image banner
Trao đổi nghiệp vụ: Xác định định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A như thế nào?

Tình huống: Vào trưa ngày 12/12/2022, Nguyễn Văn A (Chưa có tiền án, tiền sự) đi đến Chung cư B rồi đột nhập vào nhà 03 hộ dân trộm cắp tài sản gồm: Hộ thứ nhất lấy trộm 01 (một) chiếc điện thoại trị giá: 1.000.0000 đồng (Một triệu đồng), hộ thứ hai lấy trộm 01 (một) chiếc máy laptop có giá trị: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng), hộ thứ ba lấy trộm 01 chiếc ví da bên trong có số tiền: 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) thì bị bảo vệ Chung cư phát hiện và bắt quả tang. Đến ngày 21/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện T, tỉnh N đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.

Quá trình giải quyết vụ án có nhiều quan điểm về việc xác định định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A.

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A thực hiện 03 hành vi trộm cắp của 03 hộ dân, trong đó có 02 hành vi trộm cắp tại hộ thứ hai và hộ thứ thứ ba đủ định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự nên xác định định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A là: 2.000.000 + 5.000.000 = 7.000.000 đồng (Bảy triệu đồng), đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”. Còn hành vi trộm cắp tài sản ở hộ dân thứ nhất chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan điều tra ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Văn A về hành vi này.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả: Nguyễn Văn A thực hiện 03 hành vi trộm cắp của 03 hộ dân nhưng liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian nên theo hướng dẫn Công văn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính và Theo tinh thần hướng dẫn của TTLT 02/2001 ngày 25/12/2001 của Liên ngành Trung ương hướng dẫn việc áp dụng một số quy định tại Chương XIV "các tội xâm phạm sở hữu" của BLHS năm 1999 thì xác định định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A là: 1.000.000 + 5.000.000 + 2.000.000 = 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng), đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” đối với Nguyễn Văn A. Tuy các hướng dẫn nêu trên chỉ hướng dẫn trường hợp phạm tội liên tục về mặt thời gian có giá trị chiếm đoạt dưới mức định lượng truy tố (Dưới 2 triệu đồng) nhưng nếu chúng ta đi theo quan điểm thứ nhất sẽ không đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, vì trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt trong đó có hành vi đủ định lượng truy tố, có hành vi không đủ định lượng truy tố thì chỉ cộng các hành vi đủ định lượng để xác định mức trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp người phạm tội thực hiện tất cả các hành vi phạm tội đều không đủ định lượng truy tố thì chúng ta cộng tất cả lại để xác định hậu quả tội phạm gây ra theo như hướng dẫn ở trên là không đảm bảo tính công bằng trong áp dụng pháp luật.

Ví dụ 1: Trong đêm ngày 2/10/2022, B trộm cắp 10 con chó, mỗi con chó có trị giá: 1.000.000 đồng (Một triệu đồng). Theo tinh thần của Thông tư 02/2001 ngày 25/12/2001 và Công văn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thì hậu quả định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B là: 10 con x 1.000.000 đồng = 10.000.0000 đồng (Mười triệu đồng).

Ví dụ 2: Trong đêm ngày 2/10/2022, C trộm cắp 10 con chó, trong đó có 02 con chó, mỗi con có giá trị: 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) và 08 con chó mỗi con có trị giá: 1.000.000 đồng (Một triệu đồng). Theo tinh thần quan điểm thứ nhất thì xác định hậu quả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với C là những lần đủ định lượng truy tố là 02 con x 2.000.000 đồng = 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng), đồng thời ra Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp 08 con chó, mỗi con có trị giá 1.000.000 đồng (Một triệu đồng).

Như vậy, thông qua 02 ví dụ trên có thể thấy hành vi phạm tội của C có tính chất, mức độ nguy hiểm hơn đối với B, vì B trộm cắp 10 con chó (Đều dưới 2 triệu đồng), còn C trộm cắp 10 con chó (02 con trên 02 triệu và 08 con dưới 2 triệu đồng) nhưng nếu áp dụng theo tinh thần của quan điểm thứ nhất thì chỉ truy tố C với hậu quả thiệt hại định lượng là: 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng), trong khi B phải chịu trách nhiệm hình sự với hậu quả thiệt hại định lượng là: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) là sai lầm trong áp dụng pháp luật nên để đảm bảo công bằng pháp luật thì trong trường hợp phạm tội có tính liên tục, kế tiếp nhau về thời gian mà có các hành vi đủ định lượng và hành vi không đủ định lượng truy tố thì chúng ta vẫn phải cộng tất cả các hành vi mà đối tượng đã thực hiện để xác định hậu quả của tội phạm gây ra làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Tại giải đáp nghiệp vụ tại Hội nghị tập huấn công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự của Vụ THQCT và KSXX án hình sự của Viện KSND tối cao ngày 14/7/2022 trả lời trường hợp bị cáo (chưa có tiền án, tiền sự) có hành vi trộm cắp tài sản nhiều lần vào những thời gian khác nhau (trị giá tài sản đều dưới 2.000.000 đồng) và lần trộm cắp sau có trị giá tài sản chiếm đoạt trên 2.000.000 đồng thì không cộng giá trị tài sản của các lần trộm cắp có giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu để xác định là hậu quả thiệt hại của tội phạm. Tuy nhiên, vẫn phải nhận định đó là thiệt hại để xem xét trách nhiệm bồi thường dân sự đối với người có hành vi phạm tội (giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự).

Giải đáp trên hướng dẫn cho trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi trộm cắp tài sản vào những thời gian khác nhau (Không liên tục, không kế tiếp nhau về mặt thời gian) nên không áp dụng đối với tình huống mà tác giả đã nêu ra.

Hiện nay chưa có quy định nào hướng dẫn thi hành đối với việc định lượng tài sản trộm cắp để định khung hình phạt trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp liên tục kế tiếp về mặt thời gian trong đó có lần đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, có lần không đủ yếu tố định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (giá trị tài sản chiếm đoạt dưới hai triệu) dẫn tới khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, thiết nghĩ liên ngành tư pháp Trung ương cần ban hành văn bản sửa đổi, hướng dẫn thực hiện để thống nhất vận dụng trên thực tế. Đây là một tình huống thường xảy ra trong quá trình kiểm sát, mong bạn đọc trao đổi thảo luận để áp dụng./.

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 539
  • Trong tuần: 6 844
  • Tất cả: 331377