công an xã, thị trấn có lúc, có nơi còn chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, việc xử lý vi phạm, tội phạm đôi lúc còn chưa được triệt để.
Ngoài ra, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàng trữ, mua bán, vận chuyển pháo nổ đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến quần chúng nhân dân của các cơ quan chức năng chưa chủ động, kịp thời và thường xuyên.
Phiên tòa giả định - một hình thức tuyên truyền hiệu quả, sinh động
Để góp phần đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả đối với tội phạm nói chung, các hành vi, tội phạm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (pháo nổ) trên địa bàn huyện Nghi Lộc nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân có liên quan (Công an, Đội quản lý Thị trường, Đài truyền thanh truyền hình....) trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống vi phạm, tội phạm liên quan đến pháo nổ (nhất là trong dịp gần tết nguyên đán), chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vi phạm nhằm hạn chế các điều kiện có thể dẫn đến việc phát sinh tội phạm.
2. Chỉ đạo các ngành, các đoàn thể, trường học và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ đốt các loại pháo trong tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, hội viên của tổ chức mình lối sống và nề nếp lành mạnh, ý thức tuân thủ pháp luật.
3. Phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn cập nhật các bản tin liên quan đến tình trạng tàng trữ, vận chuyển và buôn bán hàng cấm trên địa bàn huyện để tập trung tăng cường công tác tuyên truyền quy định của Nhà nước về việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
4. Huy động lực lượng Công an xã, thị trấn tiến hành Tuần tra địa bàn nhất là các khu vực thường xuyên tập trung đông người, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đốt pháo và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
5. Lực lượng chức năng tổ chức các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các hộ kinh doanh, từng hộ gia đình và người dân ký cam kết về việc không sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép và vận động người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng các loại pháo. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời và đấu tranh quyết liệt với mọi hành vi, vi phạm về quản lý, sử dụng các loại hàng cấm, đặc biệt tập trung những địa bàn trọng điểm có diễn biến phức tạp về tình hình buôn bán, sử dụng trái phép các loại pháo nổ. Từ đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, buôn bán vận chuyển pháo trái phép để có phương án ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
6. Chỉ đạo Công an huyện và công an các xã, thị trấn tập trung đấu tranh với tội phạm về pháo nổ. Trong đó, nhắm vào các đối tượng hoạt động trong các đường dây, ổ nhóm buôn bán trái phép các loại pháo, thuốc pháo; các đối tượng đã có tiền án, tiền sự về hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo; số đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên ở các trường học có biểu hiện sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo; các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện trên đường bộ, đường thủy có khả năng, điều kiện, có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển pháo, thuốc pháo trái phép, nhất là số đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới, cảng biển và các tuyến, địa bàn trọng điểm.
7. Quy định việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn trên địa bàn cũng như lĩnh vực mà đơn vị, cá nhân phụ trách nếu để xảy ra vi phạm. Động viên khen thưởng kịp thời tổ chức,cá nhân có thành tích tốt trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật góp phần phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo nổ, là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.
Doãn Thị Ánh Tuyết - VKSND huyện Nghi Lộc