Viện KSND huyện Tương Dương kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường vụ án hủy hoại rừng
Nằm trong khu dữ trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, nơi đầu nguồn dòng sông Cả, huyện Tương Dương chiếm 17% diện tích tự nhiên và gần 24,3% trữ lượng rừng của tỉnh Nghệ An. Tài nguyên rừng Tương Dương hiện còn giữ được tính đa dạng và khá phong phú. Trong tổng số hơn 223.00 ha rừng hiện có, rừng tự nhiên chiếm gần 98%... . Trong thời gian gần đây các hành vi khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép và huỷ hoại rừng trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống của người dân địa phương là người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế mà mục đích chủ yếu phá rừng làm nương rẫy.
Do vậy, phát sinh các vụ án liên quan đến hủy hoại rừng công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường luôn luôn được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Tương Dương quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cũng như các cơ quan hưu quan để nắm bắt kịp thời thông tin, 100% các vụ việc, vụ án kịp thời tiến hành khám nghiệm hiện trường.
Ngày 09/8/2022, VKSND huyện Tương Dương nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT công an huyện Tương Dương để phối hợp tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với vụ việc “Chặt phá, đốt cháy rừng tại bản Sơn Hà, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”. Ngay sau khi nhận được tin báo, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tương Dương đã cử Kiểm sát viên có kinh nghiệm tiến hành kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường, đánh giá chứng cứ.
Toàn cảnh hiện trường vụ chặt phá, đốt cháy rừng
Do tính chất địa hình, hiện trường xảy ra vụ việc hủy hoại rừng là vùng đồi núi, cách xa khu dân cư, việc tiếp cận hiện trường là rất khó khăn. Nhưng với chức năng, nhiệm vụ của ngành và bằng sự nỗ lực, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, Kiểm sát viện đã khắc phục khó khăn cùng với đoàn khám nghiệm băng rừng, lội suối đi bộ hàng tiếng đồng hồ để tiếp cận hiện trường, kịp thời kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường theo đúng quy định của pháp luật.
Để công tác khám nghiệm hiện trường đạt được hiệu quả và chất lượng, Kiểm sát viên chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chuyên môn thuộc thành phần trong đoàn khám nghiệm đề trao đổi phương pháp, cách thức khám nghiệm, xác định vị trí, ranh giới, phương pháp đo đạc xác định rõ diện tích rừng bị phá, lập bảng tổng hợp để xác định số lượng, trữ lượng cây gỗ bị chặt phá, số lượng, trữ lượng từng loại cây, chiều cao, đường kính gốc cụ thể từng cây. Đánh giá, thu giữ và bảo quản những vật chứng quan trọng có ý nghĩa then chốt trong giải quyết vụ việc.
Kiểm sát viên cùng với cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, xác định diện tích rừng, khối lượng gỗ bị hủy hoại
Khám nghiệm hiện trường là một trong những hoạt động điều tra được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản, dấu vết, vật chứng của các vụ án hình sự hoặc vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Hoạt động khám nghiệm hiện trường có vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được thực hiện ngay sau khi có sự việc xảy ra. Thông qua công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường đã xác định được vị trí, nguồn gốc, diện tích, cách thức rừng bị chặt phá, đốt cháy. Thu giữ được những dấu vết, vật chứng có liên quan. Kết quả khám nghiệm hiện trường là căn cứ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc. Là cơ sở để nhận định tính chất, diễn biến vụ việc, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định, đánh giá để có phương án xác minh, kế hoạch tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS.
|
Võ Trọng Thắng
Viện KSND huyện Tương Dương
|