Viện KSND huyện Đô Lương - rút kinh nghiệm từ phiên toà trực tuyến của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
Sáng ngày 22 tháng 09 năm 2023, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết nối với điểm cầu Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc vụ án Trần Quang Quyết, Phan Ngọc Đức phạm tội “Mua bán người’ và tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 150 Bộ luật hình sự và điểm đ khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự.
Phiên toà đã diễn ra thành công, đáp ứng Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”
Phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc được tổ chức tại điểm cầu trung tâm Toà án nhân dân cấp cao tại Đà nẵng kết nối điểm cầu thành phần Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, truyền hình tới 800 điểm cầu của Toà án nhân dân các cấp, có sự tham dự của Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp.
Hình ảnh liên ngành tư pháp tham dự phiên toà trực tuyến tại điểm cầu TAND huyện Đô Lương
Theo nội dung vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú xã Ia Đal, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum)15 năm tù về tội “Mua bán người”, 14 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hình phạt buộc bị cáo chấp hành hình phạt 29 năm tù và Phan Ngọc Đức (sinh năm 1990, trú xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) 15 năm tù về tội “Mua bán người”, 13 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hình phạt buộc bị cáo chấp hành hình phạt 28 năm tù.
Sau khi tuyên án, các bị cáo đã có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm vì cho rằng Hội đồng xét xử sơ thẩm xử phạt các bị cáo mức án nặng và đề nghị xem xét tội danh “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Cụ thể, bị cáo Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Đức kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời xem xét về tội danh “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đức giữ nguyên nội dung kháng cáo, bị cáo Quyết bổ sung nội dung xem xét về tội danh “Mua bán người dưới 16 tuổi” như bị cáo Đức.
Tại phiên toà phúc thẩm được tổ chức tại điểm cầu Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết nối với điểm cầu thành phần Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, qua các phần thủ tục bắt đầu phiên toà, phần tranh tụng và tuyên án đều diễn ra theo đúng quy định của pháp luật nhưng không gây nhàm chán, bởi chủ toạ phiên toà cũng như các kiểm sát viên có giọng đọc, nói cuốn hút, có điểm nhấn. Đặc biệt phần tranh luận gây thu hút cho những người theo dõi, thể hiện được tinh thần của Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự về nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”; các bên “đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”
Hình ảnh tại điểm cầu TAND cấp cao tại Đà Nẵng, TAND tỉnh Gia Lai
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét toàn diện vụ án, tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, sửa một phần bản án về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, giảm một phần hình phạt. Theo đó, Hội đồng xét xử xử phạt Trần Quang Quyết 13 năm tù về tội “mua bán người”, 11 năm tù về tội “mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hợp hình phạt chung của 02 tội buộc bị cáo Trần Quang Quyết chấp hành hình phạt 24 năm tù; xử phạt bị cáo Phan Ngọc Đức 13 năm tù về tội “mua bán người”, 10 năm tù về tội “mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hợp hình phạt chung của 02 tội buộc bị cáo Phan Ngọc Đức chấp hành hình phạt 23 năm tù.
Tham dự phiên toà, đồng chí Nguyễn Hoà Bình – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao phát biểu, đánh giá phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc của Toà án nhân dân cấp cao diễn ra thành công cả về phiên xét xử, đảm bảo được tiêu chí phiên toà rút kinh nghiệm, về sự phối hợp chặt chẽ giữa Toà án và Viện kiểm sát.
Sau phiên toà, liên ngành Công an – Toà án – Viện kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương đã tiến hành họp rút kinh nghiệm đánh giá ưu điểm và hạn chế qua việc theo dõi phiên toà; đối với việc điều hành phiên toà của chủ toạ phiên toà, kỹ năng điều hành tranh tụng, kỹ năng xét hỏi của chủ toạ phiên toà; kỹ năng xét hỏi, tranh tụng, ứng xử tại phiên tòa của kiểm sát viên; kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý; rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật, về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên toà. Qua đó, đã nêu ra một số đánh giá, nhận xét như sau:
Về tiêu chí phiên toà rút kinh nghiệm đạt yêu cầu: Vụ án có các bị cáo đề nghị xem xét về tội danh truy tố; Có nhiều luật sư tham gia bào chữa cho cả bị cáo và bị hại; có nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh; vụ án có sử dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật; có khả năng tranh luận cao.
Về sự điều hành phiên toà của Thẩm phán chủ toạ phiên toà: Từ khi khai mạc phiên toà đến khi kết thúc phiên toà, thẩm phán chủ toạ phiên toà đã thể hiện kỹ năng điều hành, cho thấy vai trò quan trọng của Toà án là trung tâm của hoạt động xét xử, quyết định thành công của phiên toà. Với giọng nói to, rõ ràng; xét hỏi đúng trọng tâm, không trùng lặp; xử lý tình huống nhanh, dứt khoát, chính xác cho thấy một thẩm phán dày dạn kinh nghiệm. Thông qua phiên tòa này, các chức năng cơ bản của tố tụng được bảo đảm thực hiện một cách rõ nét, công khai, dân chủ và bình đẳng. Hội đồng xét xử đã kiểm tra, đánh giá công khai tính đúng đắn của các hoạt động tố tụng trước đó của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; mọi tài liệu chứng cứ của vụ án được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố đều được xem xét một cách công khai tại phiên toà; hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình; được tham gia tranh luận đến cùng.
Về kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên toà: Các kiểm sát viên tham gia phiên toà đã thể hiện được chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án, Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm, Cán bộ Tòa án, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án được nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua phiên toà thể hiện được vai trò của kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát hoạt động xét xử, đặc biệt các kỹ năng xét hỏi, kỹ năng luận tội, kỹ năng tranh luận.
Kiểm sát viên đã hỏi bị cáo để làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn. Hỏi có trọng tâm, trọng điểm. Điển hình như: Bị cáo có kiểm tra căn cước công dân của các bị hại không? Căn cước công dân được cấp vào tháng 7 năm 2022, mà bị cáo khai ngày 20/6/2022 có xem căn cước, lấy đâu ra căn cước để xem? Từ việc hỏi trên để phủ định việc bị cáo khai đã xem căn cước của các bị hại và biết các bị hại đều trên 16 tuổi.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh việc xét hỏi trực tiếp của luật sư đối với giám định viên và điều tra viên. Cụ thể, khi luật sư hỏi trực tiếp điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Gia Lai, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, Kiểm sát viên cấp cao đã đề nghị chủ toạ phiên toà xem xét nhắc nhở các luật sư cần tuân thủ đúng quy định tại điều 307 Bộ luật tố tụng hình sự quy định chủ toạ phiên toà điều hành xét hỏi. Việc luật sư hỏi thẳng kiểm sát viên, điều tra viên mà không đề nghị Hội đồng xét xử là vi phạm quy định tại Điều 307 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc xét hỏi tại phiên toà phải chịu sự điều khiển của chủ toạ phiên toà. Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị này của Kiểm sát viên cấp cao, và đã tiến hành nhắc nhở các luật sư về vấn đề này.
Quá trình tranh luận với các luật sư, Kiểm sát viên đã đối đáp đầy đủ, đến cùng từng vấn đề, những ý kiến luật sư đưa ra. Qua sự hiểu biết và nắm vững pháp luật với lập luận chặt chẽ, có căn cứ, thuyết phục khẳng định quan điểm truy tố, thông qua đó bác bỏ quan điểm của người tranh tụng khác. Hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên toà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đạt hiệu quả cao, giúp hội đồng xét xử có cách nhìn khách quan để giải quyết vụ án.
Về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên toà và sự phối hợp giữa Toà án, Viện kiểm sát: Qua phiên toà thể hiện Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo, kỹ càng cho phiên toà hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc. Đã triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng, đặc biệt là triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên đã xét xử ở giai đoạn sơ thẩm, giám định viên. Dự kiến được những tình huống sẽ diễn biến tại phiên toà.
Việc Tòa án nhân dân cấp cao tổ chức phiên tòa này để rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc là có chất lượng, mang lại hiệu quả cao; nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký, kiểm sát viên, Điều tra viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án. Đây là giải pháp đào tạo, tự đào tạo hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.
Nguyễn Thị Minh
Viện KSND huyện Đô Lương