Tăng cường bảo mật thông tin trên không gian mạng trong ngành kiểm sát nhân dân, thực trạng và giải pháp
Trong
thời đại số hóa, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh
vực, đặc biệt là trong hoạt động tư pháp, nơi việc ứng dụng công nghệ giúp nâng
cao hiệu quả quản lý, trao đổi thông tin và xử lý nghiệp vụ. Ngành Kiểm sát
nhân dân, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp,
đã từng bước ứng dụng công nghệ vào công tác chuyên môn nhằm cải thiện hiệu quả
làm việc, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường tính minh bạch. Tuy
nhiên, mặt trái của việc kết nối mạng và sử dụng công nghệ là nguy cơ lộ lọt
thông tin, bị xâm nhập trái phép hoặc đánh cắp dữ liệu, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến công tác bảo vệ pháp luật, an ninh quốc gia và lợi ích của Nhà nước.
Thực
tế cho thấy, trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân, vẫn còn tồn tại những lỗ
hổng về bảo mật thông tin, từ nhận thức của cán bộ, kiểm sát viên đến việc thực
hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu. Một số đơn vị vẫn sử dụng các
hộp thư điện tử miễn phí thay vì hệ thống thư điện tử nội bộ của ngành, mật
khẩu đăng nhập không được thay đổi định kỳ, hoặc việc lưu trữ tài liệu mật
không đảm bảo quy chuẩn an toàn. Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày
càng gia tăng với mức độ tinh vi hơn, việc tăng cường các giải pháp bảo mật
thông tin là yêu cầu cấp thiết đối với toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
Hiện
nay, hầu hết các đơn vị trong ngành Kiểm sát đã được trang bị hệ thống công
nghệ thông tin hiện đại, các máy tính có kết nối Internet và hệ thống thư điện
tử để phục vụ trao đổi công việc. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, có thể
nhận thấy một số vấn đề đáng lo ngại:
Thứ nhất, nhận thức về bảo mật thông tin còn hạn chế: Một bộ phận cán bộ, kiểm sát viên chưa thực sự coi trọng
công tác bảo mật thông tin, chưa nhận thức được nguy cơ mất an toàn khi làm
việc trên không gian mạng. Việc sử dụng chung mật khẩu trong thời gian dài,
đăng nhập tài khoản trên nhiều thiết bị hoặc không tuân thủ nguyên tắc bảo mật
cơ bản là những sai sót phổ biến.
Thứ hai, sử dụng thư điện tử chưa an toàn: Mặc dù đã có hệ thống thư điện tử nội bộ nhưng một số đơn
vị vẫn sử dụng các hộp thư, ứng dụng trao đổi tài liệu miễn phí như Gmail, Zalo,
Telegram… để trao đổi công việc, tiềm ẩn
nguy cơ bị tấn công, giả mạo hoặc đánh cắp dữ liệu.
Thứ ba, lỗ hổng kỹ thuật trong hệ thống mạng: Một số máy tính cá nhân, máy tính tại một số đơn vị chưa
được cài đặt phần mềm bảo mật đầy đủ, không cập nhật bản vá lỗi kịp thời, tạo
điều kiện cho mã độc hoặc các cuộc tấn công từ bên ngoài xâm nhập.
Thứ tư, thói quen sử dụng thiết bị lưu trữ di động: Việc sao lưu tài liệu quan trọng vào USB, ổ cứng di động
mà không có biện pháp mã hóa an toàn cũng là nguy cơ lớn dẫn đến rò rỉ dữ liệu
khi thiết bị bị đánh cắp hoặc thất lạc.
Những
hạn chế trên đặt ra yêu cầu cấp bách về việc triển khai đồng bộ các giải pháp
nhằm tăng cường bảo mật thông tin trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, đảm bảo
an toàn dữ liệu và nâng cao nhận thức về bảo mật cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Cụ thể như sau:
Thứ
nhất, nâng cao
nhận thức về bảo mật thông tin: Tổ
chức các chương trình đào tạo, tập huấn thường xuyên về an toàn thông tin mạng
cho cán bộ, công chức, kiểm sát viên nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng
của bảo mật dữ liệu. Xây dựng tài liệu hướng dẫn về bảo mật thông tin, trong đó
quy định rõ các nguyên tắc bảo mật khi sử dụng email, máy tính, thiết bị di
động và các phương thức trao đổi thông tin nội bộ. Đưa nội dung bảo mật thông
tin trở thành tiêu chí đánh giá trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong việc
thực hiện nhiệm vụ.
Các khóa học trực tuyến về an toàn thông tin, an ninh mạng
trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia - One Touch
Đoàn viên Chi đoàn VKSND huyện Diễn Châu tổ chức sinh hoạt
Chính trị tháng 3 với chủ đề “Nâng cao kỹ năng ứng dụng tin học văn phòng cho
Đoàn viên thanh niên”
Thứ
hai, quản lý
chặt chẽ hệ thống thư điện tử và dữ liệu nội bộ: Quy
định bắt buộc sử dụng hệ thống thư điện tử nội bộ của ngành để trao đổi công
việc, không sử dụng email cá nhân hoặc dịch vụ thư điện tử miễn phí. Yêu cầu
thay đổi mật khẩu định kỳ theo chu kỳ 30-60 ngày/lần, sử dụng mật khẩu có độ
phức tạp cao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Thiết lập cơ chế
bảo vệ nhiều lớp cho tài khoản email, như xác thực hai yếu tố (Two-Factor
Authentication) để giảm thiểu nguy cơ bị xâm nhập. Không lưu trữ tài liệu quan
trọng trên email, sau khi gửi/nhận phải xóa ngay khỏi hộp thư để tránh bị rò rỉ
khi email bị tấn công.
Hệ thống thư điện tử công vụ của
Ngành kiểm sát nhân dân
Thứ ba, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo mật: Cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền cho tất cả các máy
tính trong đơn vị, thường xuyên cập nhật các bản vá lỗ hổng bảo mật để ngăn
chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài. Kích hoạt và thiết lập tường lửa
(firewall) trên hệ thống mạng để ngăn chặn truy cập trái phép. Sử dụng hệ thống
VPN (mạng riêng ảo) khi kết nối từ xa vào hệ thống nội bộ, đảm bảo dữ liệu
truyền tải được mã hóa an toàn. Hạn chế sử dụng USB, ổ cứng di động để lưu trữ
tài liệu mật, thay vào đó sử dụng các giải pháp lưu trữ an toàn hơn như ổ cứng
mã hóa hoặc hệ thống lưu trữ nội bộ có bảo mật cao.
Thứ tư, Kiểm soát an toàn thông tin trong quá trình sử dụng máy tính: Khi soạn thảo tài liệu mật, cần ngắt kết nối Internet để
tránh nguy cơ bị phần mềm gián điệp thu thập thông tin. Đối với các máy tính có
chứa dữ liệu quan trọng, cần thiết lập chế độ bảo vệ, hạn chế cắm thiết bị
ngoại vi như USB để tránh nguy cơ nhiễm mã độc. Khi sửa chữa máy tính, phải
giám sát chặt chẽ quá trình sửa chữa tại cơ quan, tuyệt đối không mang máy tính
chứa dữ liệu mật ra khỏi đơn vị để tránh nguy cơ mất dữ liệu. Khi thanh lý máy
tính cũ, cần xóa triệt để toàn bộ dữ liệu trên ổ cứng, hoặc tốt nhất là không
thanh lý ổ cứng để đảm bảo thông tin không bị lộ lọt.
Bảo
mật thông tin trên không gian mạng không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là
trách nhiệm của mỗi cá nhân trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trước những nguy cơ
ngày càng gia tăng từ các cuộc tấn công mạng và sự phát triển mạnh mẽ của công
nghệ, việc nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ và áp dụng các
biện pháp bảo mật tiên tiến sẽ giúp đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ hiệu quả
công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đồng thời góp
phần bảo vệ bí mật quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
|
Tổ CNTT và chuyển đổi số
Viện KSND huyện Diễn Châu
|