image banner
Một số vấn đề về thực trạng, kỹ năng, đề xuất, kiến nghị về công tác ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân

 


“Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND, xác định là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025 của toàn Ngành, giao cho người đứng đầu các cấp Kiểm sát chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số, bảo mật để đem lại kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính và một số hoạt động nghiệp vụ chính của Ngành lên môi trường số; từng bước ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ của Ngành, trong đó trọng tâm là việc quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc trên môi trường số, xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc; công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ; trợ lý ảo cho Kiểm sát viên; các phần mềm quản lý công tác và phấn đấu ứng dụng phòng họp không giấy. Đồng thời, yêu cầu chú ý đến công tác bảo mật thông tin tài liệu, dữ liệu công tác trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Viện kiểm sát”.

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 về Công tác ngành Kiểm sát năm 2024, Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành Kiểm sát; Kế hoạch công tác năm 2024 của Viện KSND tỉnh Nghệ An; Trong 6 tháng đầu năm 2024, Lãnh đạo Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng (Phòng 3) đã quán triệt kịp thời, đầy đủ các nội dung cơ bản được nêu tại Chỉ thị công tác của đ/c Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng như Kế hoạch công tác của Viện KSND tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở đó, đơn vị đã cụ thể hóa vào Chương trình công tác năm và Hướng dẫn công tác cho các đơn vị Viện KSND cấp huyện thực hiện liên quan đến công tác của Phòng quản lý và chỉ đạo.

Sau một thời gian triển khai thực hiện Công tác ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại đơn vị, có một số nội dung cần đưa ra để trao đổi liên quan đến thực trạng, kỹ năng, đề xuất và kiến nghị như sau:

1. Một là, về thực trạng công tác ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Phòng 3 luôn xác định và nhận thức rất rõ được vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý, điều hành nghiệp vụ của ngành; Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, để tiếp tục đáp ứng được tính kịp thời và hiệu quả của công việc được giao, đơn vị đã chủ động duy trì và tích cực triển khai, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, từ đó đã mang lại nhiều tác dụng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc và vụ án đồng thời giúp cho lãnh đạo Phòng có thể dễ dàng, thuận lợi trong việc nắm bắt, theo dõi và quản lý, chỉ đạo các nội dung công việc theo từng tuần, tháng và quý hoặc theo chuyên đề của Phòng.

Hiện nay, các Lãnh đạo và Kiểm sát viên trong đơn vị đều cơ bản nắm thành thạo kỹ năng trong việc soạn thảo, đánh máy văn bản nghiệp vụ vừa đảm bảo về hình thức và nội dung theo đúng quy chuẩn, sử dụng thông thạo mạng Internet để phục vụ việc tra cứu, khai thác thông tin và cập nhật thông tin pháp luật, kiến thức chuyên môn để phục vụ có hiệu quả công tác chuyên môn; Công tác theo dõi và nắm bắt các vụ việc, các “tin nóng” được dư luận quan tâm, chia sẻ trên cộng đồng mạng qua các ứng dụng mạng xã hội như “Facebook”, “Tiktok”, “Zalo”… cũng được chủ động quan tâm theo dõi, rà soát có chọn lọc để tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Viện trong việc ban hành Công văn chuyển cho Cơ quan điều tra.

Ngoài ra, công tác nhập án vào phần quản lý án hình sự, phần mềm sổ thụ lý điện tử án hình sự được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác đã góp phần giúp lãnh đạo đơn vị nắm được số lượng vụ việc, vụ án của từng Kiểm sát viên đang thụ lý ở giai đoạn nào, tiến độ ra sao…để có biện pháp chỉ đạo kịp thời và hiệu quả trong từng tuần/tháng/quý…

Có thể thấy rằng: Trong thời gian 6 tháng vừa qua, Phòng 3 đã và đang hình thành được “thói quen” trong việc triển khai thực hiện việc chuyển đổi dần những hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ như: xây dựng các báo cáo (báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề, báo cáo án...) từ các bản báo cáo giấy mang tính chất truyền thống với phương thức trực tiếp sang báo cáo bằng sơ đồ tư duy, trình chiếu Powpoint...bằng các hình thức như trực tuyến, trực tiếp qua máy chiếu... Đây là những tín hiệu tích cực và đáng ghi nhận để đánh dấu tự tìm tòi, học hỏi của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị.

Mặt khác, công tác ứng dụng chuyển đổi số trong 6 tháng qua cũng đã có những dấu hiệu rõ nét góp phần quan trọng trong việc thay đổi những thói quen làm việc, lãnh đạo cũng như lối tư duy truyền thống. Cụ thể, tại Phòng 3 việc ứng dụng chuyển đổi số được xác định là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị với mục đích nhằm thay đổi căn bản cách thức làm việc của cán bộ, Kiểm sát viên, cách thức chỉ đạo, điều hành; Từ đó, tạo ra những giá trị mới mẻ để thay đổi và thử nghiệm những giá trị mà công nghệ kỹ thuật số mang lại. Theo đó, tất cả các khâu công tác do Phòng đang thực hiện đã và đang được triển khai, áp dụng chuyển đổi căn bản từ cơ chế truyền thống sang dần với công nghệ chuyển đổi số. Từ việc Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất các loại báo cáo như tuần, tháng, quý…báo cáo chuyên đề hay báo cáo án; việc cập nhật để tổng hợp và theo dõi, quản lý vụ việc, vụ án của các Kiểm sát viên và lãnh đạo đều được thực hiện 100% thông qua phần mềm Exel, được cập nhật đầy đủ, chính xác để lãnh đạo nắm, theo dõi và chỉ đạo.

Công tác báo cáo án bằng sơ đồ tư duy được đơn vị quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, có hiệu quả…ngay từ khi thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án các Kiểm sát viên luôn chủ động nghiên cứu, vạch ra những tiêu chí để xây dựng và gắn việc giải quyết vụ án kết hợp với hình thành sơ đồ tư duy, mỗi Kiểm sát viên luôn luôn cố gắng học hỏi hoàn thiện các thao tác và kỹ năng sử dụng các phần mềm có liên quan để sử dụng thành thạo cũng như phải nắm chắc, nắm rõ nội dung vụ việc, vụ án…

2. Hai là, về kỹ năng ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số:

Xuất phát từ thực trạng và những hiệu quả mà ứng dụng mang lại đơn vị mạnh dạn đưa ra một số kỹ năng cơ bản sau đây:

- Bản thân mỗi cán bộ, kiểm sát phải thành thạo kỹ năng soạn thảo văn bản cơ bản, kỹ năng tin học văn phòng (sử dụng tốt Word, Powpoint, Ecxel…) sử dụng tốt máy tính xách tay, máy chiếu, máy scan…truy cập thành thạo và sử dụng các nền tảng mạng xã hội một cách hiệu quả để phục vụ cho công việc chuyên môn của mình.

- Cần có sự định hướng và xác định rõ được các chỉ tiêu công tác của đơn vị gắn với ứng dụng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số từ đó có kế hoạch và giải pháp phù hợp, thiết thực đối với thực tiễn đơn vị mình nhằm tránh được tình trạng chạy theo thành tích, sao chép một cách không khoa học dẫn đến việc áp dụng không có hiệu quả, mất thời gian, lãng phí thời gian, nhân lực, máy móc…

- Quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cần phải có kỹ năng trong việc kết hợp nhuần nhuyễn, có hiệu quả giữa cái mới và cái cũ, cái truyền thống và hiện đại. Cần xác định rằng việc thay thế dần cái cũ, cái truyền thống sang cái mới và hiện đại chỉ mang tính chất kế thừa, phát huy chứ không làm mất đi hay thay thế những giá trị cơ bản mà chúng đã hình thành và tạo ra. Ví dụ: Việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy vụ án hình sự phải có tác dụng giúp cho Lãnh đạo đơn vị nắm bắt nhanh hơn, đầy đủ hơn…so với việc báo cáo giấy, báo cáo trực tiếp… việc lãnh đạo duyệt báo cáo định kỳ, đột xuất vẫn phải bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, bảo mật…

3. Ba là, một số đề xuất liên quan đến hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số:

Xuất phát từ các hoạt động chuyên môn của ngành Kiểm sát, từ thực tiễn triển khai, áp dụng ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đơn vị xin đề xuất một số nội dung sau:

- Lãnh đạo các đơn vị cần xác định và coi việc ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, cần phải hòa nhập, thích nghi và ngày càng hoàn thiện. Từ đó, có sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa đối với cán bộ, kiểm sát viên trong việc tự học hỏi, tự đạo tạo và nâng cao trình độ chuyên môn gắn với các kỹ năng cơ bản và nâng cao liên quan đến ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

- Cần có cơ chế động viên, khuyến khích và khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

- Cần đầu tư có trọng điểm về máy móc, thiết bị cơ bản, cần thiết cho việc triển khai thực hiện ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

- Cần tăng cường cơ chế thi đua, học hỏi lẫn nhau trong đơn vị thông qua việc tổ chức các cuộc thi thiết kế slide; tăng cường tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu…nhằm trau dồi, tăng cường việc học tập, trao đổi lẫn nhau…

Tóm lại, dù sử dụng phương thức nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng của mỗi đơn vị vẫn là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao; Do đó, với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành Kiểm sát nhân dân cần phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm từ đó không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn kết hợp với việc học hỏi, trau dồi tự nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, hiểu đúng về “chuyển đổi số” và vận dụng nó hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình trước mắt và về lâu dài.

Với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024 trong công tác ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại đơn vị. Phòng 3 có một số kinh nghiệm, giải pháp để trao đổi để các đơn vị khác trong ngành Kiểm sát nhân dân biết để thảo luận, đánh giá; Từ đó, góp phần để cho hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được phong phú, hoàn thiện, góp phần thiết thực đối với hoạt động của Ngành./.

                      Nguyễn Đình Chung - Phòng 3 VKSND tỉnh Nghệ An

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1