Bộ
luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực thi hành
từ ngày 01/01/2018. Qua thực tiễn áp dụng chúng tôi thấy có một số
vướng mắc, bất cập, trong đó có quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS 2015 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Điều 244. “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”
quy định: “1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh
mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật
rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước
về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc
một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng
đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a)
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật
thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b)
Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không
thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a
khoản này”.
Như
vậy, theo quy định của điều luật thì chỉ cần người nào có hành vi săn
bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép cá thể,
bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật
thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật là đủ yếu tố cấu thành “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS.
Nghị
quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về
bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ
động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự” (Nghị quyết số
05/2018/NQ-HĐTP) quy định: “4. Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng
được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc
một bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá
thể hổ đã chết thiếu chân)”.
Qua
nghiên cứu nội dung điều luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao, cũng như thông qua công tác thực tiễn hoạt động
điều tra, truy tố, xét xử “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”,
chúng tôi thấy quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật
hình sự năm 2015 (BLHS) còn có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập khi
áp dụng, cụ thể như sau:
Theo
hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì hành vi “vận chuyển,
buôn bán trái phép động vật” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS
và hành vi “vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể… động vật” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS là giống nhau.
Ví dụ: Người nào có hành vi vận chuyển hoặc buôn bán trái phép 01 (một) con Báo lửa đã chết
(Báo lửa còn gọi là Beo lửa, Beo vàng, có tên khoa học là Catopuma
temmimckii, là loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm
được ưu tiên bảo vệ), thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với người này về “Tội vi phạm quy định về bảo
vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244
BLHS và cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người này về
“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS đều đúng quy định của pháp luật.
Qua
ví dụ cụ thể nêu trên cho thấy, cùng một hành vi “vận chuyển trái phép”
hoặc “buôn bán trái phép” động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý,
hiếm được ưu tiên bảo vệ, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng
các điểm khác nhau trong cùng một khoản của điều luật để truy cứu trách
nhiệm hình sự đối với người phạm tội, như vậy dễ dẫn đến việc nhận thức
và áp dụng pháp luật không thống nhất do bất cập trong quy định tại điều
luật của BLHS chưa chặt chẽ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan có
thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ quan chức năng có nhận
thức và áp dụng pháp luật được thống nhất. Đồng thời cần kiến nghị xem
xét, sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS theo hướng
như sau:
Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
“1.
Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy
cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật
rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán
quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong
các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
“ a)
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép
động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (thêm hành vi tàng trữ vào điểm a).
b) Tàng
trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời
sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này” (bỏ từ “cá thể” khỏi điểm b).
Trên
đây chỉ là sự nhận thức và quan điểm của cá nhân người viết bài qua
nghiên cứu và áp dụng Điều 244 BLHS năm 2015 trong thực tiễn tại địa
phương. Rất mong nhận được ý kiến góp ý của đồng nghiệp và quý bạn đọc.
Lữ Văn Sơn - Viện trưởng Viện KSND huyện Quế Phong
|